Ngày 23-6, TAND huyện Đông Anh (TP Hà Nội) mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Lưỡng (44 tuổi, cựu bí thư chi bộ thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 355 BLHS.
Sau thời gian ngắn thẩm vấn và hội ý, HĐXX nhận thấy vụ án có dấu hiệu đồng phạm nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Bị cáo Nguyễn Văn Lưỡng. Ảnh: UYÊN TRANG |
Thu phí trái quy định
Tháng 3-2021, Công an huyện Đông Anh tổ chức cấp CCCD tại Nhà văn hóa thôn Đường Yên và phát hiện 72 sổ hộ khẩu (SHK) bị thiếu thông tin nên thu lại để bổ sung.
Tiếp đó, công an huyện bàn giao SHK lại cho ông Nguyễn Tiến Điển (cán bộ Công an xã Xuân Nộn) để trả lại cho người dân. Do Nguyễn Văn Lưỡng từng là công an viên bán chuyên trách thực hiện công tác hộ khẩu, ông Điển nhờ bị cáo trả SHK giúp.
Tuy nhiên, cáo trạng cho rằng Lưỡng lạm dụng việc này để thu tiền trái quy định. Bị cáo nhắn tin trên một số nhóm Zalo trong thôn, thông báo người dân đến nhận SHK và sẽ thu phí 150.000 đồng/SHK. Kết quả, Lưỡng thu của 68/72 hộ dân với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Lưỡng khai việc thu tiền là do ông Nguyễn Tiến Điển nhờ, bị cáo chỉ đứng ra thu giúp. Sau khi thu được tiền, bị cáo đã bàn giao cho ông Điển.
Ngược lại, ông Điển phủ nhận việc này và cho biết khi có đơn tố giác, Lưỡng đưa tiền để ông trả lại cho người dân. Ông không biết, không liên quan đến việc Lưỡng thu tiền.
Do ngoài lời khai của Lưỡng, không còn tài liệu nào khác thể hiện ông Điển chỉ đạo việc thu tiền, cơ quan điều tra nhận định không có cơ sở kết luận ông Điển đồng phạm với Lưỡng.
Hướng dẫn xóa Zalo để xóa dấu vết?
Trước bục khai báo, bị cáo Lưỡng giữ nguyên lời khai rằng được ông Điển nhờ trả giúp SHK và thu tiền. Theo lời Lưỡng, khi nhờ ông Điển có đưa cho bị cáo một cuốn sổ màu xanh, tất cả người nộp tiền đều ký vào cuốn sổ này.
Cáo trạng thể hiện cơ quan điều tra nhận định không có cơ sở kết luận ông Điển đồng phạm với Lưỡng, tuy nhiên theo HĐXX, vụ án có dấu hiệu đồng phạm.
HĐXX hỏi Lưỡng về đặc điểm cuốn sổ. Bị cáo cho hay không nhớ cụ thể về kích thước, độ dày mỏng nhưng nhớ rõ chữ viết trong sổ là của ông Điển. Hiện cuốn sổ đã được trả cho vị cán bộ công an.
Đáng chú ý, Lưỡng khai rằng nhận lời giúp ông Điển với tư cách là nguyên công an xã bán chuyên trách chứ không phải tư cách bí thư thôn. Sau khi được ông Điển giao SHK kèm theo danh sách các hộ dân, bị cáo đem về nhà, soạn tin nhắn trong các nhóm Zalo (được lập để triển khai công tác phòng chống dịch). Nội dung tin nhắn thông báo người dân đến nhận SHK, kèm theo chi phí 150.000 đồng/SHK.
HĐXX hỏi Lưỡng về các nhóm Zalo. Bị cáo khai có tổng cộng chín nhóm, trong đó bị cáo quản trị sáu nhóm. Khi có đơn tố giác của người dân, Lưỡng được ông Điển và một số cán bộ công an xã đề nghị xóa Zalo để không còn thấy dấu vết gì. Do bị cáo không biết xóa, một cán bộ công an đã trực tiếp xóa giúp.
Ngay sau đó, HĐXX yêu cầu thư ký cung cấp giấy bút cho bị cáo để liệt kê cụ thể các nhóm Zalo, đồng thời hỏi công an xã hướng dẫn xóa Zalo cụ thể là xóa những gì. Trả lời tòa, Lưỡng cho hay xóa ở đây bao gồm xóa các nhóm chat và xóa cả tài khoản Zalo. Với các nhóm chat mà bị cáo làm trưởng nhóm thì tự xóa, nhóm nào không phải trưởng nhóm thì đi nhờ.
Trước những lời khai trên, HĐXX vào hội ý. Sau ít phút thảo luận, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án để yêu cầu điều tra bổ sung như đã nêu trên.
Tòa triệu tập đầy đủ 68 bị hại
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Lưỡng đặt vấn đề vụ án có 68 người là bị hại nhưng khi xét xử, tòa lại chỉ triệu tập một số người. Cho rằng việc có mặt của các bị hại là rất quan trọng, luật sư đề nghị tòa triệu tập toàn bộ những người từng bị thu phí khi đính chính SHK.
Trả lời luật sư, HĐXX cho biết có triệu tập 68 bị hại nhưng do nhiều người có đơn xin vắng mặt, một số lại là thành viên cùng gia đình… nên chỉ một số có mặt, chứ không phải tòa không triệu tập.