Rất đông người dân chen nhau lấy số thứ tự để làm căn cước công dân tại Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) sáng 23-6 - Ảnh: MINH HÒA
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tá Hoàng Văn Dũng - phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an - cho biết:
- Với sự tham gia của 60.000 cán bộ công an cơ sở, đến nay đã in và trả hơn 65 triệu căn cước công dân gắn chip cho người dân. Kết quả này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của ngành công an.
Công an các đơn vị địa phương đã không kể ngày, đêm, ngày cuối tuần vượt khó khăn, tăng ca, tăng thời gian làm việc ngoài giờ, tổ chức các tổ công tác thu nhận và cấp căn cước công dân gắn chip.
Công an còn bố trí xe đưa, đón người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến làm căn cước công dân gắn chip. Đối với những người già, yếu, bệnh tật đi lại khó khăn các tổ công tác đến tận nhà để tiến hành thu nhận thông tin.
Ách tắc do đâu?
* Nhiều người dân phàn nàn họ đã quá cực khổ, mệt mỏi khi đi làm căn cước công dân gắn chip, có người đã làm gần 1 năm, thậm chí đi làm lại đến lần thứ 4 nhưng đến nay vẫn chưa được nhận. Bộ có nắm được việc này và lý do chủ yếu là do đâu, thưa ông?
- Nguyên nhân nhiều người dân chưa nhận được căn cước công dân gắn chip là do các hồ sơ thu nhận căn cước công dân gắn chip truyền lên trung ương bị sai lệch dữ liệu dân cư, sai loại cấp, sai thông tin... dẫn đến chưa được cấp hoặc không được cấp.
Trong khi đó công an các địa phương chưa thể cập nhật chỉnh sửa hồ sơ sai lệch do công dân chưa cung cấp được hồ sơ, giấy tờ hợp pháp (như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn) để chứng minh việc điều chỉnh, thay đổi thông tin.
Bên cạnh đó, một số công dân có các giấy tờ tài liệu, hồ sơ không đồng nhất, có nhiều thông tin sai lệch, trình độ nhận thức còn hạn chế, các thông tin nhân thân có sự thay đổi, điều chỉnh do cải chính năm sinh, giới tính và các thông tin khác.
Một số công dân vi phạm các quy định liên quan đến công tác cấp căn cước công dân gắn chip, quản lý cư trú và các hành vi vi phạm pháp luật khác nên chưa được cấp căn cước công dân gắn chip.
* Vậy tại sao nhiều người dân được thông báo căn cước công dân gắn chip đã trả về nhưng vẫn chưa được trả đến tay?
- Thời gian qua nhiều căn cước công dân gắn chip đã trả về nhưng chưa trả được đến tay người dân do nhiều nhân khẩu tạm trú, thường trú trên địa bàn sau khi làm căn cước công dân gắn chip xong đã chuyển chỗ ở, chuyển nơi thường trú hoặc không có mặt nơi cư trú nên gây khó khăn trong việc trả căn cước công dân gắn chip.
Bên cạnh đó có người dân đăng ký sai địa chỉ, số điện thoại nên công an địa phương không liên hệ được để trả. Bưu điện chuyển phát không liên lạc được nên chưa phát được. Ngoài ra một số căn cước công dân gắn chip đang trên đường chuyển phát về hoặc đang phân loại tại cơ quan công an do mới nhận.
* Nhiều người dân không được hẹn rõ thời hạn trả, có sai sót nhưng không được thông báo bổ túc hồ sơ, trong khi gọi các tổng đài lại báo máy bận. Theo ông, người dân cần hỏi đầu mối nào để được hướng dẫn, giải đáp thắc mắc?
- Bộ Công an đã yêu cầu tất cả công an các địa phương đều có đường dây nóng trả lời về việc cấp, trả căn cước công dân gắn chip. Số điện thoại đường dây nóng của các địa phương đã được đăng tải trên fanpage Facebook của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngay đầu năm 2021 Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đã đưa Tổng đài đường dây nóng 1900.0368 vào hoạt động nhằm tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của người dân về căn cước công dân gắn chip.
Đồng thời C06 cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc công tác trả căn cước công dân gắn chip, rà soát các hồ sơ sai lệch thông tin để kịp thời thông báo và hướng dẫn người dân bổ sung, chỉnh sửa.
Người dân tập trung đông từ sáng sớm trước Công an TP Thủ Đức chờ lấy số thứ tự làm căn cước công dân gắn chip - Ảnh: MINH HÒA
Làm sao khắc phục?
* Nhiều người phản ảnh chỉ sai mỗi thông tin vân tay nhưng khi làm lại căn cước công dân gắn chip thì cán bộ công an vẫn yêu cầu làm hồ sơ từ đầu, rất mất thời gian. Vậy nếu bị sai vân tay có thể chỉ cần đến lăn lại vân tay được không?
