Nhận định này được các chuyên gia năng lượng nêu tại toạ đàm Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng Việt Nam, ngày 22/6.
Theo ông Sean Lawlor, chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, hiện một số quốc gia EU như Đức, Áo mở lại nhà máy điện than vì thiếu nguồn khí đốt từ Nga. Ông cho rằng đây là ứng phó tức thời của một số nước trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt khi Nga đóng đường khí đốt sang EU. Nhưng về lâu dài năng lượng ít phát thải hơn (như khí cùng giải pháp công nghệ hydro, thu giữ carbon...) là xu hướng tất yếu.
Tại Việt Nam, năng lượng tái tạo hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong hệ thống điện. Thống kê của Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), đến cuối năm 2021 tổng công suất điện gió, điện mặt trời khoảng 20.670 MW, đạt gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện các nguồn điện này đạt 31,5 tỷ kWh, tương đương gần 12,3% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Sáu tháng đầu năm nay con số này tăng lên khoảng 15% sản lượng điện hệ thống, theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).
Song ông Sean Lawlor cho rằng, "điện gió, điện mặt trời không phải là nguồn năng lượng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng".
Thay vào đó, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi năng lượng, vốn đã thực hiện từ 2019, và chuyển đổi nhiên liệu. Tức là ngoài khai thác tối đa, hợp lý các nguồn điện tái tạo từ điện mặt trời, điện gió..., cần xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch dùng than sang LNG, biomass, amoniac hoặc hydrogen khi công nghệ đã được kiểm chứng, thương mại hoá... Việc này sẽ giúp đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào 2050.
Có nhiều lợi thế để Việt Nam "bước đi nhanh hơn" trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), điểm mạnh trong chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam là nguồn tài nguyên, nhất là năng lượng tái tạo đa dạng, phong phú và nằm trong khu vực tiềm năng của trao đổi giao thương năng lượng... Nhưng điểm yếu lại là thiếu khung pháp lý tạo đà phát triển sử dụng năng lượng hiệu quả, cũng như tỷ lệ nội địa hoá công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hoá công nghệ. Bên cạnh đó, thị trường năng lượng cạnh tranh mới ở giai đoạn đầu, chưa phát triển đồng bộ.
"Nhu cầu chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam rất lớn, chúng ta gặp thách thức khi nguồn tài nguyên sơ cấp truyền thống (than, thuỷ điện...) đang suy giảm nhanh chóng và việc huy động lượng vốn lớn cho quá trình chuyển đổi này không dễ dàng", ông nhận xét.
Theo tính toán nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn, lưới điện tại dự thảo quy hoạch điện VIII là gần 14 tỷ USD một năm, trong đó 75% vốn cho nguồn điện, 25% vốn cho lưới điện. Nguồn vốn này chưa tính tới thay đổi công nghệ, nhiên liệu cho chuyển đổi năng lượng. Tức là, lượng vốn cần huy động để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững và giảm phát thải về 0 vào 2050 sẽ rất lớn.
Vấn đề chi phí cũng là băn khoăn của Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh khi Việt Nam chuyển đổi năng lượng sang các dạng năng lượng mới hơn như biomass, amoniac hay hydrogen trong tương lai. Theo ông, các công nghệ như trên chi phí vẫn rất cao, chưa được chấp nhận thương mại.
"Có nhiều thách thức về chính sách, cơ chế để thực hiện và đảm bảo chuyển đổi năng lượng thành công nhưng chi phí phải hợp lý nhất", ông nhận xét.
Ông Deepak Maloo, Giám đốc mảng điện gió, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn GE (Mỹ) thừa nhận tài chính, giá hợp lý là bài toán hóc búa mà bất kỳ quốc gia nào cũng gặp trên con đường chuyển đổi năng lượng sạch hơn. Nhưng ông cho rằng, phát triển tích hợp các nguồn năng lượng song hành cùng ứng dụng công nghệ sẽ giải quyết bài toán này.
"Về mặt công nghệ, Việt Nam có thời gian làm việc với các công ty có hàng trăm năm kinh nghiệm để chuyển dịch các nhà máy dùng than sang khí", đại diện GE nhận xét.
Để chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam tới đây "trơn tru" hơn, ông Nguyễn Ngọc Hưng cũng đánh giá việc xây dựng khung khổ pháp lý cho các lĩnh vực phải là trụ cột. "Ví dụ, quy hoạch điện VIII tới đây sẽ ưu tiên phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi, thì cơ chế, chính sách ra sao để đạt mục tiêu này, cũng cần rõ ràng", ông nói.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đề cập tới việc thúc đẩy phát triển dịch vụ phụ trợ, cơ chế cho hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS). Cơ chế BESS có thể hoạt động như một nguồn tích hợp để cung cấp nguồn dự trữ khi xảy ra chênh lệch giữa cung và cầu trong hệ thống điện (sự cố tổ máy, giảm đột ngột thế hệ năng lượng tái tạo...).
"Nếu thiếu cơ chế phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ thì rất khó đưa BESS, nguồn phân tán... vào vận hành chung trong hệ thống điện, thị trường điện khi chuyển đổi năng lượng", ông khuyến nghị.
Bên cạnh đó, Giám đốc A0 cũng nhắc tới việc cần thúc đẩy các chương trình điều chỉnh phụ tải điện thương mại nhằm cải thiện khả năng đáp ứng của tải trọng dựa trên thị trường; cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về vận hành hệ thống điện và thị trường...
Anh Minh