Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tại cuộc họp báo ngày 21-6 - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC
Theo Hãng tin Reuters, ngày 21-6, Cục Hải quan và biên phòng Mỹ bắt đầu thực thi "Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ" mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật vào tháng 12 năm ngoái.
Theo đó, luật này giả định tất cả hàng hóa từ Tân Cương đều được sản xuất bằng lực lượng lao động cưỡng bức và do đó bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Các hàng hóa này chỉ có thể nhập vào Mỹ nếu các công ty chứng minh được không có "lao động cưỡng bức".
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 21-6, khi phóng viên Hãng tin Bloomberg hỏi về việc luật trên bắt đầu có hiệu lực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đáp:
"'Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ' của Mỹ được xây dựng dựa trên sự dối trá và được thiết kế để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những thực thể và cá nhân có liên quan ở Tân Cương. Động thái này là sự tiếp nối của sự dối trá đó và sự leo thang đàn áp của Mỹ đối với Trung Quốc với cái cớ nhân quyền".
Ông Uông nói rằng luật trên của Mỹ là bằng chứng cho thấy "sự tùy tiện của Mỹ trong việc phá hoại các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế, cũng như các chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng cáo buộc "lao động cưỡng bức" ở Tân Cương là lời nói dối của các lực lượng chống Trung Quốc nhằm bôi nhọ Bắc Kinh.
"Nó hoàn toàn trái ngược với thực tế ở Tân Cương, nơi bông và các ngành công nghiệp khác dựa vào sản xuất cơ giới hóa quy mô lớn và quyền của người lao động thuộc mọi sắc tộc ở Tân Cương được bảo vệ một cách hợp lý" - ông Uông nói.
Trong tuyên bố ngày 21-6 liên quan vấn đề Tân Cương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang vận động các đồng minh và đối tác để "làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu không có lao động cưỡng bức".
Về việc thực thi luật nói trên, hải quan Mỹ nói rằng để có thể được miễn trừ, các nhà nhập khẩu cần cung cấp "mức độ bằng chứng rất cao".
Tuần trước, hải quan Mỹ đã công bố danh sách các thực thể Tân Cương được cho là sử dụng lao động cưỡng bức, bao gồm các công ty dệt may, polysilicon và các công ty điện tử.
Hải quan Mỹ cũng cho biết hàng nhập khẩu từ các nước khác sẽ bị cấm nếu chuỗi cung ứng liên quan sử dụng các thành phần đầu vào bị cấm từ Tân Cương.
TTO - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói vụ rò rỉ hồ sơ Tân Cương là ví dụ mới nhất về việc "các lực lượng chống Trung Quốc bôi xấu Tân Cương", và đây "chỉ là trò tương tự những gì họ từng làm trước đây".