Qua sáu tháng đầu năm 2022, kinh tế TP.HCM có những tín hiệu tích cực nhưng TP đang đứng trước những thách thức lớn vừa riêng biệt vừa chịu ảnh hưởng chung với tình hình cả nước cần khẩn trương tháo gỡ, khắc phục. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá:
“Kinh tế TP.HCM đang phục hồi rất nhanh theo đúng kịch bản được đề ra từ đầu năm. Nhờ dự đoán và nắm bắt được tình hình, TP đã xây dựng sớm các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với trước dịch nhưng điều đáng mừng là đã bắt đầu tăng trưởng dương. Đặc biệt, một số ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành, bị âm liên tục trong khoảng sáu tháng đến cả năm bây giờ đang tăng trưởng dương. Thế mạnh của TP là trung tâm dịch vụ, trung tâm thương mại đang phát huy trở lại.
Năm nay TP cần thu ngân sách 386.000 tỉ đồng thì bây giờ đã thu được 239.000 tỉ đồng (đạt khoảng 62% dự toán). Đây là mức thu cao nhất trong nhiều năm.
Dự kiến hết năm nay mới phục hồi nhưng chỉ qua sáu tháng tất cả hoạt động đã phục hồi khá”.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM |
Hai trận bão liên tục
. Phóng viên: Ông có thể đánh giá tương quan giữa tình hình kinh tế TP.HCM với cả nước để thấy những thách thức tương đồng và đặc thù?
+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân (ảnh): TP.HCM có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, chiếm gần 20% GDP và chiếm khoảng 9% dân số cả nước. Vì vậy, sự dịch chuyển đi lên của TP khó khăn hơn các địa phương khác.
Tốc độ tăng trưởng của TP so với mặt bằng cả nước đang chậm hơn, do nguồn lực như đất đai không còn nhiều, chi phí thuê mặt bằng đắt hơn các địa phương khác.
Thách thức khác là mật độ dân cư quá đông, khối lượng công việc, số đầu việc của cán bộ, viên chức rất lớn nhưng biên chế nhân lực chưa có cơ chế thích hợp.
Cũng như nhiều địa phương, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của TP là đời sống người dân, đặc biệt người có thu nhập thấp, người yếu thế, đang đối mặt với khó khăn kép, như hai trận bão liên tục. Dịch COVID-19 kéo dài hai năm đã làm cạn kiệt nguồn thu nhập, nguồn tiết kiệm. Bây giờ thêm bão giá với tâm điểm là giá xăng dầu tăng cao đang tạo hiệu ứng domino.
.Theo ông, đâu là những giải pháp cấp bách cho thách thức mà TP đang đối mặt?
+ Cần có ngay những chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người dân. Theo tôi, TP hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội năm nay vì đây là tăng trưởng so với năm qua có tăng trưởng âm. Năm nay có tăng trưởng kinh tế khoảng 7% thì cũng chỉ là phục hồi.
Muốn lấy lại đà tăng trưởng như trước dịch, cần những bước đi thần tốc hơn, giải quyết những điểm nghẽn.
Kinh tế TP.HCM đang trên đà hồi phục. |
TP phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để thực hiện xã hội số và chính quyền số, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để huy động nhiều hơn nữa vốn của khu vực tư nhân. Khu vực này hiện chiếm trên 70% vốn đầu tư xã hội và trên 55% tăng trưởng kinh tế TP.
Đồng thời phải có thêm quỹ đất, những khu công nghiệp mới để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, TP cần tạo thêm quỹ đất để phát triển công nghệ cao, trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo với những sản phẩm mới phục vụ kinh tế số.
TP cần tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Trong đó, đặc biệt quan tâm các tuyến đường huyết mạch, hầm chui, đường kết nối với sân bay, cảng như Tân Cảng, Hiệp Phước. Trước mắt, tập trung giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh dự án đường vành đai 3 theo nghị quyết của Quốc hội mới thông qua.
Cần tạo điều kiện cho TP có thêm biên chế tương ứng.
Bảo lãnh cho doanh nghiệp không đủ điều kiện vay
. Vẫn là câu chuyện quen thuộc: Sự tạo điều kiện của trung ương với TP. Trong bối cảnh này, yếu tố đó cần được nhìn nhận thế nào?
