Chính danh thì phải gọi Nguyễn Quốc Dân là họa sĩ. Anh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TPHCM hệ chính quy, lại thực hành nghệ thuật nhiều năm, từng có 4 triển lãm cá nhân. Nhưng Dân nói, họa sĩ với anh là một từ rất thiêng liêng, chiếu theo tiêu chuẩn cống hiến. Cho nên, trước mắt cứ gọi anh là Dân khùng, hay Dân điên cũng được. Ở Hội An người ta đều gọi thế!
Từ Hẻm tái sinh đến Xưởng tái sinh
Nguyễn Quốc Dân tiếp tôi trong con hẻm số 11 (còn gọi là Hẻm tái sinh) trên đường Nguyễn Thái Học ở Hội An. Không gian này mới được cải tạo ba tháng, từ một cái hẻm cụt ẩm thấp, tối tăm với ba quán cà phê ế ẩm, nó như được hồi sinh với toàn những thứ đồ được làm lại từ... rác. Xuất hiện không lâu, Hẻm tái sinh đã trở thành một nơi chốn đi về yêu thích của thanh niên Hội An. Mới sáng sớm, tiếng Quảng đã râm ran kín ngõ, khác hẳn những hẻm khác, người đến chủ yếu là khách du lịch.
Dân kể, anh muốn làm một cái Hẻm chuyên bán cà phê và đồ tái sinh đã hai năm, nhưng tìm mãi mới được địa điểm ưng ý, rồi lại phải mất công thuyết phục hai người chủ khác đồng lòng hợp sức. “Tôi không can thiệp thô bạo vào không gian, mà cải tạo dần trên nguyên tắc lấy tinh thần văn hóa địa phương làm chủ lực, tôn trọng sự khác biệt của ba không gian, dùng đồ cũ tái sinh mang hơi thở đương đại để kết nối. Có lẽ tinh thần này đã tạo ra một điểm chạm nào đó. Lý do là khách của Hẻm đông hẳn lên, chủ yếu là thanh niên địa phương, khách nước ngoài, khách du lịch quan tâm đến nghệ thuật và đồ tái chế cũng tìm đến đây”.
Từ Hẻm ở trung tâm phố cổ, đi thêm khoảng 4 cây số nữa là đến Xưởng tái sinh của Dân “khùng”, nằm sát một khu nghĩa địa. Từ xa đã thấy một ngôi nhà làm hoàn toàn từ tôn phế liệu rộng chừng hơn trăm mét vuông, kỹ lưỡng và tinh tế đến từng cái then cửa. Một kiến trúc sư người Mỹ đến đây đã thốt lên: “Dân, sao mày có thể xử lý tôn một cách duyên dáng như vậy?”.
Chân dung Nguyễn Quốc Dân |
Trong khuôn viên xưởng là la liệt tôn cũ, thùng phuy, can nhựa... không khác mấy các xưởng thu mua phế liệu. Nhưng bước vào bên trong nhà tôn, thì mọi chuyện đã khác. Thùng phuy sau khi xử lý trở thành đèn lồng. Xe tải, xe kéo thành đồ trang trí. Gỗ mục vớt ở biển thành tranh, hoặc tượng... Phía sau nhà là một cái thùng nước inox khổng lồ đã được biến đổi công năng thành nhà vệ sinh. Khách nước ngoài đặc biệt thích cái công trình phụ này, ông đi qua bà đi lại đều phải ngó nghiêng rồi chạy vào... chụp ảnh.
Cái tiếng Dân “khùng”, Dân “điên” cũng vì đồ tái sinh mà ra. Người Hội An thấy Dân lụi cụi đi thu gom, xin, lượm rác về đục đẽo chí chát suốt ngày mới hỏi nhau: nó khùng hả? Học Mỹ thuật ra không đi vẽ kiếm tiền, suốt ngày quanh quẩn với rác thải làm chi?
“3 tuổi tôi theo má (một bà mẹ đơn thân bị mảnh bom ghim vào đầu) về Phan Thiết, hàng ngày má đi rửa chén thuê, tôi lớn lên đúng nghĩa một đứa trẻ đường phố, ăn bờ ngủ bụi. Lớn hơn thì làm đủ việc từ nhặt rác, bán báo, rửa chén, chùi bồn cầu, lúc túng quá thì ăn xin, thậm chí trộm cắp... nên thấy cái đồ người ta bỏ đi thì thương lắm, thấy nó giống như mình”, Nguyễn Quốc Dân nhớ lại.
