Bạn đã từng gặp người bạn nào đó, bị đỏ mặt sau khi uống vài ngụm bia hoặc rượu chưa? Thực tế, tình trạng này không hiếm gặp, và theo Healthline, đây là gọi "phản ứng xả cồn".
Chuyên gia y tế Gerhard Whitworth nói rằng, đa số các trường hợp này là do khó khăn trong việc tiêu hóa hoàn toàn chất cồn. Những người đỏ mặt khi uống rượu có thể bị lỗi gen ALDH2, đây là một trong những enzym trong cơ thể giúp phân hủy chất acetaldehyde có trong rượu.
"Quá nhiều acetaldehyde trong cơ thể có nguy cơ gây đỏ mặt và các triệu chứng khác"- tờ Healthline viết.
Theo các nhà khoa học, mặc dù tình trạng mặt đỏ bừng sau khi uống rượu, bia không nguy hiểm, nhưng là dấu hiệu cảnh báo những rủi ro khác như bệnh cao huyết áp.
Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên 1763 người đàn ông Hàn Quốc và phát hiện ra rằng những người bị đỏ mặt dễ bị cao huyết áp khi uống nhiều hơn 4 phần thức uống có cồn mỗi tuần. Trong khi, những người không bị đỏ mặt chỉ có nguy cơ cao huyết áp nếu uống nhiều hơn 8 phần rượu mỗi tuần.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, huyết áp cao nếu không được quan tâm chữa trị có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Trong một đánh giá tổng hợp dựa trên 10 nghiên cứu khác nhau cho thấy, đỏ mặt khi uống rượu có liên quan đến nguy cơ ung thư cao hơn, đặc biệt là ung thư thực quản ở nam giới khu vực Đông Nam Á.
"Cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng đỏ mặt khi uống rượu, bia là tránh hoặc hạn chế sử dụng chúng. Đây là ý tưởng hay ngay cả khi bạn không bị tình trạng trên. Bởi theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu là nguyên nhân gây ra hơn 5% số ca tử vong trên toàn cầu, và chính thức uống có cồn cũng là một trong những yếu tố liên quan đến hơn 200 căn bệnh và thương tích"- Healthline viết