Trước tình trạng ngành y tế đang khó khăn vì thiếu thuốc, vật tư, nhân viên nghỉ việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TPHCM sớm ngăn chặn khủng hoảng này. Đó là phát biểu của Chủ tịch nước tại buổi tiếp xúc các cử tri nhân sĩ, trí thức ở TPHCM ngày 21-6, sau khi nghe các ý kiến lo ngại về tình trạng nhiều lãnh đạo cấp cao ngành y tế bị kỷ luật; người bệnh gặp khó khăn trong tiếp cận thuốc, vật tư y tế còn nhân viên nghỉ việc hàng loạt. Để giải quyết những vấn đề này, thực tế là những bài toán hóc búa, nhất là sau "cơn bão Việt Á".
Hệ quả là người dân thiệt thòi
Thiếu thuốc, vật tư y tế - đang là vấn đề thời sự, khi mà cả Viện Pasteur không còn vật phẩm y tế thiết yếu để làm việc, nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Theo Chủ tịch nước, Chính phủ phải tháo gỡ, nhưng chính quyền TPHCM cũng cần đưa ra giải pháp cụ thể trước tình trạng bức xúc này. Để giải quyết các vấn đề y tế hiện nay phải có giải pháp chiến lược, nhưng cũng cần những bước đi kịp thời, vì sức khỏe của người dân.
Có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, cho rằng một số vụ án liên quan ngành y tế đã tác động tâm lý của không ít cán bộ, khiến việc đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế tại bệnh viện đang bị đình trệ. Việc hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực của xã hội cũng dừng lại.
Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng chất lượng khám, chữa bệnh cho dân. Ông Hậu cho rằng, vấn đề đáng lưu ý hiện nay là căn bệnh sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ngay cả những cán bộ liêm chính, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước kia, nay cũng có dấu hiệu bị "nhiễm bệnh".
"Ngoài nguyên nhân chủ quan do năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, sợ trách nhiệm, còn nguyên nhân do pháp luật có những điểm chưa đồng bộ, chưa minh bạch và trách nhiệm chưa cụ thể", ông Hậu nói.
GS-TS Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, nhận định việc xử lý loạt cán bộ cấp cao cho thấy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng "không có vùng cấm" nhưng cũng tác động không nhỏ đến ngành y. Nhiều bệnh viện không dám mua thuốc, sinh phẩm xét nghiệm. Phương án xã hội hóa hiện nay cũng không còn phù hợp, nếu không sửa đổi thì dễ dẫn đến sai phạm, "ai cũng có thể dính", "hệ quả là người dân thiệt thòi".
Cũng tại cuộc tiếp xúc giữa tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 3 với cử tri quận 5, 8, 11 (TPHCM), ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng hiện nay việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế là vấn đề có thật, làm cho các nhà quản lý y tế rất nóng ruột. Bác sĩ không sợ cực, nhưng trong tay không có "vũ khí”.
Theo ông Thức, vừa qua nhiều cán bộ ngành y bị xử lý dẫn đến có một phần tâm lý e ngại từ các nhà quản lý y tế khi mua sắm. Tuy nhiên, ông Thức cũng băn khoăn rằng hiện nay khi đấu thầu thuốc, giá rẻ nhất sẽ trúng thầu, nhưng liệu thuốc trúng thầu có phải là thuốc tốt nhất cho người bệnh hay không?
Câu hỏi này dễ trả lời, vì chắc chắn là "không". Trong một lần trả lời báo chí, Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan, nói rằng: "Tôi thấy hiện nay có tình trạng những công ty dược có thương hiệu và có những sản phẩm uy tín đang dần dần mất thị trường trong các bệnh viện; còn những thuốc giá rẻ, thậm chí có khi viên thuốc rẻ hơn viên kẹo lại chiếm thị trường trong bệnh viện".
Ý kiến này là thực trạng đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Ai, người bệnh nào cũng thấy điều đó. Ví dụ với người bị bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp chẳng hạn, rất ít bệnh viện, cơ sở y tế có thuốc điều trị thế hệ mới, dù trên thế giới người ta đã xài nhiều năm qua! Đó là chưa kể sự chênh lệch chất lượng, chủng loại thuốc ở các địa phương được cung cấp cho người bệnh hưởng BHYT rất chênh lệch so với ở các thành phố lớn.
Giải quyết bài toán cơ chế trong đấu thầu thuốc
Đề cập việc đấu thầu thuốc, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng có ranh giới cực kỳ mong manh, vì những quy tắc đấu thầu của chúng ta. "Không phải chỉ riêng trong ngành y, ngành nào cũng thế, vẫn có quân xanh quân đỏ, vẫn có thông thầu" - bà Lan nhấn mạnh.
Việc công khai giá thuốc trên mạng như ngành y tế đang làm là tốt, nhưng việc công khai giá thuốc, giá thiết bị y tế vẫn chưa hoàn chỉnh. Thuốc cũng như nhiều loại vật tư khác, có loại sáng nay là 500 đồng/viên nhưng khi chuẩn bị ký hợp đồng thì giá chỉ còn 200 đồng/viên, buộc các bệnh viện phải làm hồ sơ đấu thầu lại từ đầu.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Luật Khám chữa bệnh được các đại biểu góp ý sửa đổi, để tạo hành lang pháp lý, tạo một môi trường thuận lợi hơn cho ngành y tế hoạt động nhưng thực tế vẫn chưa tạo được hành lang pháp lý mở lối, khi mà vẫn chưa thay đổi mô hình quản lý bệnh viện, cơ sở y tế, tức các thể chế cũ vẫn còn ràng buộc chằng chịt, gây cản trở hoạt động. Các nhà quản lý ngành y đều thấy cung ứng - dự phòng - điều trị là ba chân kiềng tạo nên một hệ thống y tế hoàn chỉnh nhưng sự phối hợp hành động vẫn chưa thể, vì thiếu cơ chế, dẫn đến rất nhiều bất cập, và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây nên "cơn bão Việt Á" như thời gian qua, đến nay "cơn bão" này vẫn tiếp tục càn quét ngành y!
