Giá mít Thái tại ĐBSCL có lúc giảm mạnh nhưng ít người mua - Ảnh: B.ĐẤU
Qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi ghé lại quán nhỏ ven đường trú mưa. Vừa vào quán chúng tôi đã nghe thơm nức mùi mít chín.
Mít mang đi đắp đập không hết!
Sau khi mang nước ra cho chúng tôi, chị chủ quán ra khoảng sân đầy mít, chị lấy một trái xẻ ra một miếng tươm tất mang đến mời chúng tôi "ăn cho vui". Sợ khách ngại, chị bảo "hai em ăn lấy thảo, cây nhà lá vườn chị không lấy tiền đâu. Cả huyện này mít mang đi đắp đập không hết".
Bạn đồng hành của tôi hỏi chị về đống mít chất đầy sân, chị thiệt tình kể vì thương lái "chê", chồng chị chở từ vườn sau nhà vô cho người bà con mang về cho cá ăn. Chị kể thêm, hôm trước đứa em của chị ở TP.HCM kêu chị gửi mít lên ăn.
Chị chở trái mít xuống thị trấn cách đó khoảng 20km để gửi. Dịch vụ chuyển hàng cân trái mít tính tiền cước vận chuyển cao gấp 3 lần tiền bán trái mít nên chị chở về, gọi điện bảo em mình "thôi, mua trên đó ăn rẻ hơn".
Chia tay chị, bạn tôi mua 5 trái mít mang về TP.HCM tặng bạn bè. Chị tính tiền 3 trái, 2 trái tặng, bạn tôi kiên quyết trả chị 200.000 đồng mỗi trái để cảm ơn sự nhiệt tình và dễ thương của chị.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với tâm trạng buồn vui xen lẫn. Vui vì sự chân chất, dễ mến của chị chủ quán. Buồn vì nghĩ về nỗi vất vả của chị cũng là của đa số bà con nông dân.
"Chốt đơn" trên đồng, chuyện còn xa quá!
Tôi chợt nhớ trong số các cuộc bàn thảo nhằm tìm giải pháp tiêu thụ nông sản ở miền Tây có ý kiến cho rằng cần ưu tiên "nâng cấp" và bổ sung tri thức "kinh tế 4.0"; xây dựng cơ sở dữ liệu nông sản và mạng lưới bán hàng online nhằm giúp người dân "chốt đơn" ngay trên cánh đồng của mình; hay ngồi nhà "quẹt" điện thoại để xem giá rau củ quả trong ngày ra sao.
Phước, bạn đồng hành của tôi, cho rằng đó là một gợi mở thú vị, cần thiết nhưng không phải là vấn đề bức thiết nhất với miền Tây hiện nay.
Là một chuyên gia về công nghệ, Phước nói việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nông sản và mạng lưới bán hàng online cho người dân là chuyện không khó. Vấn đề là việc vận chuyển con cá, nải chuối, bó rau rất khác với vận chuyển một quyển sách, lọ nước hoa.
Càng khó hơn nữa là làm sao để vận chuyển nông sản với khối lượng rất lớn từ ruộng, vườn ra trung tâm các tỉnh thành để giao cho khách hàng với hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế hiện nay ở miền Tây Nam Bộ?
Từng "ra Bắc, vào Nam", Phước nói chỉ khi nào đường sá ở miền Tây thông thoáng, hiện đại hơn hiện tại thì vấn đề "liên kết vùng" mà các chuyên gia bàn lâu nay mới thật sự mang lại hiệu quả.
Tri thức công nghệ được cho là cần thiết cho đầu ra nông sản. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần một cái nhìn thực tế hơn và chuyện gì quan trọng và bức thiết thì ưu tiên làm trước.
Giải ế, cách nào?
Nếu phải lựa chọn thứ tự ưu tiên để đầu tư xây dựng và phát triển ĐBSCL, tôi cho rằng việc xây dựng và kiện toàn mạng lưới giao thông đa dạng cả đường thủy lẫn đường bộ, cả cao tốc lẫn đường sắt là khâu then chốt nhất để tạo đà cho BĐSCL "cất cánh".
Với lĩnh vực nông nghiệp - thế mạnh của ĐBSCL, nhất định phải có những quyết sách cụ thể để từng bước thay đổi nhận thức liên quan đến quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Cần thiết phải luật hóa vấn đề này để việc sản xuất nông sản của chúng ta vừa đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc gia, quốc tế, vừa nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, không lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Chỉ như vậy, nông sản Việt đỡ bị làm khó tại các cửa khẩu, trái chín đỡ ế ẩm sau mỗi kỳ thu hoạch.
Song song đó vẫn là đầu tư và hiện đại hóa công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. Bởi đây cũng là khâu yếu nhất của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Có thể nói, nông sản chúng ta làm ra rất nhiều nhưng hiện tại chủ yếu xuất thô lại không được bảo quản đúng cách nên dễ hư hỏng, gây lãng phí rất lớn.
Theo tinh thần chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ của Chính phủ, ngày 21-6 tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư cho cả vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030. Vấn đề còn lại là phải làm sao hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể và đồng bộ hơn nữa.
Điều này, theo tôi, phụ thuộc rất lớn ở cách tư duy, tầm nhìn, sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương cùng các vị tư lệnh ngành để cùng thay đổi thực trạng buồn ở vùng cây trái này.
Cần thêm nhiều "đường đi" cho cây trái
Trong khi người trồng mít không bán được trái, nhiều nơi khác muốn mua miếng mít bé tẹo mất 30.000 - 40.000 đồng. Giữa những ngày dưa hấu đổ bỏ ở biên giới, nhiều nơi vẫn phải mua dưa giá cao, các tỉnh xa cũng ít thấy bán dưa...
Không ai chờ đợi vào những cuộc "giải cứu" nhưng nếu thêm kênh thu mua, thêm cách vận chuyển và bán trái cây Việt cho người Việt, tôi tin mọi chuyện sẽ khác.
Như cách đã làm trong mùa dịch, có tỉnh tổ chức kết nối thu mua lúa cho dân, nhiều sáng kiến "chở" nông sản về thành phố với giá hợp lý nhất. Bây giờ đường sá thông thương, tại sao trái cây phải đổ bỏ trong khi người nơi khác muốn ăn phải trả giá đắt?
TTO - Sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn GlobalGAP; đẩy mạnh liên kết, quản chặt mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; tích cực đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu…, nông sản sẽ không thiếu đầu ra.
Xem thêm: mth.17502418052602202-hnac-tac-ob-man-yat-iart-yac-ed/nv.ertiout