Theo báo cáo mới được Tổ chức sáng kiến Trái phiếu khí hậu và Ngân hàng HSBC công bố, cùng với một số nước trong khu vực, thị trường vốn nợ bền vững của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua.
Tại Việt Nam, tổng giá trị phát hành ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt 3 năm liền.
Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm ngoái đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ 2 trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.
Cuối năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 với một số sửa đổi quan trọng; trong đó có bổ sung định nghĩa, yêu cầu chung đối với trái phiếu xanh và những ưu đãi được hưởng áp dụng với chủ thể phát hành. Việt Nam đang phát triển hệ thống phân loại được ban hành cùng với bộ luật, dự kiến được ban hành vào năm nay.
Bên cạnh đó, tại hội nghị COP26, Việt Nam công bố cam kết đạt mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050. Những điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn huy động vốn qua thị trường tài chính bền vững nhằm tăng tốc quá trình giảm phát thải carbon.
Theo HSBC, tất cả các loại hình tài chính bền vững đều hướng tới đích đến chung là giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt cân bằng phát thải carbon vào năm 2050, theo cam kết của Việt Nam tại COP26.
VTV.vn - Việc huy động được trái phiếu xanh sẽ giúp Việt Nam có nguồn vốn nâng cao khả năng thích ứng và thực hiện các mục tiêu cam kết về biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!