Trong đêm chung kết TechStart 2022 - cuộc thi Sáng tạo Khởi nghiệp Công nghệ do Đại học Bách Khoa tổ chức, dự án AtFarm_S - hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi đã xuất sắc dành giải nhất chung cuộc.
"Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên từ nhỏ em đã có niềm đam mê với nông nghiệp. Vì thế, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Tin học Công nghiệp, em dành gần 1 năm làm trong các trang trại lợn để hiểu hơn về ngành chăn nuôi ở Việt Nam".
"Em đã trải qua những khó khăn vất vả, lắng nghe những câu chuyện đau lòng của các bác nhà nông, như chuyện của bác trai tại Thái Nguyên - 350 con lợn chuẩn bị xuất chuồng với tổng giá 3,5 tỷ đồng đã chết ngạt hoàn toàn trước khi xuất chuồng chỉ vì sự cố mất điện một pha. Từ những trải nghiệm đó, hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi SACS_V20 đã được ra đời", CTO AtFarm_S Trịnh Tuấn trình bày trước ban giám khảo.
Theo giới thiệu của Tuấn, cảm biến chất lượng môi trường của hệ thống SACS_V20 sẽ đo những chỉ tiêu về môi trường trong chuồng nuôi và gửi về tủ điều khiển. Tủ điều khiến sử dụng những dữ liệu này để điều khiển quạt thông gió, sao cho đảm bảo các chỉ tiêu về mặt môi trường mà người dùng đã cài đặt trước.
Hệ thống cảnh báo sẽ được kích hoạt bất cứ khi nào sự cố xảy ra, nhờ đó mà:
- Giảm rủi ro về điện đối với chuồng nuôi,
- Giảm chi phí sử dụng điện,
- Giảm chi phí trong vận hành, sửa chữa và thay mới đối với các thiết bị điện,
- Nâng cao hệ số xuất chuồng cho các đàn vật nuôi.
CTO của nhóm dự án cho biết thiết bị này rất dễ dàng lắp đặt, thuận tiện trong sử dụng, giá cả cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nước ngoài cùng tính năng.
Về chiến lược bán hàng, nhóm các nhà sáng lập hướng đến 2 phân đoạn thị trường quan trọng. Thứ nhất là khách hàng B2C, bao gồm các chủ các trang trại và các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như CP, Masan, Hoà Phát. Thứ hai là B2B, bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cho ngành chăn nuôi như Dabaco,..
Chiến lược bán hàng cho hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi của nhóm AtFarm_S
Với quy mô các đàn vật nuôi là 20 triệu con trong năm 2022 và tiềm năng thị trường thiết bị tự động hoá ước tính có giá trị khoảng 50 triệu USD trong 5-10 năm tới, nhóm các nhà sáng lập tự tin vào tiềm năng và kế hoạch tài chính đã định ra.
Cụ thể, trong năm 2022, nhóm đẩy mạnh tiếp cận các hộ nông dân thông qua các hội thảo nông nghiệp và cho dùng thử, với KPI doanh thu là 2 tỷ đồng. Đến 2023-2024, AtFarm_S sẽ xây dựng các kênh quảng cáo qua Facebook, YouTube, TV với mục tiêu doanh thu năm 2023 là 4,9 tỷ đồng, tới năm 2024 là 6,3 tỷ đồng. Năm 2025, nhóm sẽ xúc tiến thương mại vào thị trường miền Nam và miền Trung với KPI doanh thu là 8,8 tỷ đồng.
Đi cùng với kế hoạch doanh thu là kế hoạch phát triển sản phẩm, từng bước áp dụng công nghệ IoT và sau đó là AI để đưa ra các dự báo sớm về các sự cố tiềm năng, đồng thời mở rộng dòng sản phẩm phục vụ chăn nuôi thuỷ hải sản (đặc biệt là tôm), gà. Nhóm không giấu tham vọng muốn trở thành doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam về chăn nuôi công nghệ cao.
Với 650 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu, AtFarm_S dự tính sẽ hoàn vốn sau 2,5 năm, doanh thu hoàn vốn mỗi năm là 2,7 tỷ đồng, tương đương 110 sản phẩm/năm. Bên cạnh đó, nhóm kỳ vọng chiếm 6,8% thị phần vào năm 2025.
Trong khi hầu hết các nhóm dự thi đều chưa có doanh thu hoặc sản phẩm chưa hoàn thiện thì trong năm 2021, hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi đã mang về cho nhóm hơn 1 tỷ đồng.
Các thành viên nòng cốt của AtFarm_S
Khi được ban giám khảo và các nhà đầu tư chất vất về sự đóng góp của sản phẩm trong việc kiểm soát khí hậu chuồng nuôi, thành viên AtFarm_S lấy ví dụ cụ thể: "Trong vận hành chuồng nuôi, nông dân sẽ sử dụng lưới điện 3 pha 4 dây hoặc 3 pha 5 dây. Ví dụ trang trại ở Thái Nguyên, chuồng nuôi của họ mất điện 1 pha trong đêm nhưng pha điện sinh hoạt vẫn có, nhà ở công nhân vẫn bình thường nên chuồng mất điện mà không biết. Toàn bộ 350 con lợn ở đấy đã chết ngạt.
Trong khi đó, giải pháp của hệ thống SACS_V20 là, khi có sự cố về điện xảy ra thì hệ thống sẽ cảnh báo cho người công nhân hoặc người trực kiểm tra, để họ có biện pháp xử lý và tránh rủi ro lợn bị chết".
Nhóm cũng khẳng định đây là vấn đề thường xuyên xảy ra tại các chuồng nuôi. Thực tế triển khai cho một trang trại 8 năm tuổi ở Nghệ An cho thấy, sự cố điện áp thấp trong chuồng thường xuyên xảy ra. Khi có mưa gió lớn, các điểm phân chia dây tiếp xúc không tốt và gần như điện áp không được đảm bảo. Tần suất xảy ra trong mùa khô ít hơn nhưng trong những tháng mùa mưa bão, tần suất xảy ra sự cố rất lớn.
Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống SACS_V20 đã giúp trang trại quy mô 1.500 con lợn giảm số lượng kỹ thuật cứng từ 3 xuống còn 1. Các trang trại cùng chỉ cần 2 lứa nuôi - tức 1 năm là có thể thu hồi vốn đầu tư.
Cuộc thi Sáng tạo Khởi nghiệp Công nghệ TECHSTART do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Top 5 đội thi xuất sắc nhất cùng các đề án đến với chung kết:
● AtFarm_S: Hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi
● The Savers: SkinUni - Ứng dụng khám bệnh ngoài da và kết nối các cơ sở y tế bằng trí tuệ nhân tạo
● TRAIVI - BKCIM: Máy tận thu xà cừ ngọc trai
● STYLIX: Phòng thử đồ ảo - Stylix
● Thang Long's Alumni: Pin sinh học (Biobattery)
Đêm chung kết sẽ chọn ra lần lượt Top 3 và các giải Quán Quân, Á Quân, Quý Quân,... chung cuộc qua 2 phần thi: Pitching và Phản biện chéo.
Tổng giá trị giải thưởng dành cho các đội thi lên tới 150.000.000 VNĐ.
Hoàng Thuỳ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế