Trong phiên giao dịch hôm nay, VN-Index nhiều lần đảo chiều từ tăng thành giảm và có thời điểm bị nhấn xuống sát vùng 1.160 điểm. Lần gần nhất chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đóng cửa dưới mức này là 26/3/2021. Chỉ số khi đó giảm nhẹ còn 1.162 điểm, nhưng là dấu chấm hết cho chuỗi giằng co kéo dài nhiều phiên và mở ra sóng tăng lên 1.420 điểm sau đó ba tháng.
Diễn biến này đúng với dự đoán của phần đông công ty chứng khoán trước phiên giao dịch hôm nay. Điển hình như Công ty Chứng khoán Rồng Việt và Chứng khoán Đông Á cho rằng VN-Index chưa thể ngắt đà giảm vì lực bán mạnh nhưng khả năng hấp thụ không cải thiện, cộng thêm nhà đầu tư lo ngại các tài khoản sử dụng đòn bẩy tiếp tục bị gọi ký quỹ.
Áp lực bán mạnh các cổ phiếu dầu khí và phân bón, trong đó hai mã vốn hoá lớn gồm GAS và POW cùng giảm hết biên độ, là nguyên nhân chính khiến chỉ số đi xuống. Một số cổ phiếu ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng như MSN, VNM, MWG cũng nằm trong nhóm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Động thái xả hàng của nhà đầu tư diễn ra cục bộ, bởi VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ nhưng cổ phiếu tăng lại áp đảo cổ phiếu giảm. Sàn TP HCM hôm nay có 295 mã chốt phiên trên tham chiếu, trong khi chiều ngược lại chỉ 181 mã.
Số lượng cổ phiếu tăng trần lên đến 59 mã, tập trung nhiều ở những nhóm bị bán mạnh từ cuối tuần trước đến đầu tuần này như ngân hàng (STB, VIB, LPB, MSB), chứng khoán (SSI, HCM, VND), bất động sản (QCG, DIG, SCR, LDG). Các mã vốn hoá nhỏ liên quan đến Tập đoàn FLC và Louis Holdings cũng đồng loạt tăng trần và không có bên bán.
Sau một phiên hồi phục, thanh khoản thị trường lại diễn biến theo chiều hướng xấu. Tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 13.300 tỷ đồng, giảm hơn 2.400 tỷ đồng so với hôm qua. POW thay HPG trở thành cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất với giá trị sang tay gần 500 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài mua bán cân bằng. Giá trị giải ngân hôm nay đạt 1.340 tỷ đồng, trong khi bán ra xấp xỉ 1.320 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND là mã được khối ngoại mua nhiều nhất.
Phương Đông