Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tiếp tục đàm phán về mở đường xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, cuộc họp của hai bên diễn ra ngày 21-6 tại Matxcơva, và được kênh truyền hình TRT Haber của Thổ Nhĩ Kỳ tường thuật là đã diễn ra trong không khí tích cực, mang tính xây dựng.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, kết quả cụ thể từ cuộc họp là chiếc tàu Azov Concord, chở hàng khô của Thổ Nhĩ Kỳ, đã rời cảng Mariupol an toàn. Đây là con tàu nước ngoài đầu tiên rời cảng ở Mariupol kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2.
Ukraine là một trong những quốc gia cung cấp lúa mì hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu ngũ cốc của nước này đã hầu như buộc phải dừng lại do tình hình chiến sự.
Thành phố Mariupol, nằm trên bờ biển phía nam của Ukraine, nơi xuất cảng ngũ cốc quan trọng đã do Nga và lực lượng ly khai với Ukraine kiểm soát từ tháng 5-2022 và không thể xuất khẩu từ đây. Việc này đã gây ra tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.
Liên Hiệp Quốc (UN) đã kêu gọi Nga và Ukraine và các nước láng giềng trên biển như Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất về một tuyến đường biển để xuất khẩu lương thực từ Ukraine, nhằm hạ giá lương thực.
Theo Hãng tin Reuters, phía Matxcơva muốn phương Tây dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này.
Trong khi đó, Kiev muốn tìm kiếm sự đảm bảo an ninh cho các bến cảng của mình thì mới đồng ý với kế hoạch do UN kêu gọi. Ukraine cũng khẳng định mọi sự thỏa thuận phải có sự tham gia và chấp thuận của họ. Thổ Nhĩ Kỳ nhận định các yêu cầu của Nga và Ukraine đều hợp lý.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga và UN để thúc đẩy tuyến đường biển cho xuất khẩu lương thực. Tuy nhiên, nước này cho rằng để đạt được thỏa thuận, còn nhiều việc phải làm.
Ngày 21-6, nguồn tin ở Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một cuộc họp 4 bên giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và UN sẽ được tổ chức ở Istanbul trong những tuần sắp tới.
Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị nước này sẽ tổ chức một "cơ chế quan sát" để giám sát việc thực hiện kế hoạch hành lang biển ở Istanbul.
Matxcơva phủ nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực và đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây nên tình trạng thiếu nguồn cung.
TTO - Ngày 14-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các kho silo tạm thời sẽ được xây dựng dọc biên giới với Ukraine, trong đó có tại Ba Lan, để giúp xuất khẩu thêm ngũ cốc từ Kiev và giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.