Tờ DW của Đức nhận định, Việt Nam đã hầu như vượt qua đại dịch và muốn tiếp tục xây dựng câu chuyện thành công về kinh tế của mình.
Quốc gia hiếm hoi vẫn tăng trưởng trong đại dịch
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong đại dịch vào năm 2020. Nhiều ý kiến cho rằng điều này là do chính phủ có hành động sớm và nghiêm ngặt, đồng thời chiến lược Zero COVID trong giai đoạn đầu đã giữ cho số ca mắc thấp trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, vào mùa hè năm 2021, sự lây lan của biến thể Delta ở Việt Nam tăng cao, khiến các nhà máy của các công ty quốc tế như Samsung, Apple, Nike và Zara đã buộc phải đóng cửa trong nhiều tuần.
Trước tình hình này, Việt Nam đã quyết định thay đổi chiến lược của mình một cách thực tế, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng.
Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương của Đức, nói với DW rằng Việt Nam đã hành động tương đối nhanh chóng và điều đó cho thấy năng lực thích ứng của hệ thống Việt Nam.
Hiện tại, hầu hết các quy định hạn chế ở Việt Nam đã được dỡ bỏ.
Một số chỉ số kinh tế của các nước Đông Nam Á. Nguồn: DW/Ngân hàng phát triển châu Á.
Có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ chính sách chống dịch của mình. Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2022 và 6,7% vào năm 2023.
Nhiều công ty, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, đang chi rất nhiều tiền. Vào tháng 2, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc Samsung đã thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD (857 triệu Euro) vào Việt Nam.
Xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam
Tờ báo của Đức cũng nhận định, xu hướng chuyển dịch sản xuất công nghệ cao từ Trung Quốc sang Việt Nam đang tiếp tục.
Theo tạp chí thương mại điện tử Elektronik Praxis của Đức, các tập đoàn điện tử Trung Quốc như Luxshare Precision Industry, Goertek và nhà lắp ráp iPhone Đài Loan Pegatron, đang chuyển cơ sở sang Việt Nam.
Raphael Mok từ công ty tư vấn Fitch Solutions trả lời Reuters rằng, Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng. Müller từ Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương của Đức cho biết Việt Nam luôn "lọt vào tầm ngắm" của các công ty Đức.
Tỷ lệ nhập khẩu các mặt hàng công nghệ thiết yếu của châu Âu từ các nước thứ 3. Việt Nam đứng thứ 2. Nguồn: DW/Ủy ban châu Âu.
Tờ DW nhận định, chính sách kinh tế mở của Việt Nam trong những năm hội nhập gần đây vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã giúp thành công về tăng trưởng.
Tuy nhiên, mặt hạn chế là Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu thô và các sản phẩm linh kiện, một số bị thiếu hoặc chậm do đại dịch. Do đó, chuỗi cung ứng linh hoạt sẽ tiếp tục là chìa khóa cho sức mạnh kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam không áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại như Trung Quốc, hay Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump khiến Việt Nam trở thành một địa điểm "không thể thiếu đối với người Đức và cũng như từ quan điểm của châu Âu", tờ DW trích lời ông Müller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương của Đức
Ở góc độ này, Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, ông nói.
https://soha.vn/bao-duc-ca-ngoi-kha-nang-thich-ung-cua-viet-nam-du-bao-la-nuoc-ma-chau-au-khong-the-thieu-20220626001756253.htm