10 tuổi, mẹ con Dân về lại Hội An, vì sức khỏe yếu mẹ anh phải vào sống trong trại xã hội, còn Dân được gửi vào trại mồ côi. Lúc ấy cả trung tâm mồ côi gần 100 trẻ em, chỉ mình Dân có góc học tập. Không có ưu tiên nào ở đây cả, góc học tập ấy do chính Dân lượm lặt, sửa chữa từ những đồ người ta bỏ đi mà thành.
Hứng thú với đồ tái sinh theo Nguyễn Quốc Dân từ đó. Đến giờ quần áo anh mặc vẫn là “đồ si đa” nhưng đều được xử lý, thêu vá khác biệt, cứ đi trên phố là có khách theo hỏi mua ở đâu.
Sinh viên cá biệt của trường Mỹ thuật
Ở trại mồ côi, thứ hấp dẫn nhất với Nguyễn Quốc Dân chính là quà tặng của các tổ chức phi chính phủ và cựu binh Mỹ bao gồm: màu, cọ, bảng vẽ, sơn, toan...
“Có rất nhiều thứ dụng cụ vẽ, màu vẽ cho đến bây giờ dân trong nghề nhìn vào vẫn choáng váng. Ngày nào tôi cũng mang đồ ra phố cổ hý hoáy, vẽ không biết bao nhiêu tranh phố. Phố cổ ngày xưa chưa có màu vàng như giờ. Vì muốn sơn màu vàng thì phải sơn trắng trước, dân nghèo sơn một lớp trắng là được rồi, nhà giàu mới sơn hai lớp. Đến năm lớp 5, tôi gặp một cặp vợ chồng người Mỹ ở phố cổ, họ thấy tôi vẽ, theo tôi về tận trại mồ côi. Sau đó hai người nhận tôi làm con nuôi, muốn khi nào tôi tốt nghiệp cấp ba thì qua Mỹ học Mỹ thuật. Thủ tục giấy tờ đã xong hết, tôi chỉ còn lo học thêm tiếng Anh để hai tháng nữa xuất cảnh thì xảy ra vụ khủng bố 11/9. Chế độ nhập cư ở Mỹ siết lại, tôi vào Sài Gòn, thi Mỹ thuật”.
Năm đầu thi, Nguyễn Quốc Dân trượt. Tài sản bà mẹ nghèo cho anh đi thi chỉ có 400 ngàn, ngày đầu vào TP.HCM, Dân dùng hơn 200 ngàn cho người lang thang, trẻ bán báo, ăn xin... Những ngày sau anh lăn lóc làm đủ thứ việc tay chân để kiếm miếng ăn.
Phí luyện thi môn Mỹ thuật cao, tiền ăn còn bữa đực bữa cái, Dân nghĩ ra cách xin làm mẫu vẽ cho các lớp luyện thi. Thế là một công đôi việc, chàng trai sinh năm 1984 vừa có tiền công để mua cơm, vừa được học luyện thi miễn phí. Làm mẫu vẽ, lại là mẫu nam là công việc tốn nhiều thể lực vì phải giữ nguyên một tư thế trong một thời gian dài, nhưng phần vì cùng đường, phần vì ỷ vào tuổi trẻ, liên tục nhiều ngày Dân đều đứng mẫu ba ca, sức chịu đựng “trâu bò” nổi tiếng cả khu trọ ôn thi khi ấy.
Trước ngày thi, trong khi Dân vẫn ngủ vùi vì không kiếm đâu ra tiền đóng phí, một cậu bạn cùng trọ đã khảng khái cho mượn. Nhưng kịch tính chưa dừng, đến hôm thi, Dân dắt mang tai đúng một nửa cái bút chì vào phòng báo danh. Giáo viên coi thi hỏi: đồ của trò đâu, cọ đâu, màu đâu? Cậu trò quê Quảng Nam thật thà khai: không mua nổi thầy ạ? Thầy lại hỏi: giờ tính sao? Dân bảo: thầy cho phép em đi xin màu các bạn. Thầy giáo thương tình giả đò đi ra hành lang để Dân tới lui trong phòng xin bạn này chút màu, bạn kia chút keo, có bạn còn hào phóng cho cả cọ. Cuối cùng khi các thí sinh đã nộp bài hết, Dân mới ra sức thổi tranh cho khô để kịp nộp.