- Khi người dân đi làm căn cước công dân gắn chip bị sai vân tay, vân tay thu nhận kém, bắt buộc công dân phải làm lại hồ sơ từ đầu và thu nhận lại vân tay để đảm bảo tính bảo mật thông tin và quyền lợi của công dân.
Hiện còn khá nhiều hồ sơ căn cước công dân gắn chip không đủ điều kiện cấp do vân tay kém, sai thông tin dân cư, sai số định danh... C06 đã đưa danh sách chi tiết các trường hợp sai, thiếu thông tin về công an các địa phương và yêu cầu thông báo cho công dân điều chỉnh thông tin.
Với những hồ sơ đảm bảo yêu cầu từ công an địa phương gửi lên, C06 đều giải quyết ngay và trả về cho địa phương trong thời gian sớm nhất.
* Người dân phản ảnh bị chậm trả căn cước công dân gắn chip nhưng khi gọi đến tổng đài của công an thì nhận câu trả lời "chờ bưu điện", còn gọi bưu điện thì được bảo "hỏi công an", nhiều người cho rằng trả lời như vậy là không thỏa đáng. Bộ Công an đã xử lý tình trạng này như thế nào?
- Chúng tôi cũng đã thường xuyên có văn bản chấn chỉnh công tác hoàn thiện hồ sơ cấp, trả căn cước công dân gắn chip đến tay người dân. Đồng thời phê bình, kiểm điểm đối với các cán bộ có thái độ chưa nhiệt tình, tận tâm với người dân.
Đối với các đơn vị để xảy ra các sai phạm sẽ làm rõ trách nhiệm, đề xuất xử lý kỷ luật đối với các trường hợp như vậy.
Do sức yếu nên bà Lương Thị Hòa, ở chung cư trên đường Lê Lợi, đã được công an khu vực phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM trao căn cước công dân gắn chip tận nhà - Ảnh: TỰ TRUNG
* Ngoài những kết quả đã đạt được và nhiều tiện ích mà căn cước công dân gắn chip mang lại, hiện việc cấp, trả vẫn còn một số vướng mắc như đã nêu trên. Bộ Công an có những giải pháp gì để khắc phục những tồn tại này?
- Để kịp thời khắc phục các tồn tại nêu trên, Bộ Công an đã chủ động thông báo qua điện thoại, các trang thông tin chính thống của đơn vị địa phương, các trang mạng để công dân biết khi có căn cước công dân gắn chip là đến nhận.
Bộ cũng thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra về công tác làm sạch dữ liệu, công tác trả căn cước công dân gắn chip, công tác thu nhận hồ sơ căn cước công dân, công tác bảo đảm an ninh an toàn của hệ thống.
Ngoài ra chúng tôi cũng thực hiện phân loại, trả căn cước công dân gắn chip về công an cấp xã, sau đó đến từng nhà dân chuyển cho công dân. Đồng thời phối hợp với bưu điện để theo dõi, giám sát tình hình trả căn cước công dân gắn chip qua bưu điện.
Tất cả căn cước công dân gắn chip không thể chuyển phát qua bưu điện hoặc qua công an xã, phường vì lý do khách quan, quá 15 ngày đều được chuyển về quản lý tập trung tại đơn vị thu nhận để thông báo cho công dân đến nhận. Việc này nhằm hạn chế tối đa việc công dân phải đi nhiều nơi để hỏi.
Bộ Công an cũng yêu cầu người đứng đầu các cấp, các cán bộ chiến sĩ phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm, phải trực tiếp khảo sát, kiểm tra đánh giá đến tận cấp cơ sở bảo đảm kịp thời phát hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác xử lý hồ sơ vi phạm, hồ sơ vướng mắc, hồ sơ sai lệch.
Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân khi chuyển nơi cư trú hợp pháp, đủ điều kiện thì nên đăng ký thường trú, chuyển thường trú theo nơi ở hiện tại hoặc phải đăng ký tạm trú tạm vắng đúng quy định, cung cấp đúng thông tin, giấy tờ hợp pháp đồng nhất khi cập nhật, chỉnh sửa thông tin sai lệch.
Làm lại vẫn phải đóng lệ phí
* Nhiều người dân phản ảnh rằng họ đi làm lại căn cước công dân gắn chip do hồ sơ bị sai thông tin, thời điểm làm lần thứ nhất họ đã đóng lệ phí, nhưng khi đi làm lại họ vẫn phải tiếp tục đóng tiền. Điều này có đúng quy định?
- Quá trình làm lại căn cước công dân gắn chip vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như ban đầu nên người dân khi đi làm lại căn cước công dân gắn chip vẫn phải đóng tiền lệ phí theo quy định của Nhà nước.
