Tiểu thương Sài Gòn "hóm hỉnh" thời xăng tăng giá!
Tấm ảnh chụp bức tường kèm dòng chữ viết bằng bút tẩy trắng: "Vì giá xăng tăng nên giá điện nước (đồ điện nước) giảm để đảm bảo cân bằng tài chính cho bà con. Vui lên, đừng sợ bà con ơi! Chúc nhiều nụ cười", của một cửa hàng bán đồ điện nước trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) khiến những người đi đường cảm thấy thích thú.
Giữa thời giá cả tăng cao, xăng dầu liên tục leo thang, dòng chữ nhỏ của cửa hàng như một liều thuốc tinh thần cực mạnh giúp người dân bớt căng thẳng sau những giờ vất vả mưu sinh. Theo chú Huỳnh Nhã (chủ cửa hàng điện nước) cho biết, những dòng chữ ghi trên tường là của một người bạn thân của chú với mục đích giúp bà con ai đọc được sẽ thấy vui hơn. Riêng về cửa hàng cũng sẽ giảm cho khách một chút ít, ví dụ các bóng đèn giá 85.000 đồng thì chú chỉ lấy 80.000 đồng để bà con phấn khởi.
Dòng chữ khiến ai nấy đều xuýt xoa cho sự dễ thương của tiểu thương ở Sài Gòn
Trong khi đó, trước sự tăng không ngừng nghỉ của giá xăng từ đầu năm 2022 đến nay, vật giá của nhiều mặt hàng có liên quan cũng bị đẩy lên không ít khiến nhiều hộ kinh doanh rơi vào cảnh "dở khóc dở cười". Tuy nhiên, tấm bảng xin tăng giá của một chủ quán cơm bình dân ở Sài Gòn lại khiến không ít người thích thú bởi sự dễ thương của ông chủ.
"Do giá vàng và xăng tăng quá xá, từ ngày 14/3, xin phép tăng lên 22.000 đồng/phần", với anh Nguyễn Hoài Bảo (chủ quán cơm tại phường 4, quận 8), việc tăng giá bán khiến anh đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Hơn 4 năm đưa vào hoạt động, quán cơm nhỏ nằm đối diện mặt sau của trường Đại học Công nghệ Sài Gòn của anh Bảo đã trở thành điểm đến quen thuộc cho rất nhiều bạn sinh viên. Ngoài việc giá cả rẻ, hợp lý, món ăn đa dạng, nhiều bạn tìm đến quán anh Bảo một phần vì sự dễ thương, vui tính của ông chủ quán và các bạn nhân viên.
Ông chủ quán cơm hi vọng giá xăng sẽ mau giảm xuống để người dân bớt khổ
"Anh bán ở đây đã 4 năm rồi với giá bán không đổi là 20.000 đồng/phần. Lúc xăng lên đến 29.000 đồng, vì khó quá anh mới xin tăng thêm 2.000 đồng, giờ xăng đã hơn 33.000 đồng rồi, không biết khi nào mới xuống nữa. Anh tự nhủ là xăng chưa đến 40.000 đồng, anh nhất quyết không tăng thêm. Mà hông ai mong xăng cao như vậy đâu", anh Bảo cười vui vẻ nói.
Sài Gòn "miễn phí", lan tỏa yêu thương!
Tấm bảng hiệu dễ thương trước tiệm "Sửa xe ngày và đêm: Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá. Tự bơm miễn phí, gọi đừng ngại" của chú Võ Thanh Vinh (60 tuổi) khiến ai đi ngang đều thấy ấm lòng.
Tấm bảng nhỏ trong tiệm sửa xe 4m2 ở đường Âu Cơ (quận Tân Phú) của chú Vinh
Nhiều năm sống ở Sài Gòn, đặc biệt là trải qua cơn đại dịch Covid-19, hơn ai hết chú Vinh hiểu được sự yêu thương mà người Sài Gòn dành cho nhau. Mặc dù có tật ở chân, đi đứng không thuận lợi nhưng nhờ có Sài Gòn cưu mang, chú Vinh vẫn sống và nuôi được gia đình từ công việc sửa xe.
