Ngày 22-6, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết chính quyền dự kiến sẽ chi 143 triệu USD trợ cấp tiền mặt cho các hộ nghèo để chống chọi với bão giá. Cụ thể, thành viên các hộ gia đình có thu nhập dưới 1.100 USD/tháng sẽ được nhận 23 USD/tháng. Người chưa lập gia đình có thu nhập thấp được phát khoảng 11,3 USD/tháng, theo hãng tin Bloomberg.
Malaysia phát tiền mặt, trợ giá cho dân
Quyết định trên được đưa ra sau khi chính phủ Malaysia xem xét những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt giữa lúc giá cả thực phẩm tăng vọt vì tình hình lạm phát bất ổn của kinh tế toàn cầu.
Một khu chợ ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hồi tháng 5. Ảnh: CNBC |
“Khoản trợ cấp lần này nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính của nhóm đối tượng có thu nhập thấp. Chính quyền luôn nhận thức được tình cảnh túng thiếu hiện tại của người dân, đặc biệt khi giá các mặt hàng thiết yếu tăng. Với đợt trợ cấp này, chính quyền sẽ phân bổ 143 triệu USD cho gần 8,6 triệu đối tượng thụ hưởng, gồm bốn triệu hộ gia đình, 1,2 triệu người cao tuổi và 3,4 triệu người độc thân” - ông Ismail Sabri nói.
Song song đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tiêu dùng nội địa Datuk Seri Alexander Nanta Linggi cho biết Malaysia sẽ tiến hành cùng lúc hai biện pháp để vừa giúp ổn định nguồn cung và giá cả thực phẩm về lâu dài, vừa giúp người nghèo tiếp cận được thực phẩm mà không phải chịu gánh nặng tài chính. Cụ thể, theo kênh Channel News Asia, Malaysia sẽ dỡ bỏ giá trần đối với thịt gà và trứng gà từ ngày 1-7, còn người nghèo sẽ được hỗ trợ tài chính. Chi tiết về khoản hỗ trợ tài chính này sẽ được Bộ Tài chính công bố sắp tới.
Từ ngày 1-7 Malaysia cũng sẽ thôi trợ giá đối với một số sản phẩm dầu ăn đóng chai loại 2 kg, 3 kg và 5 kg mà nước này đã tạm thời áp dụng từ tháng 8-2021 nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19. Lý do theo Thủ tướng Ismail Sabri hôm 22-6, “chính phủ phát hiện rằng phần lớn dầu ăn đóng chai được trợ giá đã bị các bên công nghiệp và thương mại sử dụng sai mục đích và để buôn lậu”, mục tiêu ban đầu của chương trình không đạt được. Việc trợ giá đối với sản phẩm dầu ăn dạng gói polybag 1 kg sẽ vẫn được giữ nguyên. Hiện mức giá đối với sản phẩm này trên thị trường Malaysia là 2,04 USD nhưng người nghèo vẫn được tiếp cận với giá 0,57 USD.
Malaysia được cho là một trong tám quốc gia và vùng lãnh thổ ít chịu ảnh hưởng từ lạm phát toàn cầu nhất, do lạm phát trong nước vẫn được giữ ở mức dưới 4%. Những cái tên còn lại là Đài Loan, Thụy Sĩ, Indonesia, Nhật, Saudi Arabia, Trung Quốc và Hong Kong, theo thống kê của tờ The Economist gần đây.
Nhiều nước làm tương tự
Tương tự Malaysia, ngày 21-6, chính quyền Singapore thông báo gói trợ cấp trị giá gần 1,1 tỉ USD cho các hộ thu nhập thấp trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
Theo Bộ Tài chính Singapore, gói trợ cấp này bao gồm khoản tiền mặt khoảng 215,7 USD phát trực tiếp cho các hộ nghèo và giảm 72 USD hóa đơn tiền điện, nước cho tất cả hộ dân. Ngoài ra gói trợ cấp cũng được dùng hỗ trợ các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động có thu nhập thấp. Chẳng hạn, chính quyền sẽ nâng mức hỗ trợ từ 50% lên 75% lương đối với người lao động có thu nhập dưới 1.798 USD/tháng và từ 30% lên 45% lương đối với người lao động có thu nhập dưới 2.157 USD/tháng.
