Ngày 21/6, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lần thứ bảy liên tiếp - Ảnh: Minh An |
Trong kỳ điều hành giá ngày 21/6, giá xăng E5 RON 92 tiếp tục tăng thêm 185 đồng/lít, nâng giá bán lẻ lên 31.302 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng thêm 500 đồng/lít, giá bán lẻ lên 32.873 đồng/lít. Đây là đợt tăng giá lần thứ bảy liên tiếp và là đợt tăng giá thứ 13 của mặt hàng này trong năm 2022. Sau mỗi lần điều chỉnh tăng, giá xăng, dầu lại lập đỉnh mới.
Hiện mỗi lít xăng, dầu được bán ra phải chịu bốn loại thuế: thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10% và thuế bảo vệ môi trường (BVMT) (xăng E5 RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng). Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho biết, ngay từ đầu tháng 4/2022, cơ quan điều hành đã giảm thuế BVMT từ 1.000 - 2.000 đồng/lít xăng dầu và dùng quỹ bình ổn giá để kìm hãm giá xăng. Tuy nhiên, các công cụ này vẫn chưa đủ sức để kiềm chế sự tăng giá xăng, dầu.
Ngày 19/6, Bộ Tài chính một lần nữa đề xuất điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022. Nếu đề xuất này được thông qua thì giá xăng dầu cũng chỉ giảm thêm từ 300 đồng đến 1.000 đồng/lít.
Theo ông Ngô Trí Long, cơ quan điều hành chỉ còn hai công cụ để kìm hãm đà tăng giá xăng dầu là giảm thuế VAT và thuế TTĐB. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, không nên đánh thuế TTĐB. Riêng thuế VAT thì nên giảm khoảng một nửa vì một số nước khác đã bắt đầu giảm thuế này. Chẳng hạn như Bỉ giảm thuế đối với khí đốt xuống còn 6%, Croatia giảm thuế đối với khí đốt từ 25% xuống còn 13%, Ba Lan giảm thuế đối với xăng dầu từ 23% xuống còn 8%…
Ông Ngô Trí Long phân tích: “Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, chiếm 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi cho tiêu dùng của hộ gia đình nên biến động giá xăng sẽ tác động mạnh đến người dân. Đừng sợ thất thu nguồn ngân sách mà không chịu giảm thuế xăng dầu. Hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 2,86%, còn thấp so với nhiều nước (như Mỹ 8,5%, châu Âu 7,4%, Anh 9%). Nhưng chắc chắn trong vài tháng tới, chỉ số CPI sẽ tăng nếu như giá xăng vẫn ở mức trên 30.000 đồng/lít. Nếu muốn kiềm chế mức tăng CPI ở mức 4% như mục tiêu mà Quốc hội đề ra thì phải có thêm giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội cho người nghèo, người yếu thế”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - thì cho rằng giá xăng dầu trong nước tăng theo giá của thế giới. Do đó, không nên giảm thuế để hạ giá xăng dầu. Hầu hết các nước trên thế giới đều đánh thuế TTĐB đối với xăng và mức thuế của Việt Nam chỉ 7 - 10% là không cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát ngày càng gia tăng, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD thêm 0,75% thì việc giảm thuế xăng dầu là điều nên làm. Một số nước trên thế giới đã bắt đầu giảm mức thuế TTĐB đối với xăng hoặc dầu. Trong điều kiện kinh tế hiện nay thì thuế TTĐB có thể giảm đến mức sàn của khung thuế, áp dụng trong vòng sáu tháng tới.
Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ thêm đối với các ngành chịu nhiều tác động từ giá xăng dầu như ngành vận tải, các đối tượng yếu thế, người nghèo. Ví dụ, hỗ trợ tiền cho các hộ khó khăn có sử dụng nhiều xe máy làm phương tiện đi lại hoặc sinh kế trong vòng sáu tháng. Ông nói: “Cần đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động. Nghị quyết, nghị định đều đã có, tiền cũng có, cần phải sớm giải ngân gói hỗ trợ này”.
Thanh Hoa