+ Để có nguồn lực đầu tư công, trung ương cần tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại cho TP ngang bằng với Hà Nội. Đồng thời, TP cần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54, trong đó có vấn đề đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước, thoái vốn để lấy tiền đầu tư cơ sở hạ tầng.
TP cần cùng các bộ, ngành trung ương rà soát những công trình, dự án, nhà ở, nhà công vụ không còn sử dụng để bán đấu giá, giữ lại 50% tiền sử dụng đất, lấy nguồn ngân sách này đầu tư hạ tầng.
Dù có những tín hiệu tích cực nhưng nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Trong thời gian tới, cần tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho TP, từ đó xây dựng cơ chế đặc thù ưu việt hơn để phát triển thành một đô thị đặc biệt. Trong điều kiện chưa có Luật Đô thị đặc biệt, cần có nghị quyết mới của Quốc hội dành cho TP với cơ chế, chính sách thậm chí còn đặc thù hơn Khánh Hòa vừa rồi. Bởi vì TP là đô thị đông dân nhất Việt Nam và lồng ghép cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức.
Để xây dựng được trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại khu đô thị Thủ Thiêm, cần cơ chế thuận lợi để thu hút nhà đầu tư, tạo thêm những động lực mới.
Sớm đẩy nhanh công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch chung không gian đô thị, tạo điều kiện hình thành thêm một số TP vệ tinh, những đô thị mới từ huyện trở thành TP hoặc từ huyện trở thành quận.
. Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% trên toàn quốc. Là nơi tập trung nhiều DN nhất cả nước, TP nên có biện pháp gì để chương trình này hiệu quả hơn?
+ Đối với chương trình này, TP cần tổ chức các cầu nối trung gian để thúc đẩy sự gặp gỡ của DN với ngân hàng. Để tạo điều kiện cho DN tiếp cận gói hỗ trợ, phải có thêm các tổ, ban thông tin, hỗ trợ, tư vấn, giải quyết nhu cầu vay theo quy định.
. Những DN thực sự khó khăn do đại dịch rất khó được hỗ trợ lãi suất cho vay 2% do điều kiện khắt khe. Làm thế nào để TP nói riêng và cả nước nói chung hỗ trợ đúng các DN đang cần tiếp sức?
+ Đây là bài toán khó vì Chính phủ triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội hỗ trợ lãi suất cho những DN có đủ điều kiện vay vốn để phục hồi, phát triển và gói hỗ trợ chỉ có giá trị 40.000 tỉ đồng trong hai năm. Muốn được ngân hàng thương mại đồng ý cho vay, DN phải thỏa mãn các điều kiện theo đúng quy định.
Dù khó khăn nhưng các địa phương nên thành lập trở lại các quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa. Tổ chức này là đơn vị đứng ra bảo lãnh các DN thiếu điều kiện vay vốn nhưng cần vốn để phục hồi và phát triển. Vốn của tổ chức này được hình thành từ ngân sách nhà nước của từng địa phương, với sự phối hợp của hiệp hội ngân hàng, hiệp hội DN. Quỹ phải thẩm định chính xác phương án kinh doanh, khả năng phục hồi, đầu ra của DN, từ đó hạn chế rủi ro thấp nhất.
. Xin cám ơn ông.
Ngăn đà leo thang của mặt bằng giá
Từ đây đến cuối năm, bão giá chưa ảnh hưởng quá lớn đến tăng trưởng kinh tế, vì có độ trễ và các hợp đồng đã ký đang được thực hiện. Từ cuối năm nay và đầu năm sau, nền kinh tế bắt đầu chịu ảnh hưởng lớn. Chắc chắn một số hợp đồng, ngay cả giữa tư nhân với nhau, nhất là hợp đồng liên quan đến đầu tư xây dựng, những dự án đầu tư công lớn, sẽ phải thương thảo điều chỉnh đơn giá.
Bộ Tài chính cần kiến nghị ngay với Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng.
Nếu chúng ta giải quyết chậm thì giá xăng tiếp tục leo thang, làm cho mặt bằng hàng hóa khác lên theo. Ngay khi giá xăng xuống thì mặt bằng giá hàng hóa đã được thiết lập không xuống nữa. Với mặt bằng giá mới này, phải tăng chi ngân sách, thậm chí phải điều chỉnh tiền lương, kéo theo nhiều khó khăn. Phương pháp kìm giá là giá vừa nhú lên phải lập tức kéo xuống.
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN