Trong 10 ngày qua, ít nhất 3 tàu chở dầu đã biến mất khỏi hệ thống theo dõi hàng hải khi chúng đến Azores, một đảo nhỏ cách đất liền Bồ Đào Nha khoảng 1.500 km về phía tây. Theo Bloomberg, các tàu này có thể chuyển hàng lên những chiếc tàu khác. Việc chuyển giao như vậy đã không xảy ra trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, dẫn tới việc các vệ tinh chưa được điều chỉnh để theo dõi hoạt động này.
Hiện tại, không ai biết tại sao những con tàu này lại tắt định vị. Một trong số các suy đoán liên quan đến người mua, những người không muốn thương vụ của họ gặp nhiều soi mói. Thực tế, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga nhưng nó sẽ chỉ có hiệu lực đầy đủ trong tháng 12 tới.
Đường biển là một trong những tuyến đường phổ biến nhất của dầu mỏ. Nhiều năm qua, Nga chuyển hàng hóa của mình ra ngoài khơi Đan Mạch và gần đây là Địa Trung Hải. Tuy nhiên, hiện tượng tắt định vị vốn không xảy ra thường xuyên với tàu Nga mà thường được Iran và Venezuela sử dụng nhiều hơn sau khi bị Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Theo Bloomberg, để thực hiện nhiệm vụ này, các tàu sẽ di chuyển cạnh nhau và các tàu chở dầu sẽ bơm dầu sang các tàu lớn hơn. Những con tàu lớn này sau đó sẽ vận chuyển hàng hóa khắp nơi trên thế giới trước khi chuyển vào các nhà máy lọc dầu để tạo ra nhiên liệu.
Xung đột với Ukraine khiến dầu của Nga không còn được ưa chuộng, ít nhất về mặt công khai. Tuy nhiên, trong 100 ngày đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Moscow đã thu về 98 tỷ USD. Đây được xem là con số "đáng kinh ngạc", nhất là khi Nga chịu tác động từ nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), châu Âu nhận 61% tổng lượng nhiên liệu hóa thạch của Nga. Giá dầu toàn cầu cũng đang tăng phi mã, dẫn tới việc nước Nga tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn "vàng đen" này.
Trong khi đó, việc thay thế nhiên liệu Nga không phải giải pháp dễ dàng và có thể thực hiện nhanh chóng. Dầu của Nga cũng không vì thế mà bị ế. Các nền kinh tế tỷ dân như Ấn Độ và Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ nguồn dầu giá rẻ của Nga, mang tới cho họ những lợi ích kinh tế trong bối cảnh giá dầu liên tiếp ở trên mức 100 USD/thùng.
Nga cũng đang tăng cường bán dầu sang châu Á và coi đây là thị trường tiềm năng để chuyển hướng trong trường hợp châu Âu "cai nghiện" thành công nguồn năng lượng của nước này. Tuy nhiên, việc nói không với nguồn năng lượng của Nga có thể khiến giá cả ở châu Âu tăng vọt, thậm chí khiến nhiều nước thiếu dầu để phục vụ các hoạt động khác.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đầu tư khai thác than tăng 10% trong năm 2021 so với năm 2020 và sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng này trong năm nay. Điều đó cho thấy thế giới đang ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn nhiên liệu vốn được mô tả là rất "bẩn" này. Đốt than tạo ra nhiều khí thải hơn tất cả các loại nhiên liệu khác.
Tham khảo: Bloomberg
http://tintuc.vdong.vn/06/1399197.htm