"Lạm phát sẽ là vấn đề số 1 trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, diễn ra vào tháng 11 tới", Cựu Đại sứ Mỹ tại Singapore David Adelman chia sẻ với CNBC. "Mặc dù Tổng thống có những hạn chế trong việc kiểm soát lạm phát nhưng có một công cụ rất quan trọng trong ‘hộp đồ’ của ông ấy. Đó là giảm bớt áp lực lên nền kinh tế Mỹ và người tiêu dùng Mỹ thông qua việc loại bỏ thuế rất cao được áp lên 370 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc".
Ông Adelman cũng nói rằng gỡ bỏ thuế quan với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc có thể giúp giảm 1% lạm phát ở Mỹ và trả lại niềm tin cho nền kinh tế.
"Nhiều nhà kinh tế nói rằng chỉ số CPI hoàn toàn có thể giảm 1% sau khi Mỹ dỡ bỏ thuế. Điều này rất có ý nghĩa với người tiêu dùng Mỹ (chỉ số giá tiêu dùng là một thước đó chính của lạm phát). Lạm phát sẽ là vấn đề số 1 trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 này", ông Adelman nhận định.
Mức thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, ông Adelman cho rằng hiệu quả kinh tế mà các biện pháp này đạt được là không đáng kể.
"Các biện pháp này không những không tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc mà còn tác động ngược lại tới nền kinh tế Mỹ. Nó giống như một chiếc boomerang với nền kinh tế lớn nhất thế giới", Adelman nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Mỹ đang xem xét các mức thuế mà chính quyền người tiền nhiệm áp đặt với hàng hóa Trung Quốc. Ngày càng nhiều nhà kinh tế kêu gọi chính quyền ông Biden cắt giảm thuế quan khi lo lắng lạm phát và suy thoái gia tăng.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers cũng chia sẻ quan điểm của cựu Đại sứ Adelman khi cho rằng loại bỏ thuế quan sẽ giúp ích cho nền kinh tế. "Nó sẽ giúp giảm giá hàng hóa và cho phép chúng ta thực hiện một cách tiếp cận chiến lược hơn khi giao dịch với Trung Quốc. Cắt giảm thuế quan là điều nên làm. Tôi hy vọng chính quyền sẽ thực hiện được điều đó", ông Summers nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng một số mức thuế đối với Trung Quốc không có mục đích chiến lược và Tổng thống Biden đang xem xét loại bỏ chúng như một biện pháp giúp hạ nhiệt lạm phát.
Theo số liệu mới được công bố, lạm phát Mỹ trong tháng 5 đã tăng lên 8,6% so với một năm trước đó. Đây là con số lạm phát tồi tệ chưa từng có trong suốt 40 năm qua. Chính vì vậy, FED đang thực hiện điều chỉnh lãi suất mạnh nhằm giảm thiểu lạm phát. Hôm 15/6, ngân hàng trung ương Mỹ thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994, đưa lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên khoảng 1,5-1,75%.
Các quan chức của FED cũng đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ để nói về cách tiếp cận lạm phát của họ, cam kết dồn toàn lực nhằm khôi phục ổn định giá cả mọi thứ.
Tham khảo: CNBC
http://tintuc.vdong.vn/06/1395848.htm