Câu chuyện của “ba Dân”
Trong bữa cơm trưa ở Xưởng tái sinh có món cá biển kho ngon tuyệt, tôi có dịp chứng kiến một Nguyễn Quốc Dân khác.
Thoát vai một người sáng tạo không thỏa hiệp, anh trở thành “ba Dân” của một đàn chó giải cứu. Những con chó nuôi trong xưởng đều được anh mua lại từ lò mổ. Làm cùng Dân còn có hai thanh niên trẻ, một người từng là quản lý một quán cà phê, một người là quản lý khách sạn năm sao. Ba người đàn ông ngoài công việc chính là lần nữa đem lại đời sống mới cho những thứ đồ bỏ đi thì đều tự nhiên coi lũ chó như bạn của mình.
Nguyễn Quốc Dân cho biết, hiện anh có trong tay một bộ tác phẩm từ đồng (mà nguyên liệu được mua từ chính tiền mua đất làm nhà của hai vợ chồng) om mấy năm rồi nhưng chưa triển lãm vì chưa có không gian đủ hay. Đây cũng là một sự quyết liệt khác của Dân, những triển lãm trước của anh cũng đều diễn ra trong những không gian đặc biệt. Ví dụ triển lãm thứ 4 diễn ra ở một nơi đang giải phóng mặt bằng, và người hào phóng thuê mặt bằng ấy “tài trợ” cho anh chính là một người bạn già bán trà sữa bên hông Nhà hát TP.HCM.
Lần này Nguyễn Quốc Dân đỗ cao, là cái tên được chú ý ngay từ đầu vào. Đến ngày nhập học, anh lên phòng Hiệu trưởng xin bảo lưu kết quả vì chưa gom đủ tiền học. Thầy Hiệu trưởng nghĩ cách cho trò: cứ học lấy 0 điểm cũng được rồi sau xin bảo lưu vì nguyên tắc của bảo lưu là phải có điểm.
Dân nói rằng, anh muốn biến cái Xưởng tái sinh hiện giờ thành một Bảo tàng tái sinh cho những người cùng sở thích. Mỗi tháng Xưởng có thể sẽ làm một chuyên đề, ví như: tái sinh túi, tái sinh gỗ, tái sinh sắt v.v...
Suốt một năm sau đó, Dân thỉnh thoảng đến trường lấy 0 điểm, trở thành sinh viên cá biệt của toàn khóa. Một năm sau đi làm cật lực để gom đủ tiền quay lại trường, Nguyễn Quốc Dân hoàn toàn cởi bỏ vẻ cà lơ phất phơ.
“Tôi ở thư viện cả ngày, con nhà nghèo nên mê cái sạch sẽ mát mẻ của thư viện. Tôi nhận ra, nghiên cứu là việc rất quan trọng, quyết định trường nhìn của mình. Cứ từ thư viện ra là lao vào vẽ. Mấy năm đại học tôi không có thú vui nào khác, ngoài học thì là đi kiếm tiền”, anh kể.
Lối riêng
Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật năm 2009, năm 2011 Nguyễn Quốc Dân có triển lãm cá nhân đầu tiên ở TPHCM. Để chống tranh chép, anh mày mò ra một phong cách gọi là phi lập thể, đối lập với trường phái lập thể được khởi xướng từ Picasso. Cách vẽ này không dùng cọ, màu được nặn ra từ tuýp không tuân theo những quy tắc mảng miếng và hình khối, dùng những dây màu nằm cạnh nhau để tạo tương tác, va đập thị giác.
Liên tục trong mấy năm, anh làm bốn triển lãm phi lập thể. Về sau, phần vì muốn gần gũi chăm sóc mẹ, phần vì “không chấp nhận nhóm người, hay tổ chức nào định hướng” anh quay về Hội An.
“Ở Sài Gòn, cái đầu tôi mở ra, nhưng con tim thì đóng lại. Về Hội An, nó là chu trình ngược lại. Giờ tôi sáng tác rất tự do, không còn bị lệ thuộc vào thể loại, hay chất liệu. Khi dùng trái tim để nhìn, ta sẽ thấy thương mọi thứ hơn. Bất cứ thứ gì cũng có thể là chất liệu sáng tác”, anh chia sẻ.
HẠNH ĐỖ
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.63635230162602202-gnuhk-nad-auc-hnis-iat-meh/nv.zibefac