Theo báo cáo Hạnh phúc Thế giới do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc công bố hôm 18/3 ghi nhận Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Đánh dấu năm thứ năm liên tiếp nước này giữ vị trí số một.
Bảng xếp hạng dựa trên khảo sát mức độ hạnh phúc của người dân từ Gallup, kết hợp với những thông tin như GDP trên đầu người, tuổi thọ, tự do cá nhân, sự hào phóng, hỗ trợ xã hội và tình trạng tham nhũng. Báo cáo năm nay còn sử dụng thêm dữ liệu từ mạng xã hội để so sánh cảm xúc xã hội trước và sau đại dịch Covid-19.
Không chỉ nổi tiếng với dịch vụ công tốt, người dân tin tưởng vào chính quyền, mức độ tội phạm và bất bình đẳng thấp mà đất nước này còn nằm trong TOP các quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất thế giới.
Giáo sư Paul Stozmin, một học giả nổi tiếng người Mỹ nói rằng: "IQ và EQ rất quan trọng, nhưng mức độ thành công trong cuộc sống còn tùy thuộc vào chỉ số nghịch cảnh". Và giáo dục tại Phần Lan chính là như vậy.
Nền giáo dục miễn phí
Trẻ em Phần Lan được hưởng nền giáo dục hạnh phúc nhất
Phần Lan vô cùng coi trọng giáo dục. Trong đó, tiền học phí, tiền ăn trưa, chi phí cho dụng cụ học tập và các hoạt động ngoại khóa đều miễn phí. Những học sinh sống xa trường hơn 2km sẽ được đưa đón bằng xe bus. Chi phí này đều do nhà nước trả với hơn 12,2% ngân sách dành cho giáo dục.
Bên cạnh đó, nghề giáo viên cũng rất được đề cao, trở thành niềm khát khao của nhiều người. Mức lương khởi điểm cho giáo viên ở Phần Lan khoảng 40.000-50.000 USD một năm, thấp hơn một chút so với lương bác sĩ.
Mầm non không phải để học
Tại cấp học này, các em không được dạy cách đọc, viết mà tham gia các hoạt động nhóm. Đặc biệt, nếu trên thế giới, cha mẹ và thầy cô tập trung vào việc làm thế nào trẻ em có thể thành công thì giáo dục Phần Lan tập trung vào mục tiêu để trẻ em nếm trải thất bại và trải nghiệm thất bại nhiều hơn.
Chẳng hạn, giáo viên mẫu giáo sẽ cho trẻ tập trượt tuyết mô phỏng. Sau đó, họ sẽ giả vờ ngã và cố gắng hết sức để đứng dậy lại.
Đồng thời, giáo viên sẽ cho trẻ biết đâu là chiến thắng thực sự, dạy trẻ cách đối xử đúng đắn, nhận ra ưu điểm và thiếu sót của bản thân, cố gắng tránh sự tự tin mù quáng. Chỉ bằng cách này, trẻ em mới có thể biết rằng chiến thắng không đơn thuần là chiến thắng, mà còn là sự dũng cảm đứng dậy từ thất bại.
Giáo dục do học sinh làm chủ
Thay vì đặt nặng vấn đề học chữ, trẻ em Phần Lan được tham gia các hoạt động ngoại khóa và học nghề
Trẻ em Phần Lan bắt đầu đi học khi lên 7, trải qua 9 năm học bắt buộc. Khi kết thúc lớp 9 vào năm 16 tuổi, các em được quyết định có học tiếp hay không.
Luật Giáo dục năm 1998 cho phép học sinh làm chủ. Mô hình giáo dục này đặt học sinh ở trung tâm, học cách làm chủ và chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình. Các em có thể yêu cầu số giờ học mỗi ngày ngắn hơn, ít bài tập về nhà và bữa trưa nhiều dinh dưỡng hơn...
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), học sinh Phần Lan vào học từ 9h đến 9h45 và kết thúc vào khoảng 2h30 chiều, với số lượng công việc và bài tập về nhà ít nhất thế giới. Học sinh Phần Lan cũng không có gia sư nhưng lại vượt trội về hiểu biết, văn hóa nhờ nền giáo dục ít căng thẳng.
Phần Lan không có bài kiểm tra chuẩn hóa. "Kỳ thi" duy nhất được áp dụng trên toàn quốc là tuyển sinh quốc gia. Tại kỳ thi này, học sinh được đánh giá và chấm điểm bởi giáo viên, người đã theo các em trong thời gian dài. Thậm chí, nếu không muốn có đánh giá này, học sinh hoàn toàn có thể từ chối.
Trẻ được giáo dục tự đứng lên sau những vấp ngã
Tập trung vào giáo dục nghịch cảnh
Khi trẻ vào trường tiểu học, nhà trường sẽ sắp xếp các nhiệm vụ khác nhau để trẻ hoàn thành một cách độc lập. Nhiều nhiệm vụ trong số đó thậm chí còn vượt quá khả năng của trẻ.
Tại thời điểm này, mục đích của trường học không phải để trẻ trải nghiệm niềm vui, mà còn giúp trẻ dám chấp nhận thử thách thất bại. Không ít những đứa trẻ đã bật khóc vì chúng thất bại liên tục.
Khi trẻ đã được nếm trải thất bại, cha mẹ chỉ cần thêm một chút khích lệ, động viên, cho trẻ biết được thất bại này không phải là điều gì quá khủng khiếp, miễn là chúng kiên trì thì sẽ thành công.
Nguồn: Aboluowang; World Economic Forum
http://tintuc.vdong.vn/06/1399428.htmNguyễn Phượng
Theo Trí Thức Trẻ