Ước mơ của cậu bé bất hạnh đầy tự ti ngày nào đã thành hiện thực - Ảnh: VĂN HƯỚNG
Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ đến được đích của ước mơ, chỉ cần không bỏ cuộc và tiếp tục cố gắng thì đích đến có thể sẽ ở ngay trước mắt mình.
NGÔ QUÝ HẢI
Đó là chuyện đời của Ngô Quý Hải (27 tuổi), từ một cậu bé luôn mặc cảm trở thành ông chủ tiệm bánh ngọt Sunhouse ở thị trấn Plei Kần (Ngọc Hồi, Kon Tum).
Tuổi thơ bất hạnh
Trong quán bánh ngọt rộng chừng 50m2 của mình, anh Ngô Quý Hải trầm giọng kể lại tai nạn hơn 26 năm trước. Chưa đầy một tuổi, anh được ba mẹ cho ngồi xe tập đi rồi té ngã, úp mặt vào nồi cháo đang sôi sục trên bếp. Anh được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) điều trị gần 2 năm. Sinh mạng được giành lại, nhưng khuôn mặt anh chằng chịt vết sẹo dính liền với phần ngực, cử động rất khó khăn. Nhiều người nói rằng anh như "không có khuôn mặt người".
Anh Ngô Quý Hưng (anh của Hải) kể thêm không như bao đứa trẻ khác, được đi học và đi chơi cùng bạn, Hải phải bỏ học khi vừa vào lớp 1 chỉ vì khuôn mặt dị dạng khiến bạn bè sợ hãi, xa lánh. "Nó nghỉ học, ở nhà suốt, không dám đi đâu chơi vì cứ ra ngoài thì bạn bè lại trêu là "ông kẹ". Nó cứ ngồi mãi trong phòng như tự kỷ.
Nhiều khi nó khóc nhưng hỏi thì không chịu tâm sự với ai hết, thương lắm mà không biết phải làm sao. May là lúc đó có cậu bạn Hoàng Xiên gần nhà, bị câm điếc bẩm sinh, hai đứa cùng chung cảnh ngộ nên chơi chung được với nhau" - anh Hưng bộc bạch.
Khi lên 10 tuổi, Hải và Xiên được bà con họ hàng của mình đưa về nhà chơi ở TP Kon Tum. Trong lúc đi chơi ngang qua một tiệm bánh ngọt, những chiếc bánh ngon và bắt mắt đã thu hút sự chú ý của hai đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này.
"Còn nhỏ mà, vừa ru rú trong nhà vừa thiếu thốn đủ thứ, thấy bánh ngọt thích lắm, nhưng biết là đắt tiền nên hai đứa chỉ đứng ngoài nhìn vào. Sau về nhà chúng để dành tiền khoảng hai tháng, đúng lúc sinh nhật của bạn mới rủ nhau về lại quán đó mua. Nhưng vừa đến quán, chú giữ xe thấy khuôn mặt của mình liền cản lại. Mình phải xin một hồi mới được vào chọn bánh thì tiếp tục bị nhân viên đuổi. Xiên bị câm điếc nên không nói được, cả hai ấm ức chỉ biết khóc trở về nhà. Nhận thức được sự kỳ thị, mình tuyệt vọng, nhưng sau lại ước mai này mở một tiệm bánh như vậy để phục vụ những người có hoàn cảnh như mình".
Ngô Quý Hải lúc vừa kết thúc quá trình phẫu thuật tại CHLB Đức - Ảnh: NVCC
14 lần phẫu thuật
Tưởng chừng khuôn mặt dị dạng sẽ theo Hải suốt cả cuộc đời thì năm 2016 anh được người quen gia đình giới thiệu gặp đoàn bác sĩ Hội từ thiện Interplast-Germany (CHLB Đức), đến Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân bị hở hàm ếch và dị tật mặt, để tìm cơ hội.
Hải cũng nằm trong số bệnh nhân được phẫu thuật. Tuy nhiên, anh là trường hợp đặc biệt nặng, Hội Interplast-Germany cam kết tài trợ miễn phí cả quá trình điều trị cho Hải trong vòng 6 tháng tại Bệnh viện DiaKonie Krankenhaus (Đức) với tổng chi phí 300.000 euro (khoảng 7,3 tỉ đồng).
Anh trai Hải xúc động kể: "Nghe tin em trai được đưa sang nước ngoài chữa trị miễn phí, gia đình vừa mừng mà vừa lo. Vì người nhà không được bảo lãnh đi cùng để chăm sóc, nhà lại quá khó khăn, đất đai đã bán hết để chữa trị cho Hải, nên cũng không thể tự lo chi phí đi cùng. Một mình nó nơi xa xôi, phải tự lo lắng cho bản thân. Nhưng may mắn khi Hải sang Đức được chị đồng hương giúp đỡ. Những ngày Hải hôn mê, có cô đó chăm sóc, chụp ảnh gửi về, chứ nó đâu gọi về được. Một thời gian sau nó tỉnh dậy mới gọi về, gia đình đỡ lo hơn".
Hải vẫn nhớ mãi hôm thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên tại Đức, ngoài trời tuyết trắng xóa, rét buốt -2oC, khiến anh càng thêm sợ. "Lần phẫu thuật đầu tiên, mình hôn mê 21 ngày, đến khi tỉnh dậy mơ màng không biết gì. Vài ngày sau tỉnh hẳn, thấy mặt đã băng bó kín mít, trừ mắt - mũi - miệng. Mình bắt đầu tưởng tượng khuôn mặt để thỏa nỗi khao khát được thay đổi diện mạo, không còn phải chịu sự kỳ thị nữa.
