Theo thông tin từ Báo Tin tức, Chuyên gia tư vấn Henrik Bork tại Asia Waypoint mới đây cho biết các tập đoàn điện tử của Trung Quốc như Luxshare Precision Industry, Goertek và nhà lắp ráp iPhone Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc) đang chuyển cơ sở sang Việt Nam.
Trong khi đó, tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản đầu tháng 6 cho biết Apple đang dịch chuyển hoạt động sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc, hướng đến Việt Nam.
Đài DW của Đức đưa tin các công ty, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, đang đầu tư rất lớn vào Việt Nam. Tháng 2, tập đoàn điện tử Samsung hàng đầu của Hàn Quốc thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam.
Theo nhiều đánh giá, các công ty toàn cầu như Apple đang chuyển hoạt động sản xuất đến Việt Nam chủ yếu do lương nhân công ở Trung Quốc cao và cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam được đánh giá sẽ có vai trò quan trọng trong mục tiêu chính sách này. Ngoài ra, Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ trên bình quân đầu người lớn hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới và ngành sản xuất có tính cạnh tranh. Việt Nam cũng có hệ thống đường biển dễ dàng cho việc xuất khẩu, yếu tố khiến nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) và châu Á ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Theo chuyên gia Raphael Mok tại công ty tư vấn Fitch Solutions, Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, trong bài viết xuất bản vào cuối tháng 5 vừa qua, đài DW của Đức nhận xét có một xu hướng chuyển dịch sản xuất công nghệ cao từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo DW, ông Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của Đức cho biết Việt Nam luôn là điểm đến hứa hẹn đối với các công ty Đức.
Vốn FDI vào Việt Nam có thể đạt 40 tỷ USD trong năm 2022
Theo Kinh tế đô thị, mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc, và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5 - 7% từ năm 2023.
Phần lớn nhà đầu tư nước ngoài nhận định Việt Nam là thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) hấp dẫn năm 2022 và những năm tiếp theo. Nhiều Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực RCEP, đã có hiệu lực, mang lại lợi thế thương mại cho Việt Nam và kích thích đầu tư, bao gồm cả FDI vào Việt Nam.
Các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng theo chất lượng quốc tế. Theo Bộ KH&ĐT, hiện nay, cả nước có 335 KCN với tổng diện tích hơn 100.000ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường để thu hút các dòng vốn ngoại tệ mạnh từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu (EU)...
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, với những tín hiệu tích cực từ những tháng đầu năm cùng với sự lạc quan, tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư FDI, có thể kỳ vọng vào bức tranh thu hút vốn ngoại khởi sắc trong thời gian tới... Do vậy, năm 2022, Việt Nam có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21 - 22 tỷ USD vốn thực hiện như mục tiêu đề ra.
Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư
Nghị quyết 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị đề ra các mục tiêu thu hút FDI trong giai đoạn 2021 - 2025 với số vốn đăng ký 150 - 200 tỷ USD, vốn thực hiện 100 - 150 tỷ USD; tương ứng giai đoạn 2026 - 2030 là 200 - 300 tỷ USD và 150 - 200 tỷ USD.
Về chất lượng, tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao phấn đấu tăng 50%, tỷ trọng lao động qua đào tạo tăng 70%, tỷ lệ nội địa hóa tăng 30% vào năm 2025 và tăng tương ứng 100%; 80% và 40% vào năm 2030 (so với 2018). Bên cạnh đó, chủ trương thu hút FDI vào kinh tế xanh cũng như quá trình chuyển giao công nghệ xanh (tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh).
GS Nguyễn Mại cho rằng, mục tiêu về số lượng đặt ra tại Nghị quyết là hoàn toàn có thể thực hiện được trên cơ sở Việt Nam có thể chế chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định với thị trường gần 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hơn thế, Việt Nam đang có nhiều điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí dịch chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam theo hướng giảm số lượng, tăng về chất lượng, loại bỏ dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng bắt đầu phát huy tác dụng. Dù vậy, để nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng FDI, Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài kiến nghị cần có sự đổi mới nhận thức và thống nhất hành động.
Hơn nữa, các cơ quan hữu quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát về đầu tư đồng thời có chính sách hỗ trợ DN nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn và sớm ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài. Chỉ đạo các cơ quan Nhà nước từ T.Ư đến địa phương thực hiện nghiêm chỉnh trong quá trình thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đưa ra đề xuất liên quan đến việc tạo hành lang pháp lý cụ thể để nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài trở thành công ty đại chúng và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước…
Hương Anh (tổng hợp)