Vết đen Mặt trời tăng gấp đôi kích thước trong 24 giờ và hướng về Trái đất - Nguồn NEWSWEEK
Vết đen là những vùng tối trên bề mặt Mặt trời, có liên quan đến những đợt bức xạ dữ dội. Chúng nhìn tối hơn các phần khác trên bề mặt Mặt trời.
Các vết đen hình thành trên các khu vực mà từ trường của Mặt trời đặc biệt mạnh, đến mức chúng có thể ngăn cản một lượng nhiệt bên trong Mặt trời chiếu tới bề mặt của nó.
Theo báo Newsweek, những từ trường rối ren này đôi khi có thể đột ngột tự tổ chức lại. Khi điều đó xảy ra, một vụ nổ bùng pháo sáng bị đẩy ra khỏi Mặt trời dưới dạng những xung lửa.
Vết đen mặt trời đang phát triển kích thước gần đây được đặt ký hiệu là AR3038. Đoạn phim từ Đài quan sát động lực học Mặt trời của NASA vào ngày 19-6 cho thấy vết đen Mặt trời đã phát triển như thế nào. Đó là những vết đen bị xoắn và biến dạng.
Trang web Space Weather cho biết vết đen Mặt trời phát triển rất nhanh, đã tăng gấp đôi kích thước chỉ trong 24 giờ.
Những tia xung lửa phát ra từ Mặt trời - Ảnh: ISTOCK
Từ trường liên kết với vết đen Mặt trời khiến nó có khả năng "bắn" ra những tia xung lửa Mặt trời cấp M tới Trái đất (xung lửa Mặt trời gồm có 5 cấp độ: A, B, C, M và X, cấp độ A yếu nhất và cấp độ X mạnh nhất). Tuy nhiên, người ta không biết liệu điều này có xảy ra hay không.
Tính đến sáng 20-6, Trung tâm dự báo thời tiết không gian của Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (SWPC), Mỹ, chưa đưa ra bất kỳ cảnh báo nào về xung lửa Mặt trời.
Nếu đủ mạnh, xung lửa Mặt trời có thể gây nhiễu mạng liên lạc vô tuyến và hệ thống định vị trên Trái đất.
Mặc dù xung lửa lớp M là loại mạnh thứ hai, chúng có xu hướng chỉ gây ra các sự kiện mất sóng vô tuyến vừa phải. Xung lửa M9, loại mạnh nhất trong lớp M, có thể gây mất liên lạc vô tuyến trong hàng chục phút ở các khu vực bị ảnh hưởng của Trái đất và làm suy giảm tín hiệu điều hướng tần số thấp.
TTO - Các nhà thiên văn học đã chụp được khoảnh khắc một hố đen siêu nặng 'xé vụn' và nuốt chửng ngôi sao có trọng lượng tương đương Mặt Trời.