Lòng vòng chuyển nhượng
Theo Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM, hành vi vi phạm pháp luật trong "phi vụ” chuyển nhượng Dự án Khu dân cư Ven Sông diễn ra một cách... lòng vòng cũng như trải qua thời gian khá dài. Cụ thể, tháng 5-1999, Công ty Tân Thuận được Ban tài chính quản trị Thành ủy TPHCM chấp thuận chủ trương thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Ven Sông Tân Phong, P.Tân Phong, Q7. Đến tháng 8-2000, Ban Quản lý khu Nam chấp thuận cho Công ty Tân Thuận được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Ven Sông. Ngày 12-11-2001, UBND TPHCM có Quyết định số 7447/QĐ-UB giao đất cho Công ty Tân Thuận để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư Ven Sông - Khu đô thị mới Nam thành phố...
Công ty Tân Thuận nhận đầu tư xây dựng khu diện tích 31.967m2 (gọi là Khu số 4). Năm 2008, Công ty Tân Thuận ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 22 với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai với tỷ lệ 55:45 để đầu tư xây dựng dự án Khu cac ốc căn hộ - thương mại Ven Sông Tân Phong tại khu 4 - Khu dân cư Ven Sông. Tại đây, theo Cơ quan An ninh điều tra, căn cứ quy định pháp luật vào thời điểm này, việc Công ty Tân Thuận ký hợp đồng hợp tác với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai là không vi phạm pháp luật, bản chất vẫn là Hợp đồng hợp tác đầu tư.
Sau khi ký hợp đồng, dự án bị dừng triển khai theo Văn bản số 129, ngày 14-2-2008 của Ban quản lý Khu Nam bởi dự án có liên quan đến quy hoạch nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Đến năm 2012, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai chuyển nhượng 45% vốn góp này cho Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (công ty con). Rồi cuối năm 2015, Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh lại chuyển nhượng 45% vốn góp này cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (gọi tắt là Công ty Quốc Cường Gia Lai). Ngày 15-12-2015, Công ty Quốc Cường Gia Lai gửi văn bản đề nghị Công ty Tân Thuận chuẩn bị tài sản thế chấp để vay vốn đầu tư triển khai dự án hoặc chuyển nhượng tiếp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 55% vốn góp còn lại của Công ty Tân Thuận theo hợp đồng hợp tác kinh doanh để Công ty Quốc Cường Gia Lai triển khai dự án.
Ngay sau khi nhận được văn bản của Công ty Quốc Cường Gia Lai, ông Trần Công Thiện (Tổng giám đốc Cty Tân Thuận) không lập biên bản theo như quy định, mà làm báo cáo và được ông Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tân Thuận) thống nhất (cũng không lập biên bản) việc chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp tại dự án Khu cao ốc căn hộ thương mại Ven Sông Tân Phong, là thuộc Khu 4, Khu dân cư Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Ngày 13-1-2016, ông Trần Công Thiện ký Hợp đồng tư vấn - dịch vụ thẩm định giá nhằm mục đích "hợp tác đầu tư”. Thế nhưng, ngày 1-2-2016, ông Thiện tổ chức họp Hội đồng xây dựng giá, gồm ông Thiện là Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận, Trần Tấn Hải là Phó tổng giám đốc, Nguyễn Xuân Tùng là Phó trưởng phòng Kinh tế tổng hợp để xây dựng giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp với giá 19.500.000 đồng/m2.
Cơ quan An ninh điều tra, Công an TPHCM kết luận: "Tuy nhiên, Hội đồng xây dựng giá đã sử dụng sai mục đích chứng thư (mục đích chứng thư của công ty thẩm định giá là để hợp tác đầu tư) nhưng Hội đồng xây dựng giá lại sử dụng làm mục đích chuyển nhượng vốn góp và thực hiện không đúng quy định tại Điều 5, Điều 7 - Quy chế xây dựng giá bất động sản kinh doanh công ty dẫn đến giá chuyển nhượng 45% vốn góp không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai minh bạch theo điểm c, khoản 1, Điều 31 - Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014".
