Trong phần xét hỏi của phiên xét xử sơ thẩm ngày 22/6 vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại VCB Tây Đô, bị cáo Nguyễn Minh Chuyển , nguyên Giám đốc VCB Tây Đô thừa nhận, đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện cho vay không đúng quy định.
Đồng thời, bị cáo này thanh minh, bản thân không hưởng lợi gì từ các doanh nghiệp mà muốn giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn và vì 'bệnh' thành tích của chi nhánh cũng như cá nhân bị cáo.
Bị cáo Trần Anh Huy, nguyên Trưởng Phòng khách hàng VCB Tây Đô và các bị cáo khác thuộc nhóm cán bộ ngân hàng thừa nhận việc đánh giá để hoàn thiện hồ sơ vay của các doanh nghiệp từ sự chỉ đạo của bị cáo Huy và Huy nhận chỉ đạo từ giám đốc là bị cáo Chuyển.
Cả Huy và Chuyển đều thừa nhận có chỉ đạo như lời các cấp dưới. Đồng thời, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho nhóm bị cáo là cấp dưới của mình.
Các bị cáo tại phiên toà.
Về các bị cáo thuộc nhóm doanh nghiệp, bị cáo Trang Hồng Sơn xin được xem xét trách nhiệm vì bị cáo chỉ là làm “ giám đốc thuê ”. Tương tự, bị cáo Hoàng Thám, cũng cho rằng việc khởi tố là oan cho bị cáo bởi, Thám cũng chỉ được thuê làm giám đốc.
“Bị cáo chỉ là người làm thuê. Ban đầu, bị cáo chỉ là công nhân nhưng được sếp ưu ái giao cho vị trí giám đốc nhưng bị cáo không điều hành công ty, mà chỉ thực hiện giấy nhận nợ, hợp thức hoá hồ sơ để vay ngân hàng”, bị cáo Thám khai tại phiên toà.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hùng (Trưởng nhóm doanh nghiệp An Đô) khai, khoảng năm 2011, khi công ty bị cáo gặp khó khăn nên bị cáo xin phá sản thì được động viên cố gắng duy trì vì là khó khăn chung.
Bị cáo Nguyễn Hùng Cường (Trưởng nhóm doanh nghiệp Nam Sông Hậu, em ruột bị cáo Chuyển) khai, các công ty con do bị cáo thành lập với mục đích đảo nợ cho các hợp đồng cũ và dòng tiền đảo nợ một phần được chuyển về Công ty Nam Sông Hậu nhằm duy trì hoạt động sản xuất.
“Trách nhiệm của bị cáo có liên quan đến các công ty con nên bị cáo tự nguyện liên đới khắc phục. Hiện tại, bị cáo đã khắc phục cho toàn nhóm số tiền 228 tỉ đồng. Đến nay, bị cáo vẫn đang tiếp tục bán tài sản thế chấp để khắc phục”, bị cáo Cường trình bày tại toà.
Còn bị cáo Trịnh Minh Tú cũng thừa nhận, do tình hình kinh tế, tài chính khó khăn nên Tú muốn vay tiền trong thời gian ngắn để đảo nợ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh và mọi hoạt động liên quan đến khoản vay đều trao đổi với VCB Tây Đô.
Sau 1 ngày làm việc, phiên toà tạm dừng lại và sẽ tiếp tục phần xét hỏi vào ngày mai 23/6.
Theo cáo trạng các bị cáo bị truy tố trong vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô) gồm: Nguyễn Minh Chuyển (cựu giám đốc VCB Tây Đô), Trần Anh Huy (cựu trưởng phòng khách hàng VCB Tây Đô) và 3 cán bộ là Phạm Văn Trí, Đỗ Phương Bảo Quế và Nguyễn Hữu Nghĩa; các bị cáo thuộc nhóm doanh nghiệp là Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Công Trừng (em ruột bị cáo Chuyển), Lê Tùng Huy, Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Trịnh Minh Tú, Võ Vũ Bình, Cao Hoàng Thám, Nguyễn Thanh Hùng, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám.
Từ năm 2011 - 2014, các doanh nghiệp do các bị cáo nêu trên điều hành làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng nên đã đề nghị bị cáo Chuyển cho khoanh nợ, giãn nợ, bán tài sản để trả nợ.
Nhưng do sợ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến việc xếp hạng tín dụng của VCB Tây Đô và ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cá nhân nên cựu giám đốc VCB Tây Đô đã thỏa thuận trái pháp luật với các nhóm chủ doanh nghiệp, cho vay để đảo nợ, một phần sử dụng để sản xuất kinh doanh gây thiệt hại cho VCB Tây Đô hơn 278 tỉ đồng.
Theo Kim Hà
Tiền Phong