Ranh giới cực kỳ mong manh trong đấu thầu thuốc còn liên quan tới cơ chế tài chính của bệnh viện, làm cho các bệnh viện rất khó khăn với cơ chế đấu thầu. Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đấu thầu về thuốc bao nhiêu năm nói mãi rồi, chúng ta vẫn theo cơ chế càng rẻ càng tốt; năm sau phải rẻ hơn năm trước, thậm chí có những trường hợp đấu thầu rồi trúng thầu và chọn giá rẻ nhất". Trong khi đó thị trường thuốc biến động giống như giá xăng, giá thuốc tăng thì liệu bảo hiểm có thanh toán theo cái tăng hay không? Bà Lan cho rằng: "Đây là một cơ chế bất cập và chúng ta nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Trong khi đó, đấu thầu phải thấy mục tiêu cao nhất là để cho người bệnh có thuốc, trang thiết bị với giá hợp lý nhất nhưng phải bảo đảm chất lượng".
Trung tâm đấu thầu, có thể, nhưng vẫn còn bất cập
Ngày 15-6, trước tình hình nhiều bệnh viện thiếu thuốc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo lập ngay trung tâm mua sắm thuốc và vật tư y tế (trung tâm mua sắm), không để một người dân nào tử vong vì thiếu thuốc, vật tư y tế. Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết đã giao Sở Y tế tham mưu UBND TPHCM sớm hình thành trung tâm mua sắm.
Trước mắt là mua sắm những dụng cụ, thuốc men đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân hiện nay. Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị các ngành nghiên cứu, đề xuất những cơ chế phù hợp cho trung tâm mua sắm. Nếu có vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo nhưng bằng mọi giá phải có thuốc, sinh phẩm chữa trị cho người dân.
Theo kế hoạch dự kiến, đề án trung tâm mua sắm tập trung cho ngành y tế sẽ được UBNDTP xem xét phê duyệt trong tháng 7-2022 sau khi được Sở Nội vụ thẩm định. Cái khó là hiện nay chưa có cơ sở pháp lý về hướng dẫn thành lập trung tâm mua sắm tập trung như vậy.
Theo Sở Y tế TPHCM, trước đây các đơn vị tự thực hiện việc mua sắm trên cơ sở nhu cầu và nguồn kinh phí của đơn vị theo quy định. Ngày 24-1-2013, UBND TPHCM thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế; nhiệm vụ chính là tổ chức mua sắm, trang bị, cung ứng và điều phối hàng hóa ngành y cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP và quận, huyện. Tuy nhiên đến ngày 4-10-2017, UBND TPHCM lại có quyết định giải thể trung tâm này. Trong thời gian đó, Trung tâm mua sắm đã tổ chức 6 gói thầu thuốc trị giá hơn 20.000 tỷ đồng; 9 gói thầu vật tư y tế trị giá 2.813 tỷ đồng; 12 gói thầu khác trị giá 369 tỷ đồng...
Theo Sở Y tế, trung tâm mua sắm đảm bảo minh bạch, công khai công tác đấu thầu; hạn chế sai sót tiêu cực khi các đơn vị tự tổ chức mua sắm. Tuy nhiên, đấu thầu tập trung cũng có những hạn chế do trung tâm mua sắm chưa thực sự là một trung tâm độc lập với các cơ sở y tế và Sở Y tế; chưa đảm bảo tính khách quan khi tổ chức mua sắm do nhân sự thực hiện gói thầu chỉ là nhân sự kiêm nhiệm của Sở Y tế, của các đơn vị. Thiếu nguồn nhân lực, dẫn đến thời gian thực hiện mua sắm kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của đơn vị, buộc các bệnh viện phải tổ chức mua sắm bằng phương thức khác, để đáp ứng yêu cầu của mình.
Đây là vấn đề cơ chế, thể chế quản lý ngành y, mà các vấn đề này vẫn chưa tháo gỡ, kể cả Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) vẫn còn bất cập, chưa đủ hành lang pháp lý cho các hoạt động đấu thầu. Mặt khác, quy định và quy trình đấu thầu trang thiết bị vật tư y tế hiện có rất nhiều, nhưng các quy định chưa thật sự rõ ràng, đầy đủ, tạo nên ranh giới mong manh giữa công và tội. Các chuyên gia cho rằng cần xem mục tiêu cuối cùng của đấu thầu là gì và so sánh giữa các giải pháp, cái nào tiết kiệm nhất, cái nào tốt nhất cho dân thì làm. Vấn đề còn cần hành lang pháp lý, để phải làm sao để cho người muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được.
Vấn đề khác, có thể lần này TPHCM tái lập lại Trung tâm mua sắm với các điều kiện mới, hy vọng guồng máy chạy trơn tru, cung cấp đủ thuốc men, vật tư y tế cho ngành y của TP, nhưng còn các địa phương khác sẽ trở tay như thế nào?
Vẫn còn quá nhiều câu hỏi trong công tác đấu thầu thiết bị vật tư y tế, nếu không có cơ chế, gỡ nhanh các vướng mắc, tình trạng thiếu nguồn vật tư ngành y khó được khắc phục.
Xem thêm: lmth.550331_et-y-ut-tav-couht-ueiht-gnart-hnit-og-oaht-naot-iab/hnihc-nit/nv.moc.nagnoc