Bưu điện sẽ trả lại tiền
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-6, đại diện Bưu điện Việt Nam tại TP.HCM cho biết nếu người dân đã đăng ký và trả tiền cho dịch vụ chuyển phát căn cước công dân gắn chip tại nhà nhưng chưa nhận được, bưu điện sẽ làm việc với cơ quan công an để tìm hiểu lý do nhằm đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Trường hợp người dân tự đi lấy căn cước công dân gắn chip, hoặc chính quyền phát tận tay (không thông qua nhân viên bưu điện giao), người dân có thể mang biên lai đóng tiền dịch vụ chuyển phát tại nhà đến điểm đăng ký làm căn cước công dân gắn chip, hoặc bưu cục thuộc đơn vị để được xem xét, nếu hợp lý sẽ hoàn trả tiền, đảm bảo quyền lợi cho khách.
N.TRÍ
Bạn đọc Tuổi Trẻ hiến kế "gỡ rối"
Trong số hàng ngàn ý kiến bạn đọc gửi tới Tuổi Trẻ về việc cấp căn cước công dân những ngày qua, ngoài những phản ảnh tình trạng mỏi mòn chờ kết quả hoặc phải đi lại nhiều lần, có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp.
+ Với việc này chỉ cần cho phép người dân ngồi ở nhà khai báo hồ sơ trên mạng, cấp số thứ tự qua mạng, hẹn ngày ngay trên mạng. Đến ngày giờ hẹn người dân sẽ tới làm thủ tục trực tiếp, đỡ mất công sức đi lại cho người dân mà cơ quan công quyền cũng đỡ áp lực vì lượng người đổ đến trụ sở quá đông. (huylovesauna@...)
+ Nên ưu tiên đổi CMND giấy, căn cước công dân mã vạch đã hết hạn và làm mới căn cước công dân gắn chip cho người đến tuổi quy định. Không nên yêu cầu tất cả mọi người cùng đi đổi. (nguyenanhphuong1968@...)
Người dân làm căn cước công dân tại Phòng cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an TP.HCM thông qua hệ thống bưu điện chuyển đến tận nhà - Ảnh: TỰ TRUNG
+ Mỗi quận, mỗi phường đều có cổng thông tin điện tử, nên sử dụng các cổng thông tin này để thông báo tình hình làm căn cước công dân gắn chip cho dân. Thí dụ đưa lên danh sách những người đã đến làm thẻ, ai đã có thẻ nhận rồi, ai có thẻ chưa nhận thì đến đâu để nhận, ai bị sai sót hồ sơ thì có thể bổ sung qua mạng hoặc trong trường hợp cần thì đến công an nào để khai báo lại thông tin... (bangtagital@...)
+ Tôi đề nghị ngành công an tạm thời ngưng nhận mới, tập trung giải quyết tồn đọng những ai đã làm 1 năm, 10 tháng, 8 tháng... sau đó hãy nhận tiếp hồ sơ mới. Hãy ưu tiên giải quyết cấp cho người có CMND 9 số đã hết thời hạn, căn cước công dân còn thời hạn thì giải quyết sau. (ngtanvinh_2006@...)
+ Tại sao không áp dụng tờ khai điện tử rồi chọn lịch hẹn? Áp dụng giống như làm passport đó. Làm được như vậy thì công an cũng đỡ phải ngồi nhập liệu cho từng người, mà chỉ việc kiểm tra rồi "đổ" vô kho dữ liệu là xong. (nvhai145@...)
Cần báo sớm sai sót để kịp sửa chữa
Nhiều người dân cho rằng công an hoàn toàn có thể thông báo sớm qua điện thoại để điều chỉnh, bổ sung thay vì để họ phải chờ nhiều tháng hay cả năm trời với nhiều lần lên xuống, hỏi han, ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của người dân.
Ông Lê Thanh Liêm (tạm trú phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) làm căn cước công dân gắn chip từ tháng 5-2021, nay ông phải vất vả đến Công an Gò Vấp để làm lại căn cước công dân gắn chip do "thông tin dữ liệu không có trên hệ thống".
Ông Liêm bức xúc: "Trên tờ khai có ghi nhận địa chỉ, số điện thoại của người làm căn cước công dân gắn chip. Công an hoàn toàn có thể liên hệ, thông báo sớm cho người dân để yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa.
Trong khi tôi lo sợ CMND của mình hết hạn sử dụng sẽ ảnh hưởng đến các giao dịch nên đã đi làm căn cước công dân gắn chip từ sớm, vậy mà nay cơ quan công an mới thông báo trục trặc dữ liệu".
Tương tự, cả gia đình chị Phan Thị Thiết (tạm trú quận 8) 3 người làm căn cước công dân gắn chip từ tháng 10-2021, sau 8 tháng chờ đợi thì phải vất vả quay về nơi đăng ký thường trú ở TP Nha Trang, Khánh Hòa để làm lại.
M.HÒA - ÁI NHÂN
TTO - Chỉ sau 3 ngày báo Tuổi Trẻ mở tuyến bài nói lên những bất cập xung quanh câu chuyện làm căn cước công dân, tính đến đầu giờ sáng 24-6 đã thu hút hơn 1.000 bình luận, góp ý của bạn đọc, trong đó có rất nhiều giải pháp.
Xem thêm: mth.52371157052602202-mahc-oas-iv-nad-gnoc-couc-nac-pac/nv.ertiout