Khoảng 3 năm trước, khi chứng kiến nhiều người bị hư xe nhưng quên không mang tiền hoặc số tiền để sửa xe nhiều quá, không đủ để chi trả, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên, chú Vinh liền nảy ra ý tưởng để một tấm bảng trước tiệm: "Tìm bạn không dính vào tiền. Cho vay mất bạn, cho nợ mất khách. Đòi suốt thì ngại, để lâu thì quên. Vui lòng không nợ, không tiền cũng vá. Đừng ngại".
Dòng chữ nhỏ mang ý nghĩa rất lớn mà chú Vinh mang lại cho mọi người!
Thoắt cái đã hơn 3 năm, tấm bảng dễ thương của chú Vinh vẫn ở đó, dù cho nhiều lúc khó khăn nhưng chú vẫn quyết tâm làm một điều nho nhỏ để hỗ trợ mọi người.
"Giờ giá xăng dầu tăng quá xá, nghĩ cũng cực cho mọi người, chú cũng gặp khó khăn nhiều lắm chứ, nhưng mà chú nghĩ vẫn còn trụ được. Đặc biệt đợt dịch vừa rồi, chủ nhà trọ cũng hỗ trợ, mấy năm rồi cũng không có tăng giá nên thấy giúp được ai là chú giúp. Nhiều người dắt xe đi bộ vì không có tiền, chú mới để bảng "đừng ngại" để tỏ ý giúp đỡ mọi người. Ban ngày hay tối, bất kể nửa đêm cũng được, ai hư xe giữa đường, gọi cho chú, chú đều dậy để sửa. Ở đây bơm hơi miễn phí, có nhiêu tiền đâu...", chú Vinh cười hiền hậu.
Chú Vinh cho biết việc hỗ trợ mọi người cũng khiến chú vui vẻ hơn rất nhiều
"Không tiền cũng vá - Đừng ngại"
Mặc bộ đồ lấm lem, chú Vinh đưa tay quệt mồ hôi rồi cặm cụi vá lại bánh xe cho khách. Dù cuộc sống không mấy khá giả nhưng lúc nào chú Vinh cũng lạc quan, nhìn cuộc sống bằng đôi mắt tích cực.
"Chú để bảng có tiền cũng vá, không tiền cũng vá nên có nhiều người không mang tiền tới vá, mấy hôm sau họ quay lại trả tiền, còn tặng thêm chú ít bánh trái để cảm ơn nữa. Nói chứ ở Sài Gòn, mọi người tốt lắm, có gì cũng giúp nhau, ai cũng vui vẻ, không nề hà khó khăn hay gì đâu", chú Vinh cười sảng khoái.
Có lẽ không chỉ một mình chú Vinh tới tấm bảng dễ thương, ở mọi ngõ ngách tại Sài Gòn, không khó để chúng ta bắt gặp những dòng chữ "miễn phí". Nào là trà đá vỉa hè, tủ bánh mì 0 đồng, cơm từ thiện cho đến cắt tóc, vá xe miễn phí..., đâu đâu cũng lan tỏa thông điệp yêu thương mà người Sài Gòn dành cho nhau.
Ở khắp các con hẻm, đường phố Sài Gòn, những tấm bảng miễn phí khiến ai nấy đều ấm lòng...
Những ngày cuối tháng 6, dẫu cho ông trời có nắng mưa bất chợt, giá xăng nguyên vật liệu thì cứ tăng đều, người Sài Gòn vẫn luôn biết cách nhường nhịn, giúp đỡ nhau. Dù chỉ đơn giản là một dòng chữ viết nguệch ngoạc hay một câu nói bông đùa "Cố lên nha" cũng đủ khiến cho những ai đã và đang sống ở Sài Gòn phải mỉm cười, bước tiếp.
Cảm ơn Sài Gòn, từ những điều nho nhỏ nhưng lại dễ thương quá đỗi!
https://kenh14.vn/trong-bao-lam-phat-sai-gon-van-de-thuong-qua-doi-nguoi-bom-va-xe-mien-phi-nguoi-giam-gia-dien-nuoc-cho-khach-20220623161200588.chn
Theo Văn Tiên
Trí thức trẻ