vĐồng tin tức tài chính 365

Trượt lớp 10 không phải là bế tắc!

2022-06-26 11:40

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP HCM cùng lãnh đạo nhiều trường THPT, GDTX, CĐ, trung cấp... đã cùng giải đáp thắc mắc cho học sinh, phụ huynh ngay khi có điểm thi lớp 10 tại chương trình giao lưu trực tuyến "Hướng đi sau THCS" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 25-6.

Cơ hội nào cho học sinh trượt lớp 10?

"Con tôi hy vọng đậu nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Nếu không đậu, cháu cũng không muốn học ở trường khác. Vậy tôi có nên khuyên con vẫn tiếp tục học ở trường tư thục nào đó hay học nghề?". "Sau khi biết điểm thi của con trai, mình rất lo lắng, không biết cháu sẽ được học vào trường nào nữa và điểm chuẩn các trường thế nào, con mình sẽ ra sao khi không đủ điểm chuẩn?"... Đó là những câu hỏi của nhiều phụ huynh gửi tới chương trình giao lưu trước thời điểm Sở GD-ĐT TP HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng đăng ký cho học sinh vào học trường công lập, tư thục hoặc học nghề là một lựa chọn rất quan trọng, phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp THPT được thiết kế nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nếu gia đình đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho con em thì việc học nghề ở giai đoạn sớm cũng rất tốt, phù hợp với những chủ trương, khuyến khích của Chính phủ trong việc phát triển nguồn nhân lực. Nếu hiện tại, kết quả thi tốt, đạt được nguyện vọng phù hợp vào trường THPT công lập mà học sinh chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp tương lai thì việc chọn học THPT là phù hợp.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cho biết phân luồng sau THCS là chủ trương chung của Chính phủ. Theo lộ trình, đến năm 2025, sẽ có 40% học sinh sau lớp 9 được phân luồng theo định hướng giáo dục nghề nghiệp.

 Trượt lớp 10 không phải là bế tắc!  - Ảnh 1.

Các khách mời trả lời câu hỏi trực tuyến tại buổi giao lưu sáng 25-6 tại tòa soạn Báo Người Lao Động Ảnh: TẤN THẠNH

Do đó, theo ông Nghĩa, không vào được lớp 10 công lập cũng không phải là việc đáng buồn, không phải là bế tắc cho học sinh. Các em sẽ có nhiều lối rẽ cho mình như: theo học tại các trường trung cấp hoặc CĐ có hệ đào tạo (9+5), theo học tại các trung tâm GDTX, trường trung cấp và trường CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Học sinh tốt nghiệp trung cấp có thể học tiếp lên CĐ và học liên thông lên bậc ĐH; nếu tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông thì có thể được xét tuyển trực tiếp vào các trường ĐH.

"Quy định xét tuyển và nhập học của các trường trung cấp hoặc CĐ có hệ (9+5) rất đơn giản. Học sinh có thể làm thủ tục đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc trực tiếp tại trường" - TS Nguyễn Đức Nghĩa thông tin.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, bày tỏ: "Tôi cũng là phụ huynh có con bằng tuổi con các phụ huynh tham dự chương trình này nên chia sẻ với lo lắng của họ. Thực tế, các cháu còn rất nhiều lựa chọn nếu không may không đủ điểm chuẩn vào các trường THPT công lập. Hiện nay, chương trình học tại các trung tâm GDTX hoàn toàn tương đồng với các trường phổ thông. Sau khi học tập 3 năm, các em có thể dự thi tốt nghiệp THPT như các bạn khác: thi chung đề, ngồi chung phòng thi và cấp bằng như nhau".

Ông Tưởng Nguyên Sự - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm - cho biết tại TP HCM, trường có 3 cơ sở ở TP Thủ Đức, quận Bình Tân và quận Gò Vấp. Học sinh có học lực trung bình và hạnh kiểm khá trở lên có thể nhập học trường này. Trường có hình thức học nội trú, bán trú và ngoại trú. Học phí nội trú khối 10 là 7.486.000 đồng/tháng, bán trú là 4.204.000 đồng/tháng, ngoại trú là 3.500.000 đồng/tháng.

Học nghề là một lựa chọn hay

Rất nhiều câu hỏi quan tâm đến nghề nghiệp và cơ hội việc làm nếu các em rẽ hướng sang trường nghề.

Một phụ huynh hỏi: "Nếu theo học nghề thì sau khi tốt nghiệp có việc làm không, vì thực trạng học sinh học trung cấp nghề thì khó có việc làm?". Một học sinh chia sẻ: "Em nghĩ học nghề sau THCS cũng là hướng đi tốt đối với những bạn sợ học văn hóa. Tuy nhiên, điều em lo ngại là học trung cấp xong thì có dễ xin việc, có bị lép vế so với những người tốt nghiệp ĐH, CĐ đang xếp hàng chờ xin việc hay không?"...

TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP HCM, cho rằng trong quá trình học trung cấp, nếu học nghiêm túc, thực hành, thực tập đầy đủ thì cơ hội việc làm rất cao (vì quá trình các em thực tập, trường đã kết nối với doanh nghiệp trong việc tuyển dụng sau tốt nghiệp). Học sinh cũng đừng lo ngại "bị lép vế", vì con người có 2 kỹ năng: kỹ năng tư duy tốt thì đi theo hướng hàn lâm, nghiên cứu; kỹ năng tâm vận tốt thì phát triển theo hướng nghề nghiệp. Trong quá trình đi làm, các em vẫn còn nhiều cơ hội học liên thông CĐ, ĐH và lên cao hơn nữa, quan trọng là ý chí của mình. Doanh nghiệp cần những người làm được việc (tức kỹ năng nghề nghiệp giỏi) chứ không phải đánh bóng với bằng cấp.

ThS Nguyễn Văn Minh Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, thông tin trường này là một trong những đơn vị tuyển sinh tốt nhất đối với học sinh đi theo hệ THCS lên CĐ trong thời gian 4 năm, với cả 5 khối ngành (khoa kinh tế, công nghệ thông tin, du lịch, kỹ thuật, ngoại ngữ). Nhà trường cam kết 100% học sinh sau khi ra trường sẽ có việc làm đối với tất cả chuyên ngành.

Hiện tại, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn có nhiều ưu điểm về chương trình kiến tập tại doanh nghiệp hằng năm cũng như chương trình thực tập có lương năm cuối tại nước ngoài dành cho tất cả học sinh đủ điều kiện ngoại ngữ. Theo đó, học sinh sẽ được đi thực tập từ 6 tháng đến 1 năm tại Singapore, Úc, Đan Mạch, Na Uy, Đài Loan (Trung Quốc)... Hiện trường đào tạo trực tiếp hoặc liên kết với các trung tâm GDTX trên địa bàn để đào tạo văn hóa kết hợp đào tạo nghề.

Không chỉ làm việc trong nước, cơ hội làm việc ở nước ngoài đối với học sinh học nghề ngày càng cao. Theo ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên kết đến các ngành thực phẩm ngày càng tăng. Đây là kết quả của sự bùng nổ những dịch vụ ăn uống từ bình dân đến cấp cao tại các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Bằng chứng dễ thấy là có cả ngàn học viên theo học nghề bếp tại Trường Trung cấp Việt Giao suốt nhiều năm qua.

"Trường có nhiều nhân sự nghề bếp Việt sau khi tốt nghiệp trong nước đã lựa chọn ra nước ngoài để phát triển sự nghiệp. Các mục tiêu họ hướng tới thường là những quốc gia phát triển về ngành bếp như Pháp, Úc, Singapore, Canada, Nhật Bản với giấc mơ nâng cao thu nhập, học hỏi kinh nghiệm và định cư lâu dài tại nước ngoài" - ThS Trần Phương nhấn mạnh.

Phúc khảo không phụ thuộc điểm chuẩn

Sở GD-ĐT TP HCM chỉ mới công bố điểm thi lớp 10 của học sinh. Điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 chuyên và tích hợp sẽ được công bố ngày 27-6, riêng điểm chuẩn lớp 10 thường công bố vào ngày 11-7.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, hiện cũng khó dự đoán điểm chuẩn của các lớp 10 chuyên và tích hợp cũng như của lớp 10 thường vì điều này còn phụ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên, cũng có thể dự đoán thứ tự điểm chuẩn cao thấp ở các trường THPT tốp đầu của TP HCM không thay đổi nhiều. Mức điểm chuẩn có thể thấp hơn so với năm 2021 (năm 2021, do dịch bệnh nên TP HCM không tổ chức được kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, chỉ xét tuyển theo điểm học bạ).

Theo ông Lê Duy Tân, khi muốn phúc khảo bài thi, thí sinh phải căn cứ vào kết quả làm bài của mình so với điểm bài thi được công bố. Nếu nhận thấy điểm thi chưa đúng thì thực hiện phúc khảo bài thi. Việc phúc khảo này hoàn toàn không phụ thuộc vào điểm chuẩn.

Doanh nghiệp "săn" nhân lực CĐ, trung cấp

TS Đỗ Thanh Vân cho biết theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm 85,5% tổng nhu cầu nhân lực với 126.472 chỗ làm, tập trung ở một số nhóm nghề như: kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; công nghệ thông tin; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; marketing; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; kế toán - kiểm toán... Trong đó, nhu cầu nhân lực đối với trình độ ĐH trở lên chiếm 20,49%, CĐ 19,12%, trung cấp 30,79%, sơ cấp 15,1%. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều học sinh, sinh viên CĐ, trung cấp sau tốt nghiệp.


Theo P.V

NLĐ

Xem thêm: nhc.53615720162602202-cat-eb-al-iahp-gnohk-01-pol-tourt/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trượt lớp 10 không phải là bế tắc!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools