Sau kỳ điều chỉnh ngày 21/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng từ 380-990 đồng một lít/kg. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 hiện là 31.300 đồng/lít; RON 95-III là 32.870 đồng/lít, dầu diesel 30.019 đồng/lít, dầu hỏa 28.785 đồng/lít, dầu mazut 20.735 đồng/kg.
Từ ngày 21/4 đến nay, xăng đã có 7 lần tăng. Tính tổng cộng, mỗi lít RON 95-III đã tăng thêm 5.560 đồng; E5 RON 92 tăng thêm 4.830 đồng.
Trong các kỳ điều chỉnh thời gian qua, giá xăng dầu liên tục phá vỡ những kỷ lục đã lập ra trước đó, tạo mặt bằng giá mới chưa từng có đối với loại nhiên liệu này.
Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục gây áp lực rất lớn đến lạm phát, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục gây áp lực rất lớn đến lạm phát, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp (Ảnh: Dân trí).
Thời gian qua, nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội, các chuyên gia "sốt ruột" đề nghị phải chủ động giảm thuế để kìm giá xăng dầu, chống lạm phát. Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhưng đề xuất này vẫn còn đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Bao giờ giá xăng dầu hạ nhiệt vẫn là câu hỏi rất lớn, là sự mong ngóng, sốt ruột từ người dân. Trao đổi với PV, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, giá mặt hàng này hiện nay rất khó dự đoán bởi chịu rất nhiều diễn biến, tác động khác nhau trong bối cảnh thế giới rất nhiều biến động.
Dự báo khả năng trong kỳ điều hành tới (1/7), giá xăng dầu có thể quay đầu giảm song vị này cũng nói thêm, từ nay đến thời điểm đó, giá dầu có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào nên những tính toán hiện nay mới chỉ mang tính thời điểm.
Vị này cho biết thêm, hôm 22/6, giá dầu WTI đã lao dốc mạnh 6,04 USD/thùng, tương đương 5,45% so với 24 giờ trước đó, xuống 104,6 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu giảm 4,55 USD/thùng (3,96%) còn 110,1 USD/thùng.
Như vậy, dầu WTI được sản xuất tại Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng. Theo dữ liệu của AAA Gas Prices, tính đến ngày 22/6, giá xăng trung bình toàn quốc cũng giảm còn 4,955 USD/gallon.
Giá dầu lao dốc sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi cắt giảm thuế nhiên liệu nhằm hỗ trợ các tài xế đối phó với giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên đến sáng nay (24/6), sau khi cùng lao dốc, giá dầu Brent và WTI đã có thay đổi với mức nhích nhẹ.
Trong khi đó, ở trong nước, giá xăng dầu vẫn đang "ngóng" những điều chỉnh mới về thuế trong bối cảnh quỹ bình ổn cạn kiệt. Hiện Quỹ bình ổn xăng dầu tại phần lớn doanh nghiệp đầu mối chính đều đang âm, có doanh nghiệp âm đến hàng nghìn tỷ đồng.
Để hạ nhiệt giá xăng dầu lúc này, rõ ràng không thể trông chờ vào quỹ bình ổn xăng dầu mà cần các quyết sách cao hơn, tác động trực tiếp đến các loại thuế phí cấu thành vào giá xăng. Thực tế, ở kỳ điều hành mới đây, cơ quan điều hành đã không chi quỹ đối với mặt hàng xăng.
Trong thông cáo mới đây, Bộ Công Thương cũng cho biết "có tính đến việc hạn chế âm Quỹ bình ổn để điều hành giá trong thời gian tới khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân".
Lý giải mức tăng cao kỷ lục vừa qua, Bộ Công Thương cho biết giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu lại có xu hướng tăng do nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới tiếp tục bị hạn chế bởi việc cấm vận hàng từ Nga của Mỹ và các nước châu Âu. Bất ổn chính trị tại Lybia gây gián đoạn hoạt động sản xuất. Cùng với đó, Mỹ ban bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran, sản xuất xăng dầu tại một số nước OPEC+ vẫn chưa đạt được mức hạn ngạch sản xuất của mình… cũng là những nguyên nhân tác động nguồn cung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.32344818142602202-aig-gnat-gnugn-gnax-oig-oab/et-hnik/nv.vtv