Vượt chặng đường hơn 760km với điểm xuất phát từ Hà Nội, chuyến xe đã tới Đà Nẵng- Ảnh: T.T.D.
Như vậy sau khi xuất phát tại Hà Nội, ghé TP Vinh (Nghệ An), chuyến xe xuyên Việt mang theo thông điệp "không tiền mặt" đã dừng chân tại TP Đà Nẵng.
Vượt chặng đường hơn 760km, chuyến xe đã nhận được sự hưởng ứng tích cực khi tới Đà Nẵng, thành phố có định hướng đến đô thị thông minh, thành phố du lịch và trung tâm dịch vụ tài chính.
Sáng 25-6, trong hành trình vòng quanh thành phố, chuyến xe dừng chân tại chợ Hàn. Vốn là ngôi chợ chuyên phục vụ khách du lịch nên khái niệm thanh toán không tiền mặt không hề lạ lẫm với những người bán hàng ở đây. Thậm chí việc thanh toán không tiền mặt đã được họ thực hiện từ cách đây hơn 5 năm.
Chuyến xe không tiền mặt tiếp cận với người dân Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Chuyến xe không tiền mặt đi qua nhiều khu vực ven biển nơi tập trung đông người dân và du khách - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Một tiểu thương trong chợ Hàn được tư vấn các chương trình của chuyến xe "không tiền mặt" - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Chuyên bán hàng lưu niệm cho du khách Trung Quốc, nhiều năm trước chủ cửa hiệu Chị Loan (chợ Hàn) đã làm quen với việc thanh toán trực tuyến qua các nền tảng ứng dụng di động.
Theo chị Loan, khách Trung và khách Hàn rất chuộng thanh toán không tiền mặt bởi mang đến sự tiện lợi và an toàn trong giao dịch.
Ban đầu tiểu thương trong chợ cũng không rành sử dụng ứng dụng, phải nhờ đến một đầu mối dịch vụ chuyên tải các app thanh toán nước ngoài để giao dịch nhằm mang đến sự hài lòng cho khách.
"Sau đó các ngân hàng trong nước đến mời sử dụng dịch vụ này nên hầu như ai bán hàng cho du khách trong chợ này cũng có mã QR và chấp nhận thanh toán không tiền mặt" - chị Loan nói.
Chị Loan nói vừa qua tại Đà Nẵng cũng có nhiều tuyến phố thực hiện thanh toán không tiền mặt.
Qua báo đài chị cũng đã biết đến chuyến xe "không tiền mặt" sẽ dừng chân tại Đà Nẵng và tổ chức quảng bá vào chiều 26-6, nhưng chị vẫn bất ngờ khi chuyến xe này ghé vào tận chợ để gặp các tiểu thương.
Chuyến xe "không tiền mặt" cũng đã đi dọc các địa điểm du lịch tại Đà Nẵng và tiếp cận nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi. Tại các bãi tắm Mân Thái, nhiều bạn trẻ đã hào hứng khi được hướng dẫn thanh toán các dịch vụ thuê đồ bơi chỉ qua ứng dụng trên di động.
Một tài xế xe xích lô ở Đà Nẵng tiếp cận thông điệp từ chương trình chuyến xe "không tiền mặt" - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nhiều bạn trẻ cùng tìm hiểu thông điệp của chuyến xe "không tiền mặt" tại mỗi điểm xe ghé chân - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nhìn thấy chuyến xe "không tiền mặt" đến Đà Nẵng làm anh Nguyễn Thanh Bình, người dân quận Hải Châu, nhớ lại chuyến thăm Trung Quốc cách đây 5 năm.
Anh Bình kể thời điểm 2017 khi sang thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), anh đã bất ngờ bởi đến các cửa hàng rong bên ấy cũng đã sử dụng thanh toán không tiền mặt.
"Những cửa hàng xe đẩy bên ấy đều treo mã QR để khách thanh toán qua app chứ ít khi dùng tiền mặt. Những mặt hàng giá chỉ vài ngàn nếu quy ra tiền Việt đều thanh toán được hết khiến tôi thích thú. Giờ có hoạt động cổ động việc thanh toán không tiền mặt khiến tôi cảm thấy chúng ta đã hiện đại rất nhanh" - anh Bình nói.
Hành trình của chuyến xe "không tiền mặt" ở Đà Nẵng sẽ tiếp cận người dân và du khách tại các địa điểm như chợ Hàn, chợ Cồn, các địa điểm tham quan du lịch và khu vực bãi tắm du lịch.
Tại từng điểm dừng của chuyến xe, khách tham dự sẽ được tư vấn hướng dẫn và trải nghiệm về các phương thức không tiền mặt từ các nhà đồng hành và tham gia trò chơi để nhận quà tặng từ ban tổ chức.
Mục tiêu của chương trình là hướng đến một xã hội không tiền mặt, tạo thuận lợi cho người dân tham gia thanh toán điện tử nhanh gọn, an toàn.
Sự kiện chính trong lần ghé chân Đà Nẵng này sẽ diễn ra vào chiều 26-6 tại công viên Cầu Rồng trên đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà.
Chuyến xe không tiền mặt ghé chợ Hàn, ngôi chợ tập trung rất đông du khách - Ảnh: T.T.D.
Trước đó, chuyến xe mang thông điệp Không tiền mặt check-in phố cổ Hội An ngày 24-6 - Ảnh: T.T.D.
TTO - Chuyến xe 'Không tiền mặt' truyền thông điệp về hành vi tiêu dùng và lợi ích của thanh toán không tiền mặt đến với người dân TP Vinh, Nghệ An.