Hôm nay, thời gian ân hạn 30 ngày dành cho Nga để trả 100 triệu USD lãi trái phiếu, thanh toán bằng euro và USD, đã chấm dứt. Trên WSJ, các trái chủ nói rằng họ vẫn chưa nhận được số tiền này.
Vì vậy, Bloomberg cho rằng Nga đã vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1918. Nguyên nhân là lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các kênh thanh toán của họ cho chủ nợ nước ngoài bị chặn lại.
Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ chặn hoàn toàn khả năng Nga trả nợ nước ngoài thông qua các ngân hàng Mỹ. Đáp trả, Bộ Tài chính Nga cho biết sẽ trả bằng ruble và đưa ra "lựa chọn chuyển đổi sang ngoại tệ tương ứng".
Để biết một quốc gia có vỡ nợ hay không, nhà đầu tư có thể theo dõi quyết định của tòa án, hoặc xếp hạng của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến các hãng đánh giá tín dụng không thể xếp hạng Nga.
Theo điều khoản của các lô trái phiếu Nga nói trên, cách chính thức để tuyên bố vỡ nợ là từ 25% số trái chủ trở lên cho biết họ không nhận được tiền và đồng ý coi là vỡ nợ. Khi việc này xảy ra, các điều khoản cho phép gắn mác vỡ nợ với tất cả trái phiếu nước ngoài khác của Nga. Trái chủ khi đó có thể nhờ đến tòa án để đòi thanh toán.
Trong trường hợp thông thường, nhà đầu tư và chính phủ các nước phát hành trái phiếu sẽ đàm phán với nhau. Trái chủ thường được nhận trái phiếu mới, có giá trị thấp hơn, nhưng ít nhất cũng giúp họ được bù lại phần nào.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang cấm người dân, doanh nghiệp giao dịch với Bộ Tài chính Nga. Không ai biết liệu chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ chấm dứt khi nào và bao nhiêu trái phiếu bị lỡ hạn thanh toán.
Trong trường hợp này, Jay S. Auslander - luật sư nợ chính phủ tại hãng luật Wilk Auslander (Mỹ) cho rằng tuyên bố vỡ nợ và kiện tụng "có thể không phải là lựa chọn thông minh". Việc đàm phán với Nga hiện tại là bất khả thi. Và vì có quá nhiều yếu tố chưa rõ ràng, các chủ nợ có thể chọn cách "chờ đợi và quan sát".
Takahide Kiuchi - nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) cũng đồng ý với quan điểm này. Nhà đầu tư chưa cần hành động ngay lập tức và có thể chọn quan sát tình hình, kỳ vọng chiến sự hạ nhiệt.
Những nhà đầu tư muốn thoát khỏi nợ Nga có thể đã bán ra rồi. Những người mua vào với giá thấp thì đang kỳ vọng hưởng lợi trong dài hạn. Vì vậy, có thể họ sẽ im hơi lặng tiếng để tránh liên quan đến chiến sự.
Khi một quốc gia bị coi là vỡ nợ, họ có thể bị chặn tiếp cận với thị trường trái phiếu quốc tế cho đến khi việc này được giải quyết và nhà đầu tư lấy lại niềm tin vào khả năng chi trả của chính phủ đó. Tuy nhiên, vì Nga đang không thể tiếp cận thị trường vốn phương Tây, việc quay lại cũng sẽ rất xa vời.
Điện Kremlin vẫn có thể vay ruble tại quê nhà. Các ngân hàng Nga sẽ mua trái phiếu của chính phủ. Tim Ash – nhà phân tích thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management cũng nói rằng việc vỡ nợ "rõ ràng không nằm ngoài" khả năng kiểm soát của Nga.
Vài tháng qua, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến nhiều công ty nước ngoài rời Nga, gây gián đoạn hoạt động thương mại và tài chính của nước này với thế giới. Nếu vỡ nợ, quá trình cô lập và gián đoạn này sẽ càng rõ rệt.
Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng nếu vỡ nợ, tác động từ sự việc lần này lên toàn cầu sẽ không lớn như năm 1998. Khi đó, việc Nga vỡ nợ trái phiếu phát hành bằng ruble khiến chính phủ Mỹ phải vào cuộc, giải cứu Long-Term Capital Management – một quỹ đầu tư lớn của Mỹ. Nếu quỹ này sụp đổ, tác động của nó lên hệ thống tài chính – ngân hàng sẽ rất lớn.
Lần này, thiệt hại chủ yếu sẽ chỉ rơi vào các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi. Và dù chiến sự tại Ukraine gây tác động lớn đến giá năng lượng và lương thực toàn cầu, việc Nga vỡ nợ trái phiếu chính phủ "chắc chắn không gây ra thiệt hại hệ thống", Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết.
Nga thì khẳng định tình trạng vỡ nợ nào cũng chỉ là "giả" vì họ có đủ tiền để trả nợ, nhưng bị đóng băng dự trữ ở nước ngoài. "Chúng tôi đủ tiền và cũng sẵn sàng trả", Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tháng trước khẳng định, "Tình trạng đó là do quốc gia không thân thiện tạo ra và không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người Nga".
Hà Thu (theo AP, Bloomberg)