Ông Trần Tuấn Anh (thứ hai từ trái) đi thực tế khu vực Vũng Rô cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên - Ảnh: HÀ KIỀU MY
Tọa đàm do Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết 39-TW (gồm nghị quyết 39-TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 39-NQ/TW) tổ chức.
Tọa đàm thu hút nhiều tham luận của các bộ: Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh trong tiểu vùng.
Thông tin tại tọa đàm cho biết tiểu vùng Nam Trung Bộ (bao gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn. Tiểu vùng có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi gồm: hai sân bay (Tuy Hòa và Cam Ranh), một số cảng, đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đi qua, gần TP.HCM và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra Biển Đông.
Tiểu vùng có điều kiện phát triển các khu kinh tế biển như Vân Phong, Nam Phú Yên… gắn với phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, khí cụ điện, công nghiệp chế biến và các ngành công nghiệp nhẹ; phát triển khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản; có điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống âu thuyền và cầu tàu ở các vùng cửa sông và đảo nhỏ ven bờ.
Đây là khu vực có thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc gắn với phát triển các đô thị ven biển như TP Tuy Hòa (Phú Yên), TP Nha Trang (Khánh Hòa), TP Phan Thiết (Bình Thuận)…
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, các đô thị trong tiểu vùng chưa được liên kết tốt thành một hệ thống thống nhất, huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị còn hạn chế. Tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhất là cảng biển.
"Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn vùng. Liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; thiếu vai trò "nhạc trưởng" định hướng, dẫn dắt của Nhà nước; lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy..." - ông Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Tọa đàm bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của vùng, cả vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung.
Đặc biệt, nhiều ý kiến tại tọa đàm thống nhất là cần tăng tính liên kết trong quy hoạch vùng, cần có hội đồng vùng để điều phối phát triển trong vùng... Cần tính toán lại việc phân chia vùng và tiểu vùng cho hợp lý hơn, trong tình hình mới.
Kết luận tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh cho rằng tọa đàm lần này nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển vùng và tiểu vùng, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng và tiểu vùng trong thời gian tới. Trong đó, có việc ban hành nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
TTO - Cần tạo điều kiện huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, con người, môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, cải cách thể chế; gắn với đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết ngành.
Xem thêm: mth.16643130142602202-gnourt-cahn-ueiht-noc-ob-gnurt-man-gnuv-tek-neil/nv.ertiout