Chưa kể, các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác đang mạnh dạn “rót tiền” vào thị trường Việt Nam. Như mới đây, báo chí Việt Nam đưa tin về việc đại tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam - sau khi rút lui khỏi thị trường của Vương quốc Anh.
Trong khi Đông Nam Á nới lỏng các hạn chế đối với dịch bệnh, Trung Quốc đang tiếp tục đối phó với những cơn bùng phát Omicron ở nhiều thành phố lớn, thì trên truyền thông của quốc gia tỷ dân cũng đang dấy lên làn sóng tranh luận gay gắt.
Người ta đặt vấn đề về việc liệu các đơn đặt có tiếp tục chảy ra khỏi Trung Quốc hay không. Và liệu Trung Quốc có cảm thấy tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đang treo lơ lửng trên đầu hay không, khi ngành sản xuất của thế giới có thể ngừng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu là Trung Quốc và chuyển sang các thị trường thay thế khác tại Đông Nam Á, như Việt Nam chẳng hạn.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bùng nổ vào năm 2018, đã trở thành “chất xúc tác” thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng chuyển giao chuỗi công nghiệp lần thứ tư. Trong đó các quốc gia như Việt Nam và Mexico nổi lên như những “bến đỗ” lý tưởng cho các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến.
Ví dụ, từ năm 2019 đến 2021, tập đoàn Apple đã giảm số lượng nhà máy sản xuất của mình ở Trung Quốc đại lục từ 48% xuống 42%. Phần lớn các nhà máy bị cắt giảm này đã được chuyển sang Việt Nam.
Liệu sẽ có một cuộc đổi ngôi từ "Made in China" thành "Made in Vietnam"? - Ảnh: CNBC |
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cũng tăng trưởng không ngừng kể từ năm 2018 với thặng dư thương mại tăng từ 63 tỷ USD năm 2020 lên 81 tỷ USD năm 2021, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, theo hãng tin Reuters.
Trong tương lai gần, Việt Nam được cho là có cơ hội tiếp tục trở thành thị trường đầy hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, và là điểm đến lý tưởng để đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguyễn Thuận
Xem thêm: lmth.3986641a-ioig-eht-auc-iom-gnoux-gnoc-hnaht-ort-es-man-teiv/nv.moc.enilnounuhp.www