Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quà lưu niệm cho lãnh đạo các cơ quan báo chí - Ảnh: THẢO LÊ
Phát biểu chúc mừng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi, lời chúc mừng đến toàn thể các nhà báo, các cơ quan báo chí của TP.HCM và cả nước.
Chủ tịch nước cho rằng đội ngũ báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền tải các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, các phóng viên đã lăn xả vào những tâm điểm dịch, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch, tôn vinh những tấm gương thiện nguyện xả thân.
Ông cho rằng vai trò của báo chí trong công tác phòng chống dịch là rất lớn. Sau dịch, báo chí cũng phản ánh tình hình phục hồi kinh tế - xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chúc mừng - Ảnh: THẢO LÊ
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị đội ngũ báo chí tiếp tục phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên.
Qua các bài báo phản ánh, những phóng sự điều tra, báo chí có thể "cảnh báo sớm" đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để họ không dám làm sai, không dám tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung - Ảnh: THẢO LÊ
Đồng thời, các cơ quan báo chí, nhất là ở các địa phương cần đề cập nhiều hơn nữa về những vấn đề mà nhân dân quan tâm, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình. Với chức năng giám sát, phản biện xã hội, báo chí sẽ giúp nâng cao công khai, minh bạch hoạt động quản lý hành chính nhà nước, cũng như quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạch định chính sách.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đã gửi lời chúc mừng của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đến đội ngũ báo chí trung ương và thành phố.
Người đứng đầu chính quyền TP đã gửi lời tri ân đến lực lượng báo chí đã đồng hành cùng TP xây dựng và phát triển. Trong thời điểm dịch, đội ngũ báo chí đã lao vào trận, có đóng góp xứng đáng trong việc thông tin tuyên truyền phòng chống dịch.
Ngay khi thành phố có những dấu hiệu kiểm soát được dịch, chính các cơ quan báo chí đã gợi mở cho TP nhiều giải pháp để vừa phòng chống dịch vừa mở cửa lại nền kinh tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu chúc mừng - Ảnh: THẢO LÊ
"Chúng tôi không thể kể hết những đóng góp, sát cánh của các cơ quan báo chí với sự phát triển của TP. Chúng tôi xem đây như là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của TP. Bởi không chỉ thông tin tuyên truyền, qua hoạt động của mình, báo chí đã quy tụ được trí tuệ xã hội để đóng góp cho TP", ông Mãi nói và đề nghị các cơ quan báo chí tích cực hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP khuyến khích các cơ quan báo chí tiếp tục phản biện xã hội, kể cả những mặt chưa hoàn thiện, làm sao chỉ ra những điểm cần được cải thiện, đấu tranh chống tiêu cực.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng phát biểu - Ảnh: THẢO LÊ
Thông tin tại buổi gặp mặt, ông Trần Trọng Dũng - chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - cho biết qua 47 năm, báo chí TP đã có sự phát triển vượt bậc, rất đa dạng và phong phú. TP có 19 cơ quan báo chí, trong đó có 7 tờ báo, 2 đài phát thanh - truyền hình và 10 tạp chí.
Ngoài ra trên địa bàn TP còn có 161 cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Các cơ quan báo chí TP không chỉ là cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp mà còn là diễn đàn thân thiết, gần gũi, tin cậy của nhân dân.
Ông Dũng cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cả nước và TP dành tình cảm, quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tạo mọi điều kiện cho báo chí phát triển. Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để báo chí TP ngày càng phát triển.
TTO - Ngày 20-6, tại Hà Nội diễn ra lễ tiếp nhận tranh chân dung và giao lưu chủ đề "Những nhà báo nữ tôi quen".