Trung Quốc đang lo lắng mất đi danh hiệu “công xưởng thế giới” giữa bối cảnh các áp lực từ bên ngoài tăng lên - Ảnh: REUTERS
Theo báo South China Morning Post ngày 24-6, tranh cãi đang dấy lên tại Trung Quốc sau khi Việt Nam công bố xuất khẩu quý đầu năm 2022 đạt 88,58 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Truyền thông Trung Quốc quy đổi kim ngạch xuất khẩu quý 1-2022 của Việt Nam thành 564,8 tỉ nhân dân tệ, vượt xa so với 407,6 tỉ nhân dân tệ kim ngạch xuất khẩu của thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) trong 3 tháng đầu năm.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang lo lắng mất đi danh hiệu “công xưởng thế giới” giữa bối cảnh các áp lực từ bên ngoài tăng lên, trong đó có thể kể đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chiến sự Ukraine.
Các xung đột địa chính trị này đang buộc các nước đánh giá lại nguy cơ phát sinh từ việc chuỗi sản xuất quá phụ thuộc hay tập trung tại một vài địa điểm nhất định.
Sự lo lắng tại Trung Quốc đã tăng thêm sau thông tin về tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1-2022.
Công nhận không thể tránh khỏi việc các ngành công nghiệp đổ về Đông Nam Á để tận dụng lợi thế về chi phí thấp, nhiều chuyên gia Trung Quốc khẳng định quốc gia của họ cần xem việc nâng cấp chuỗi công nghiệp là điều thiết yếu.
Việt Nam công bố xuất khẩu quý 1-2022 đạt 88,58 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: REUTERS
Ông Tang Jie - giáo sư kinh tế và là cựu phó thị trưởng Thâm Quyến, cho hay các ngành công nghiệp sẽ chuyển sang Đông Nam Á khi khoảng cách phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ngày càng mở rộng.
Ngoài Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ cũng sẽ là những điểm đến phổ biến do có nguồn lao động giá rẻ.
"Ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gắn bó chặt chẽ với Đồng bằng Châu Giang cũng như chuỗi sản xuất và công nghiệp nội địa của chúng ta, vì thế xuất khẩu của chúng ta cũng được lợi" - ông Peng Peng, giám đốc điều hành của Hội cải cách Quảng Đông (một tổ chức tư vấn liên kết với chính quyền tỉnh), cho rằng nếu xuất khẩu của Việt Nam đóng góp cho các ngành công nghiệp của Trung Quốc thì cũng là cách để tránh các tranh chấp thương mại.
Ngoài ra, ông Peng nhận định việc so sánh Việt Nam với Thâm Quyến có phần khập khiễng. Dân số của Việt Nam bằng khoảng 78% của tỉnh Quảng Đông, lớn hơn nhiều so với Thâm Quyến.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Yao Yang của Đại học Bắc Kinh nhận định năng lực sản xuất tăng lên của Việt Nam vẫn chưa thể ảnh hưởng đến danh hiệu “công xưởng thế giới” của Trung Quốc, ít nhất là trong vòng 30 năm tới.
Theo chuyên gia này, các hoạt động sản xuất đang rời Trung Quốc đến Đông Nam Á chủ yếu là hàng hóa có giá trị gia tăng thấp. Và việc này đã diễn ra trong vài năm qua, không có gì mới lạ.
TTO - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh cuộc tập trận của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu Bắc Kinh không tái diễn các vi phạm tương tự.
Xem thêm: mth.75000742142602202-man-teiv-auc-uahk-taux-gnat-cum-ev-oax-nox-couq-gnurt/nv.ertiout