Tự đề xuất giá
Với chức năng và nhiệm vụ là Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận, ông Trần Công Thiện đã tự mình đề xuất giá và ngày 3-2-2016, ông ta ký Biên bản làm việc số 15 với Công ty Quốc Cường Gia Lai có nội dung thống nhất giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp của Công ty Tân Thuận cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là 20 triệu đồng/m2 (theo Hội đồng Giám định tài sản vào thời điểm tháng 3-2016 là 23,5 triệu đồng/m2; vào tháng 12-2019 xác định giá trị quyền sử dụng đất Khu 4 - Khu dân cư Ven Sông là hơn 43,6 triệu đồng/m2). Nghiêm trọng hơn, ngày 22-2-2016, ông Nguyễn Văn Minh với cương vị là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tân Thuận đã ký văn bản số 538 để trình Văn phòng Thành ủy TPHCM (là chủ sở hữu vốn Nhà nước của Công ty Tân Thuận) đề nghị chấp thuận chủ trương cho chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp.
Cơ quan An ninh điều tra nhận định: "Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, ông Minh đã không kiểm tra quy trình xây dựng giá chuyển nhượng dẫn đến việc giá chuyển nhượng không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch... theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh".
Trải qua nhiều công đoạn về "chuyển nhượng giá” vốn góp của Nhà nước tại Công ty Tân Thuận, thì ngày 9-9-2017, Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục có văn bản số 089 đề nghị được mua tiếp 10% vốn góp còn lại của Công ty Tân Thuận. Cũng với "chiêu" cũ như nêu trên, ông Trần Công Thiện vào ngày 11-9-2017, tức sau có hai ngày làm việc, ông này đã ký hợp đồng tư vấn thẩm định giá, cũng với mục đích là "hợp tác đầu tư”. Nhưng với 10% vốn góp còn lại, lần này Công ty Tân Thuận ký Biên bản với Công ty Quốc Cường Gia Lai là "sàn căn hộ", đơn giá hoán đổi là 23 triệu đồng/m2.
Thêm một lần nữa về sự "kỳ lạ” trong phi vụ này, đó là chỉ còn 10% vốn, bất chấp quy định tại Luật Doanh nghiệp, mà chỉ còn có một mình ông Trần Công Thiện với chức vụ Tổng giám đốc, Hội đồng thành viên Công ty Tân Thuận (theo quy định tại Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2014 số lượng 1 người thành viên hội đồng là không đảm bảo theo quy định), thế nhưng ông Trần Công Thiện vẫn ký Tờ trình số 633 ngày 26-9-2017 về chấp thuận chủ trương hoán đổi 10% vốn góp và lập thủ tục chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Ngay sau đó một ngày, là ngày 27-9-2017, cũng ông Trần Công Thiện cũng "một mình một ngựa" ký Văn bản số 624 gửi Văn phòng Thành ủy TPHCM đề nghị chấp thuận hoán đổi 10% vốn còn lại và lập thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.
Đối với Dự án Khu dân cư Ven Sông (Q7), người trực tiếp "duyệt" để sang nhượng từ Công ty Tân Thuận (vốn Nhà nước) sang Công ty Quốc Cường Gia Lai, chính là bị can Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TPHCM, đã bị PC03 Công an TPHCM khởi tố bắt giam trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận và đã bị tuyên phạt 6 năm tù) cùng một số bị can khác. Sau khi nhận được các văn bản đề nghị từ Công ty Tân Thuận về việc chuyển nhượng vốn góp... Phạm Văn Thông đại diện là chủ sở hữu vốn Nhà nước, đã ký các văn bản để dẫn đến Công ty Tân Thuận tiến hành ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Quốc Cường Gia Lai. Như vậy, Thông đã cố ý không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của chủ sở hữu, đã trực tiếp dẫn đến việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp với giá thấp, không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, gây thất thoát vốn Nhà nước.
Cũng như Thông, Phan Thanh Tân (nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TPHCM) trong việc hoán đổi 10% vốn góp, đây là đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, bị can biết việc này nhưng không kiểm tra giám sát việc hoán đổi, dẫn đến giá trị hoán đổi không đảm bảo ngang giá thị trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Theo điều tra, tại thời điểm khởi tố vụ án, Dự án Khu 4, Khu dân cư Ven Sông đã được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích 11.967,4m2 cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, tính đến thời điểm khởi tố vụ án (tháng 12-2019) là gây thất thoát cho Nhà nước hơn 283,3 tỷ đồng (hiện chưa khắc phục được thiệt hại).
Xem thêm: lmth.368231_gnouhn-gnas-hnaht-ut-uad-cat-poh-ut-na-ud-neib-oh-iouc-iab/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc