Pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 của Đức - Ảnh: Wikipedia.org
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói lô pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 của Đức "cuối cùng" đã tới tay binh sĩ Ukraine, cũng là lô vũ khí hạng nặng đầu tiên Đức chuyển cho Kiev.
Panzerhaubitze 2000 là loại pháo mạnh nhất trong kho vũ khí của Đức, có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 40km, theo Đài DW (Đức).
Sự thay đổi của Đức
Ông Reznikov đã cảm ơn và nhân dịp này ca ngợi người đồng cấp Đức Christine Lambrecht. "Panzerhaubitze 2000 cuối cùng cũng đã gia nhập kho lựu pháo 155 ly của pháo binh Ukraine", ông viết trên Twitter và gọi đây là "ví dụ về sự hợp tác quốc tế hỗ trợ Ukraine".
Trong danh sách được Đức công bố nói trên, ngoài hệ thống pháo tự hành còn có 14.900 quả mìn chống tăng, 500 tên lửa phòng không STINGER và 2.700 tên lửa chống máy bay, theo Bộ Quốc phòng Đức.
Cùng với các vũ khí hạng nhẹ và trang thiết bị khác, Berlin đã hỗ trợ Ukraine 16 triệu viên đạn, 100.000 lựu đạn, 175 xe vận tải, 23.000 nón cối, 10.000 túi ngủ quân dụng, 1.200 giường bệnh và 100 lều dã chiến. Đáng chú ý trong danh sách này có 30 xe tăng Gepard và 3 hệ thống phóng tên lửa MARS II nhưng chưa được giao.
Động thái mới phản ánh sự thay đổi thái độ của chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz, sau rất nhiều chỉ trích về việc Berlin không hành động đủ nhanh và dứt khoát để hỗ trợ Ukraine sớm và nhiều hơn.
Do phụ thuộc khá nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga cũng như những kiềm tỏa từ sau Thế chiến II, ban đầu Đức chỉ hỗ trợ Ukraine vũ khí và trang thiết bị không sát thương.
Chính quyền Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây tăng cường viện trợ quân sự thời gian qua, khi tình hình trên chiến trường đang tỏ ra bất lợi với họ.
Các lực lượng Nga tuy chậm mà chắc vẫn đang lấn dần về phía tây Ukraine, sau khi có vẻ đã kiểm soát được gần hết vùng Donbass. Kiev nói họ cần 1.000 khẩu lựu pháo, 500 xe tăng và 1.000 máy bay không người lái "ngay lập tức" để chặn bước quân Nga.
Ông Scholz nói trước Quốc hội Đức rằng quyết định cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine là "đúng đắn và cần thiết trong tình hình hiện tại". Ông khẳng định Nga phải chấm dứt cuộc chiến và nhấn mạnh quyền được tồn tại của Ukraine: "Mọi việc chúng ta làm nhắm tới điều đó".
Đối mặt suy thoái
Tuy nhiên, nếu chiến sự kéo dài, những tổn thất với chính Đức cũng sẽ ngày một lớn hơn. Hiệp hội Các nhà sản xuất công nghiệp Đức (BDI) ngày 21-6 đưa ra dự báo về nguy cơ suy thoái nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn.
EU hiện nhập khẩu 40% nhu cầu khí đốt từ Nga, và với riêng Đức là 55%. BDI từng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2022 từ 3,5% xuống còn 1,5% khi cuộc chiến nổ ra. Giờ họ bổ sung rằng suy thoái sẽ là không tránh khỏi với nền kinh tế lớn nhất châu Âu nếu Nga ngừng hẳn cấp khí đốt.
Cũng chính vì vậy mà Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cuối tuần trước đã thông báo Đức sẽ phải hạn chế dùng khí đốt để sản xuất điện và trở lại dùng nhiều than đá hơn "trong thời kỳ chuyển giao", tức trước khi có thể chuyển sang các loại năng lượng sạch.
Ông Habeck cảnh báo mùa đông sắp tới sẽ "khá ngặt nghèo" nếu Đức không có biện pháp đối phó tình trạng thiếu hụt nhiên liệu. "Thật cay đắng, nhưng giảm tiêu thụ khí đốt lúc này gần như là bắt buộc" - ông Habeck, một đảng viên Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền, nói.
Tuần trước, Hãng khí đốt nhà nước Nga Gazprom thông báo sẽ hạn chế hơn nữa nguồn cung qua hệ thống Dòng phương Bắc 1 - dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic - "vì lý do kỹ thuật", cụ thể là do chậm nhận được thiết bị từ Công ty Đức Siemens Energy. Ông Habeck bác bỏ tuyên bố đó và nói Matxcơva hành động vì lý do chính trị.
Tuy nhiên, CEO của Gazprom Alexei Miller nói Nga sẽ chơi theo luật của họ sau khi công ty này đã giảm một nửa nguồn cung cho Đức.
"Sản phẩm của chúng tôi, luật của chúng tôi. Chúng tôi không chơi theo luật mà chúng tôi không được viết nên", ông Miller nói ở Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, vẫn được gọi là Davos của Nga, diễn ra tuần trước, theo The Moscow Times.
TTO - Ngày 21-6, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các lựu pháo tự hành của Đức đã đến Ukraine trong đợt giao vũ khí hạng nặng đầu tiên cho Kiev. Đây cũng là lần đầu tiên Đức gửi vũ khí hạng nặng đến một khu vực xung đột kể từ Thế chiến II.
Xem thêm: mth.35731547032602202-eniarku-hnart-neihc-iv-ial-tex-cud-coun/nv.ertiout