Các gốc cao su tại đồn điền Suzannah trồng từ năm 1906 đến nay vẫn tươi tốt, hai người ôm không xuể - Ảnh: THÁI LỘC
Sau 10 năm đầu mò mẫm và thuần phục được loài cây cho ra "vàng trắng" đang sốt toàn cầu, năm 1907 đánh dấu bước nở rộ cao su vườn một cách thần tốc tại Việt Nam, gắn liền với sự ra đời một đồn điền mà tất cả tư liệu của người Pháp về cây cao su đều ghi chép khá tỉ mỉ: đồn điền Suzannah. Và hơn 11 thập niên qua, lô cao su được trồng đầu tiên của đồn điền này vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.
Nơi nghỉ ngơi cuối tuần của người Pháp
Theo quốc lộ 1 từ Đồng Nai về TP.HCM, đến ngã tư Dầu Giây rẽ trái vào quốc lộ 20 một đoạn rồi rẽ trái đi tiếp sẽ đến Nông trường cao su Dầu Giây, nơi có vườn cây cổ thụ được bao bọc bởi hàng rào sắt xây kiên cố ở ấp Phan Bội Châu, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai chỉ cách trụ sở nông trường 500m.
Tấm bảng cổng vào vườn ghi rõ: "Vườn cây cao su bảo tồn của ngành cao su Việt Nam, lô 9, Nông trường Dầu Giây, Tổng công ty Cao su Đồng Nai (đồn điền Suzannah cũ). Diện tích: 8,02ha. Giống cây: Seedling. Năm trồng: 1906".
Những ngày đi tìm cao su cổ thụ ở Sài Gòn, Suối Dầu... chúng tôi đã quá quen mắt với những cây cao su được trồng từ những hạt giống buổi đầu vào Việt Nam. Nhưng một vườn cao su cổ thụ trồng giãn cách đều đặn 5x5 mét, nhiều cây có gốc đến 3 vòng ôm, nhiều gốc cây to lớn già cỗi đã gãy ngang nhưng vẫn mang trên mình những nhành xanh mới... đã mang lại một cảm xúc đặc biệt khác.
Những vết sẹo từ việc khai thác cũ uốn vòng theo các lớp vỏ cây sần sùi dày cui đưa những tư liệu về việc phát triển cao su hơn một thế kỷ trước trở nên gần gũi hơn như chuyện vừa hôm qua.
Trước đó, từ năm 1901, công trình đường sắt Sài Gòn bắt đầu được khởi công chạy ra miền Trung, đến năm 1904 đã tới Xuân Lộc, Đồng Nai. Theo tư liệu mà các thành viên Hiệp hội cựu đồn điền cao su mô tả lại, trong hành trình của tiếng còi xe lửa hơi nước xập xình đi 67km từ Sài Gòn, việc "băng qua quãng đường rừng nhiệt đới đơn điệu, phía bên kia đường sắt, một khe núi nhỏ đã mở rộng, tạo một nguồn nước trong tinh khiết và dồi dào" đã thu hút nhiều người dừng chân ghé lại.
Bài viết trên tạp chí Nông Nghiệp Nhiệt Đới vào tháng 11-1910 của ông Morange, giám đốc nông nghiệp Nam Kỳ, ghi rõ vào năm 1904, ông Louis Cazeau là người đã lập trang trại tại đây.
Louis Cazeau là một chức sắc tại Sài Gòn, cũng là giám đốc Công ty SGTVC nổi tiếng từng khai thác tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Ông có một người con gái tên là Suzanne Cazeau. Do đó, từ khi trang trại này thành lập, người ta gọi là trang trại Suzannah.
Nền đất đỏ bazan màu mỡ ở vùng cao 175m so với mực nước biển bên ngôi làng nhỏ Dầu Giây đã nhanh chóng được chủ trang trại thả gia súc chăn nuôi, gieo trồng đủ các loại cây có giá trị kinh tế thời bấy giờ như cà phê, cacao, hồ tiêu, sả, dâu, sắn, thầu dầu, thuốc lá, lạc... và cả các cây ăn quả như cam, bưởi, đu đủ.
Và thành công của đồn điền Belland tại Sài Gòn cũng như những đúc kết kỹ thuật khai thác mủ khá toàn diện của bác sĩ Yersin đã thúc đẩy trang trại Suzannah chuyển hướng sang loại cây đầy triển vọng kinh tế đang gây sốt trên toàn thế giới.
Năm 1906, 700 cây cao su bắt đầu được trồng thử nghiệm. Sau một năm, thấy các cây cao su bám nhanh trên vùng đất đỏ, một hiệp hội do chính ông Cazeau làm chủ tịch đã ra đời để đảm bảo tính pháp lý nhằm mở rộng hơn nữa diện tích trồng cao su. Hiệp hội lấy tên chính thức là Công ty nông nghiệp Suzannah, ra đời vào ngày 27-7-1907 với số vốn là 1 triệu francs.
Không chỉ là đồn điền trồng cao su quy mô, lớn vốn nhất vào thời điểm đó, cái tên Suzannah cũng lan rộng nhanh không kém khi ngày càng nhiều hơn những người thượng lưu chọn nơi đây làm ngày nghỉ cuối tuần.
Một thành viên Hiệp hội cựu đồn điền cao su đã viết lại rằng vào những giờ cuối cùng của đêm, tại ga Sài Gòn, luôn có một đoàn tàu sẵn sàng các thực phẩm, đồ uống và cả nhân viên do chính khách sạn Continental cung cấp. Rạng sáng đến ga Dầu Giây, đoàn người "nghỉ dưỡng cuối tuần" này sẽ được trung chuyển đến đồn điền bằng những chiếc xe bò đã cải tiến để giảm xốc.
