HSBC và Climate Bonds mới đây đã có báo cáo về số liệu và xu hướng chính cần nắm bắt nhằm củng cố tài chính bền vững ở khối ASEAN, thị trường vốn nợ bền vững lập kỷ lục về khối lượng phát hành trong năm 2021.
Cụ thể, lượng phát hành ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021 với lượng phát hành cao kỷ lục đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD trong năm 2020. Nợ liên kết bền vững đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020.
Các khoản nợ được phân loại nhãn xanh bao gồm trái phiếu xanh và khoản vay xanh, tiếp tục là công cụ tài chính bền vững phổ biến nhất trên thị trường nợ GSS trong năm 2021.
Trong đó 63,9% các giao dịch GSS từ ASEAN là giao dịch xanh, 35,5% là giao dịch bền vững, tăng 16% so với năm 2020. Tỉ trọng phát hành nợ xã hội trong khu vực còn khá thấp (0,6%) trong năm 2021.
Tòa nhà và năng lượng tiếp tục là mục đích sử dụng nhiều nhất nguồn vốn huy động từ các khoản nợ dán nhãn xanh ở ASEAN. Hai ngành này chiếm 79,5% tổng nguồn vốn huy động từ nợ xanh phát hành tại khu vực ASEAN trong giai đoạn 2016-2021 và nhận được 2/3 nguồn vốn trong năm 2019, tăng lên 79% trong năm 2020.
Bên cạnh đó, trái phiếu do doanh nghiệp phi tài chính phát hành chiếm tỷ trọng lớn (79%) trong khối lượng giao dịch xanh của ASEAN trong năm 2021, đồng thời trái phiếu chính phủ tiếp tục thống lĩnh thị trường xã hội và bền vững, chiếm 51%.
Nợ liên kết bền vững trong năm 2021 ghi nhận 27,5 tỷ USD trái phiếu liên kết bền vững và khoản vay liên kết bền vững, nhờ vậy vượt qua khối lượng nợ GSS truyền thống. Tổng giá trị thị trường hai loại trên đạt khoảng 39 tỷ USD vào cuối năm 2021, tương đương với giá trị thị trường nợ xanh.
Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều ghi nhận giá trị phát hành nợ GSS tăng lên so với năm 2020, còn Indonesia và Philippines lại giảm do lượng phát hành lớn trong năm 2020.
Trong đó, Singapore duy trì vị thế dẫn đầu khu vực với giá trị phát hành vốn nợ GSS đạt 13,6 tỷ USD trong năm 2021 so với 4,9 tỷ USD trong năm 2020. Thái Lan là nguồn phát hành nợ bền vững lớn nhất khu vực với tổng giá trị đạt 5,8 tỷ USD tính tới cuối năm 2021, tương đương 38% của thị trường xã hội và bền vững ASEAN.
Tại Việt Nam, tổng giá trị phát hành GSS đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liên tiếp. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, theo HSBC.
Thị trường GSS+ của Malaysia ghi nhận tăng trưởng 3 năm liên tiếp, với nhóm bền vững vẫn là công cụ tài chính phổ biến nhất, chiếm khoảng một nửa (51%) tổng thị phần. Thị trường Philippines đã chậm lại trong năm 2021 với tổng nợ GSS đạt 0,9 tỷ USD so với mức 2,3 tỷ USD trong năm 2020.
Ông Kelvin Tan - Giám đốc điều hành, Giám đốc đầu tư & tài chính bền vững, khu vực ASEAN, HSBC cho biết: "Trong khi sự tăng trưởng này phần nhiều được thúc đẩy bởi chính sách hỗ trợ tăng cường, có một xu hướng đang ngày càng phổ biến là các công ty đang lồng ghép rủi ro khí hậu khi xây dựng chiến lược kinh doanh. Đặc biệt, xu hướng này giúp gia tăng mức độ quan tâm của các doanh nghiệp đối với các khoản vay liên kết bền vững, công cụ vừa mang đến sự linh hoạt trong mục đích sử dụng nguồn vốn vừa giúp doanh nghiệp đạt được các mục đích và mục tiêu bền vững".
"Tuy nhiên, nhu cầu triển khai vốn tài trợ nhằm giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu vẫn còn cao. Việc huy động tài chính này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế phát thải carbon thấp vốn rất cần thiết để đạt được các mục tiêu theo Hiệp định Paris cũng như giảm thiểu những tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra cho khu vực ASEAN", ông cho hay.