Các đại biểu và nhà đầu tư tham dự hội thảo bên lề lễ vinh danh thành phố thông minh tiêu biểu do Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới tổ chức tại Bình Dương ngày 21-6 - Ảnh: H.L.
Tối 21-6, tại Bình Dương, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) phối hợp cùng UBND tỉnh đăng cai tổ chức lễ công bố danh sách "Top 7 cộng đồng thông minh thế giới".
Bình Dương tiếp tục được vinh danh lần thứ tư liên tiếp (lần đầu tiên vào năm 2019) là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu nhất thế giới (Smart 21) và là lần thứ hai được vinh danh trong danh sách "Top 7".
Bên lề lễ vinh danh, trong ngày 21-6, hàng trăm đại biểu quốc tế và nhiều khách mời tham dự hội nghị "Phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo" diễn ra tại Trung tâm hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương. Ông Trần Tuấn Anh - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị.
Ông Louis Zacharilla - đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới - cho biết để được công nhận là thành phố có chiến lược thông minh tiêu biểu, Bình Dương và các đô thị của thế giới phải đạt các tiêu chí khắt khe như: về độ phủ của kết nối băng thông rộng, bình đẳng trong tiếp cận kỹ thuật số, lực lượng lao động đổi mới sáng tạo, ủng hộ và khích lệ phát triển bền vững…
Cộng đồng thông minh thế giới có tới gần 200 thành viên là các thành phố, đô thị tiêu biểu của thế giới nên Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ có cơ hội rất tốt để quảng bá, kết nối với cộng đồng quốc tế.
Ông Trần Tuấn Anh - trưởng Ban Kinh tế Trung ương (thứ hai từ phải sang) - tặng hoa chúc mừng lãnh đạo tỉnh Bình Dương và lãnh đạo Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới - Ảnh: H.L.
Ông Mai Hùng Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương - cho biết hiện nay nhiều tỉnh, thành phố của cả nước đang xây dựng thành phố thông minh, nhưng Bình Dương có những cách tiếp cận riêng.
Đề án "Thành phố thông minh Bình Dương" được triển khai từ năm 2016 dựa trên mô hình tương tác giữa "ba nhà" là nhà nước, nhà trường (các viện nghiên cứu, trường đại học) và nhà doanh nghiệp để tạo ra môi trường đổi mới sáng tạo và tìm các giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, mang thêm tiện ích và cải thiện thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.
Đề án "Thành phố thông minh" của Bình Dương gắn rất mạnh mẽ với việc hợp tác với các thành phố và các tập đoàn lớn của quốc tế nên đã tạo ra một "kênh" thu hút đầu tư hiệu quả.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2022, Bình Dương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 2,5 tỉ USD (đứng thứ hai, thứ ba lần lượt là Bắc Ninh với 1,65 tỉ USD và TP.HCM với trên 1,3 tỉ USD)…
Vừa qua Bình Dương đã khởi công nhiều khu công nghiệp mới như Việt Nam - Singapore (VSIP) III và đã thu hút được những dự án lớn như nhà máy 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego (sản xuất đồ chơi, từ Đan Mạch)…
TTO - “Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp” được coi là mô hình “kiềng ba chân” để Bình Dương huy động nguồn lực xã hội cùng phát triển thành phố thông minh.