Sau những vòng dạo bộ dưới các tán cao su mát rượi, họ sẽ tụ tập với nhau về ngôi nhà trung tâm của vườn để vui chơi cho đến tối mới quay trở lại ga Dầu Giây, về lại Sài Gòn. Để tăng thêm tính giải trí và lấp đầy tất cả thời gian của ngày nghỉ quý báu, có người còn đem cả một cây đàn piano ra lắp tại ngôi nhà trung tâm và để lại luôn ở đó.
Buổi họp chợ của người lao động tại đồn điền Suzannah vào tháng 10-1926 - Ảnh: Entreprises-coloniales.fr
Di tích mở đầu vùng cao su đất đỏ
Gốc cao su trồng từ năm 1906 tại đồn điền Suzannah được trưng bày ở nhà truyền thống Công ty Cao su Đồng Nai - Ảnh: SƠN LÂM
Tiến sĩ Nguyễn Anh Nghĩa - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam - cho biết chữ Seedling ghi trên bảng hiệu của đồn điền Suzannah nghĩa là kiểu trồng thực sinh, cây được ươm lên từ hạt, khác với việc trồng từ cây ghép như các vườn cao su hiện nay.
Theo hồ sơ, những cây giống của đồn điền Suzannah được lấy một phần từ các hạt cao su của đồn điền Belland tại Sài Gòn và một phần do một kỹ sư nông nghiệp Pháp tên là Seeligmann cung cấp.
Đến năm 1910, Suzannah trở thành đồn điền cao su hoàn mỹ, cơ khí hóa hiện đại nhất thời bấy giờ. Lao động chủ yếu là người Việt, và một số là người Hoa. Nhưng họ đã được trang bị cả máy công nông chạy bằng đầu máy hơi nước, có thể cày sâu đến 32cm, cắt cỏ, xới đất, nhổ cỏ và việc trợ lực nhổ các gốc cây to để tạo mặt bằng gieo cây cao su non.
Đồn điền Suzannah được cơ giới hoá từ rất sớm - Ảnh bưu thiếp được rao bán trên trang web Delcampe.net
Nhà máy chế biến mủ cũng được xây dựng bên cạnh các tòa nhà rộng lớn đầy đủ tiện nghi, cùng nhiều chỗ ở cho công nhân. Kèm theo đó là cửa hàng, bệnh xá, chuồng ngựa...
Mô hình đồn điền Suzannah đã đánh bước tiên phong cho nhiều đồn điền cao su diện tích "ngàn ha" sau đó. Theo báo cáo của Phòng nông nghiệp Nam Kỳ vào năm 1910, tại vùng đất đỏ miền Đông cuối năm 1909 ngoài đồn điền Suzannah với diện tích 3.314ha đã có thêm đồn điền Xa Trạch rộng 1.200ha ở làng Xa Trạch, tổng Hớn Quản, tỉnh Thủ Dầu Một và đồn điền An Lộc ở Biên Hòa rộng 1.000ha.
Đồn điền Xa Trạch năm xưa nay thuộc Nông trường Xa Trạch của Công ty cao su Bình Long, tỉnh Bình Phước. Còn đồn điền An Lộc đến năm 1935 đã sát nhập với đồn điền Suzannah và một số đồn điền nhỏ lân cận trở thành Công ty đồn điền cao su Đông Dương cho đến sau năm 1975 được Tổng công ty Cao su Đồng Nai tiếp quản.
Đến năm 1980, lãnh đạo công ty đã có lệnh ngưng khai thác mủ để chăm sóc bảo quản hiện trạng lô 9 của đồn điền Suzannah. Khi tỉnh Đồng Nai lập lô 9 cao su này thành di tích cấp tỉnh vào năm 2009, còn đến 317 cây được trồng từ năm 1906.
Các cây mới cũng được trồng giặm vào để thay vào vị trí các cây đã gãy đổ, bị chết trước đó. Những cây trồng giặm từ hơn 40 năm trước, nhiều cây nay đã có đường kính to hơn một vòng ôm người lớn. Điểm khác biệt của các cây trồng giặm là chúng không hề bị "chảy máu", không mang những vết sẹo như các cây đã được trồng từ thuở ban đầu cây cao su hiện diện nơi vùng đất đỏ.
Một gốc cây từ vườn Suzannah khi cây bị chết đã được đào lên, xử lý chống mối mọt, trưng bày ở nhiều nhà truyền thống thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Từ năm 1910 đến 1917, bên cạnh nhiều đồn điền của người Pháp, riêng người Việt cũng mở thêm được 53 đồn điền cao su. Diện tích cây "vàng trắng" tiếp tục được mở rộng ồ ạt và chỉ hơi chững lại khi xảy ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ I. Đến cuối năm 1917, tổng diện tích đồn điền cao su ở Việt Nam lên tới hơn 72.000ha, trong đó có gần 21.000ha được trồng với 6,3 triệu cây.
Kỳ tới: Bất ngờ cao su cổ thụ ở Phú Quốc
"Phú Quốc đang còn một vườn cao su cây to lớn lắm. Được dẫn đến xem, lúc đó tôi hết sức bất ngờ, không tin ở mắt mình, thiệt là độc đáo".
TTO - Tất cả tư liệu về buổi đầu 'mò mẫm' thực nghiệm trồng cây và khai thác mủ cao su tại Việt Nam đều nhắc tới công lao vị bác sĩ khả kính Yersin tại đồn điền Suối Dầu (phía tây dãy núi Hòn Bà, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).