Rồi là chuỗi ngày nhớ nhà, nhớ ba mẹ, rồi lại hy vọng khuôn mặt mình được trở lại bình thường... Những lần phẫu thuật tiếp theo thì thời gian mê man ngắn hơn, mình tỉnh dậy đầu óc vẫn tỉnh táo nên còn nhớ bản thân đã trải 14 lần phẫu thuật. 6 tháng điều trị, tuy mặt vẫn còn chi chít sẹo nhưng không còn dính liền phần ngực. Mình cử động dễ dàng, đỡ dị dạng hơn" - anh Hải xúc động kể.
Cuối năm 2016, kết thúc quá trình chữa trị tại Đức, anh về lại quê nhà với sự tự tin hơn và bắt đầu thực hiện ước mơ của mình.
Một mình Hải làm tất cả công việc để tiết kiệm, vượt khó cho quán khi chưa đông khách - Ảnh: VĂN HƯỚNG
23 tuổi, vừa học chữ vừa học nghề
Do bỏ học từ rất sớm, Hải tìm trường học nghề nhưng không nơi nào nhận vì không đạt yêu cầu trình độ văn hóa. Nửa năm sau, anh tìm đến Trường KOTO (trung tâm dạy nghề nhân đạo) ở Hà Nội thì lại gặp khó khăn bởi không biết chữ, không theo kịp bạn bè. Anh phải tự học viết thêm khi về phòng, cứ liên tục học tới 2h-3h sáng. Thấy Hải vất vả vì không biết viết, nhiều bạn bè và thầy cô cũng tận tình giúp đỡ.
"Lúc đầu, Hải ít nói lắm, nhưng khi nói chuyện quen rồi mới thấy là người vui tính. Hải muốn nói chuyện với mọi người nhưng sợ bị xa lánh nên ban đầu không dám. Mất một thời gian khá lâu, bạn bè mới dần dần hòa đồng hơn, Hải hay nói và hành động hài hước, tạo tiếng cười cho mọi người nên không còn mặc cảm như ngày đầu nữa" - Nguyễn Thị Hương, bạn cùng học nghề với Hải, kể thêm giai đoạn đổi thay ban đầu của đời Hải.
Sau khi ra trường, cả Hải và Hương cùng vào TP.HCM làm chung. Thời gian đầu, họ xin làm ở một nhà hàng tại quận 7, sau Hải xin làm thêm ở một số nhà hàng chuyên món Âu... Ban đầu, Hải chưa quen guồng quay công việc, lại thêm dị biệt ngoại hình, nên anh dè dặt, làm chậm hơn mọi người, dần sau khoảng một tháng mới bắt kịp.
Sau hai năm làm việc nhà hàng ở TP.HCM, Hải dần cởi mở và tự tin hơn, không còn mặc cảm khi tiếp xúc với người khác. Nhưng môi trường đông đúc có vẻ không phù hợp với anh. "Mình thích sự yên bình ở quê hơn nên quyết định về Kon Tum vào tháng 4 năm 2021, vừa được gần gia đình vừa thực hiện ước mơ năm 10 tuổi khi còn là cậu bé ngẩn ngơ trước tiệm bánh", anh Hải trải lòng.
Về lại quê hương, Hải dùng số tiền dành dụm được, cùng sự giúp đỡ của gia đình, để mở một quán nhỏ bán bánh ngọt và các loại thức uống trên đường Hùng Vương cho riêng mình. Anh bán các loại bánh ngọt kết hợp với cà phê, trà sữa... để đa dạng thức ăn và đồ uống phục vụ khách.
Tuy nhiên, ước mơ của chàng thanh niên có hoàn cảnh khác người đã sớm gặp khó khăn. Sau 8 tháng hoạt động, khách đến quán ngày một ít dần do dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp. Để bớt chi phí, một mình anh làm tất cả mọi việc, tất bật từ sáng đến đêm muộn để cố gắng vượt khó...
"Mình muốn truyền thông điệp qua chuyện đời mình để giúp các bạn cố gắng vươn lên. Đây là chuyện thật của mình, hy vọng nó sẽ giúp người không may mắn nhìn nhận cuộc sống này theo một cách lạc quan và yêu thương cuộc sống này hơn" - Hải chia sẻ tâm nguyện.
Nguyện giúp lại người
Trải lòng chuyện đời, chuyện nghề, Hải tâm sự mong muốn tiếp tục học cách làm thêm các món bánh, pha chế thức uống để thu hút khách hàng. Khi quán ổn định và có điều kiện hơn sẽ đi giúp lại những mảnh đời bất hạnh khác. Hiện anh cùng nhóm bạn đã thành lập nhóm thiện nguyện mang tên Sunhouse với gần 10 thành viên. Đối tượng hướng đến là các trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
TTO - Một cậu bé người Anh sinh ra chỉ với 2% não bộ đã sống sót kỳ diệu và trở nên khỏe mạnh khi bộ não phát triển kích thước lớn hơn.
Xem thêm: mth.85831259012602202-tam-nouhk-oc-gnohk-eb-uac-auc-uam-pehp/nv.ertiout