Nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 5, thị trường ghi nhận 5.653.695 tài khoản giao dịch trong nước. Chỉ sau một tháng, số lượng tài khoản giao dịch mở mới đã lập kỷ lục 476.455 đơn vị, gấp đôi so với tháng 4/2022.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 476.322 tài khoản, nâng số lượng tài khoản giao dịch của nhóm này lên 5.163.570 đơn vị. Nhà đầu tư tổ chức mở mới 123 tài khoản, nâng tổng số 13.793 đơn vị.
Trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới gần 1,38 triệu tài khoản, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Con số này gần bằng lượng mở mới cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
Tính trên tổng số gần 100 triệu dân Việt Nam thì tổng số lượng tài khoản hiện nay chiếm khoảng 5,7% dân số.
Nhìn vào khối lượng tài khoản được mở mới trong thời gian vừa qua, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh nhận xét những con số trên cho thấy thị trường chứng khoán vẫn đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư đồng thời cho thấy thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.
Đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây, việc hàng loạt tài khoản được mở mới còn thể hiện được tâm lý muốn bước chân vào thị trường để “bắt đáy” của nhiều nhà đầu tư.
“Có nhiều chuyên gia còn nhận định đây có thể coi là thời điểm vàng để tham gia vào thị trường chứng khoán và thị trường này có khả năng sẽ bật tăng trở lại trong 1-2 tháng sắp tới. Vậy nên dự báo số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường này sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới”, Tiến sĩ chia sẻ.
Lý giải cho điều này, Tiến sĩ nhận định vì chính nhà đầu tư nhận thấy thu nhập của họ tính theo mức tăng bình quân của GDP là rất thấp, trong khi đó việc đầu tư bất động sản có tỉ suất lợi nhuận cao nhưng lại đi đôi với yêu cầu nguồn vốn lớn. Do đó, đa phần nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn đầu tư vào thị trường chứng khoán trong đó có cổ phiếu và trái phiếu vì “phù hợp với túi tiền”.
Bên cạnh đó, tình hình lạm phát leo thang khiến lợi nhuận thực mà nhà đầu tư có thể nhận được nếu đem tiền đi gửi tiết kiệm ngày càng bị thu hẹp.
“Nhà đầu tư chịu sức ép rất lớn từ các chi phí dịch vụ khác như: xăng dầu, điện nước, tiền học phí cho con cái, y tế,… thường tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của họ. Nên cuối cùng họ lựa chọn chơi chứng khoán”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, con số 5,7% dân số tham gia vào thị trường chứng khoán vẫn là tương đối thấp so với mặt bằng chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn vào thực tế, thị trường chứng khoán của các quốc gia trên thế giới diễn ra vô cùng sôi động với sự tham gia của 40% đến 50% dân số trong cả nước và ở Đài Loan (Trung Quốc) thậm chí tỉ lệ này còn lên tới 80%.
“Lấy được 500 tỷ mà bị phạt mất hơn 1.000 tỷ thì ai dám làm”
Trước thực trạng thị trường tài chính, chứng khoán thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong cả nước khiến áp lực đè nặng lên vai Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Việc lành mạnh hoá thị trường, giảm thiểu rủi ro để tạo ra một “sân chơi” lành mạnh cho nhà đầu tư là vô cùng cần thiết.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng để có thể sớm phát hiện được những hành vi lũng loạn thị trường của các nhà đầu tư, đầu cơ thì các cơ quan quản lý nên sớm có biện pháp ngăn chặn ngay tại giai đoạn đầuvà phải ngay lập tức xây dựng hệ thống hành lang pháp lý chặt chẽ, hoàn thiện.
Theo ông Nghĩa, hiện nay xuất hiện tình trạng dù cơ quan quản lý đã phát hiện ra sai phạm của nhà đầu tư, đầu cơ nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hoặc những biện pháp đó vẫn chưa đủ mạnh để có thể chấm dứt tình trạng ấy.
Chỉ đến khi mọi việc thành “sự đã rồi” thì những tác động tiêu cực đổ lên thị trường tài chính, chứng khoán trở nên vô cùng to lớn. Nhìn thẳng vào thực tiễn, những sự vụ như Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh và mới nhất là vụ việc thao túng thị trường chứng khoán tại "nhóm Louis" Đỗ Thành Nhân khiến nhà đầu tư bị rơi vào hoảng loạn.
Theo đó, việc chuyển các vụ án có hành vi thâu tóm, nhũng loạn thị trường tài chính, chứng khoán từ dân sự sang hình sự được ông Lê Xuân Nghĩa đánh giá là sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến toàn thị trường.
“Trong một thị trường tồn tại nhờ lòng tin thì hình sự là một điều tối kỵ. Ví dụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán mà gây thiệt hại cho nhà đầu tư 500 tỷ đồng, vậy thì phạt 1.000 tỷ đồng thậm chí là 1.500 tỷ đồng. Dùng tiền phạt rồi sung vào công quỹ, từ số tiền phạt đó có thể dùng được vào rất nhiều việc cho quốc gia, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người.
Đặc biệt là khi bị phạt gấp 2 đến 3 lần số tiền có thể thao túng được thì người ta sẽ không dám có hành vi xấu ngay từ ban đầu nữa. Lấy được 500 tỷ mà bị phạt mất hơn 1.000 tỷ thì ai dám làm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài việc ảnh hưởng đến tâm lý cũng như lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường thì ông Nghĩa cũng nhận định ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường cũng là khó có thể đong đếm được. Thực tế cho thấy, ngay khi xảy ra hàng loạt sự việc tiêu cực trên thì thị trường chứng khoán thực sự lao đao khi hàng loạt mã chứng khoán bị “vạ lây” mà lao dốc không phanh, toàn thị trường sụt giảm điểm...