Thái Lan đã gia hạn các biện pháp hỗ trợ giá năng lượng thêm ba tháng (đến tháng 9), trong đó có trợ cấp hằng tháng 2,83 USD đối với gas nấu ăn cho những người có thu nhập thấp và giữ cố định giá xăng cho các tài xế taxi. Thái Lan cũng tìm kiếm sự đóng góp của các nhà máy lọc dầu để bổ sung quỹ bình ổn giá xăng dầu đang cạn kiệt, tờ The Bangkok Post đưa tin. Cụ thể, nước này kêu gọi các nhà máy lọc dầu và nhà máy tách khí trích một phần lợi nhuận để bổ sung vào quỹ bình ổn giá xăng dầu quốc gia trong ba tháng tới. Các khoản đóng góp hằng tháng từ các nhà máy lọc dầu dự kiến sẽ mang lại 170-200 triệu USD cho quỹ.
Thái Lan đồng ý gia hạn chương trình kích thích du lịch nội địa đến tháng 10, bao gồm các biện pháp như trợ giá cho 1,5 triệu đêm ngủ khách sạn. Theo đó, khách trong nước đặt phòng được chính phủ trợ cấp 40% giá phòng, giới hạn ở mức 85 USD/đêm và 10 đêm/người. Họ cũng được trợ cấp 40% đối với thực phẩm, lên đến 17 USD/ngày, cũng như trợ cấp 40% đối với giá vé máy bay tối đa 84,5 USD/hành khách.•
Bất chấp lạm phát, kinh tế Đông Nam Á vẫn phục hồi mạnh mẽ
Trả lời tờ Financial Times, chuyên gia Frederic Neumann thuộc Ngân hàng HSBC (Anh) nhận định kinh tế Đông Nam Á đang phục hồi tốt khi các biện pháp kiểm soát nhập cảnh nghiêm ngặt sau đại dịch được dỡ bỏ, kéo theo sự trỗi dậy của ngành du lịch. Các điểm nóng từ vịnh Hạ Long của Việt Nam đến đảo Bali của Indonesia đều rất đông khách.
“Những gì bạn đang thấy ở Đông Nam Á vào lúc này là một sự phục hồi mở cửa trở lại. Sự tăng trưởng rất mạnh mẽ và điều đó có khả năng kéo dài sang nửa cuối năm nay. ASEAN đang rất kiên cường” - ông Neumann nói.
Theo Financial Times, những con số tích cực về kinh tế trong khu vực đang phần nào thể hiện sự phục hồi từ sau cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc trong đại dịch. Ví dụ tại Philippines, quốc gia chịu một trong những sự suy giảm kinh tế mạnh nhất so với bất kỳ nước nào trong khu vực sau khi áp đặt các biện phong tỏa cứng rắn để kiềm chế dịch COVID-19, GDP đã tăng 8,3% trong quý I nhờ sự phục hồi trong tiêu dùng.
Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng đang tạo ra động lực lớn hơn về sản lượng, bao gồm cả xuất khẩu tăng trưởng ổn định. Giá lương thực, nhiên liệu và hàng hóa tăng có lợi cho các quốc gia xuất khẩu chúng với số lượng lớn, dù là dầu cọ (Indonesia và Malaysia), cao su (Thái Lan và Malaysia) hay than đá (Indonesia).
Bà Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cao cấp về châu Á của Ngân hàng Natixis (Pháp), cho rằng các nước ASEAN cũng được định vị là sẽ thu được lợi nhuận từ những thay đổi trong sản xuất khi các nhà sản xuất đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Ví dụ, Apple đang chuyển một số hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam.
“Sự gián đoạn kéo dài ở Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ làm tăng thêm đầu tư vào Đông Nam Á” - bà Nguyen khẳng định.