Theo đó, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng đây là điều hoàn toàn không đáng có. Việc một vài cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp có hành vi sai trái lại gây ảnh hưởng đến cả một thị trường là điều không nên.
Vì vậy, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đề xuất nên để Ủy ban Chứng khoán là một cơ quan độc lập với chức năng giám sát và xử lý vi phạm sẽ hiệu quả hơn.
Lý giải cho đề xuất này, ông Nghĩa nêu rõ, hiện nay, nếu phát hiện các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm, cơ quan này sẽ chuyển vụ án sang Bộ Công an để điều tra, xử lý.
Tuy nhiên, nhiều đặc thù của ngành chứng khoán mà cần những người trong ngành mới có thể xử lý chính xác, phải là những người có chuyên môn, nghiệp vụ kinh tế mới có thể xử lý đúng người, đúng tội. Không mở rộng nhưng cũng không giảm nhẹ, tránh gây mất ổn định trên thị trường.
"Nên để Uỷ ban Chứng khoán được làm việc của họ", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng kiến nghị một cơ chế bình ổn thị trường như nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn vào thị trường Mỹ, Nhật, đều có các công ty xây dựng thị trường chứng khoán được nhà nước dẫn dắt với nguyên tắc mua vào để "đỡ" thị trường khi giảm điểm mạnh và bán ra khi thị trường tăng quá nóng.
Còn ở Việt Nam, hiện thị trường rơi vào tình trạng khi chứng khoán giảm không có ai mua, khi tăng không ai bán, thị trường rơi vào tình trạng “tự sinh tự diệt” nên mới luôn ở thế bấp bênh, thiếu tính ổn định và cân bằng.
Báo chí đang làm rất tốt vai trò truyền tải thông tin
Những sự bất an của nhà đầu tư xuất hiện trên thị trường tài chính, chứng khoán vừa qua không thể đổ lỗi hoàn toàn do những vụ việc xử lý với một số doanh nghiệp, mà do cách nhà đầu tư nhìn nhận và phản ứng lại với các luồng thông tin về nó.
Bởi không phải tất cả nhà đầu tư đều có chuyên môn rõ ràng, có khả năng nhìn thấu thị trường và đánh giá một cách khách quan các sự việc xảy ra trên thị trường đó. Vấn đề này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời của báo chí.
Hiện nay, thông tin truyền thông bao phủ lên toàn bộ mọi mặt của đời sống xã hội. Để xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán, minh bạch thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo cho thị trường hoạt động hiệu quả, đảm bảo tính công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư, tạo dựng niềm tin trên thị trường.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, những đóng góp của các cơ quan báo chí đến việc lành mạnh hoá thị trường tài chính, chứng khoán trong thời gian qua là vô cùng to lớn.
Nguyên tắc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là phải đầy đủ, chính xác, kịp thời. Để thực hiện được điều này thì không chỉ có trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc quản lý giám sát việc thực hiện công bố thông tin; mà cần sự hợp sức của các doanh nghiệp, thành viên thị trường và vai trò của các đơn vị báo chí, truyền thông.
“Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ, đóng góp có hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí và sự tận tâm, đồng hành của các nhà báo, phóng viên kinh tế đối với sự phát triển của thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung”, ông Nghĩa khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Nghĩa nhận xét các cơ quan báo chí đã góp phần hỗ trợ cùng tạo dựng, bồi đắp niềm tin của nhà đầu từ vào thị trường, đóng vai trò quan trọng trong việc chung tay với cơ quan quản lý, các thành viên thị trường cùng xây dựng thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, hiệu quả.
Từ đó, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò làm cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó giúp cung cấp những tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp để các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt tình hình, ra tay xử lý những trường hợp vi phạm cũng như giúp đỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, báo chí cũng đã góp sức trong việc truyền tải, phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật từ cơ quan quản lý đến toàn thể nhân dân, đưa thông tin từ doanh nghiệp đến với nhà đầu tư đảm bảo minh bạch, nhanh chóng và chính xác.
Trong bối cảnh thị trường tài chính, chứng khoán đang bước sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa chia sẻ báo chí với vai trò truyền tải thông tin nên tiếp tục phát huy những điểm mạnh sẵn có của mình, giúp tạo ra cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả, gắn kết hơn nữa với cơ quan quản lý, thành viên thị trường, góp phần nâng cao tính công khai minh bạch trong hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán.
Ngoài ra, Tiến sĩ cũng đưa ra ý kiến các thế hệ phóng viên, nhà báo trẻ nên tích cực trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, tăng sự hiểu biết để có những bài viết chuyên sâu, tăng cường thêm nữa những bài viết về kinh tế mang tính phóng sự, điều tra chuyên nghiệp, đầu tư bài bản.
“Những cuốn sách viết về kinh tế hay nhất là của nhà báo. Vì nhà báo có điều tra hệ thống, tính thực tế cao và ngôn ngữ, cách viết của nhà báo mới thu hút được người đọc. Có bằng chứng, ngôn ngữ hay, lôi cuốn.
Chính vì thế tôi nghĩ cần xây dựng một đội ngũ nhà báo có khả năng điều tra, từ đó tạo ra những phóng sự đắt giá không chỉ riêng cho tờ báo mà còn cho toàn nền kinh tế”, ông Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.