Tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều người dân không muốn tiêm trong khi các chuyên gia khuyến cáo người dân vẫn nên tiêm.
Tại cuộc họp trực tuyến với 20 địa phương phía Nam vừa diễn ra cuối tuần trước, Bộ Y tế cho biết đến nay còn 12 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm chủng mũi 3 đạt thấp (dưới 50%), gồm: Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Nguồn: Bộ y tế - Đồ họa: N.KH.
TP.HCM: mới hơn 275.000 người tiêm mũi 4
Mũi 3 còn chậm nói gì đến mũi 4, nên đến ngày 23-6, theo Bộ Y tế, vẫn còn trên 20 triệu liều vắc xin Moderna và Pfizer chưa cấp phát cho các tỉnh thành.
Trong khi đó, nhiều người dân giờ không mặn mà. Bà N.T.N. (66 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết dù thuộc đối tượng tiêm mũi 4 nhưng bà chưa muốn tiêm.
Theo bà N., thời gian gần đây bạn bè, họ hàng, con cháu bà đều không có ai mắc COVID-19 sau khi đã mắc một loạt vào 4 tháng trước đó.
Theo bà N., mỗi lần tiêm vắc xin COVID-19 người bà thấy mệt, cộng thêm với tình hình dịch khá yên ổn như hiện nay nên bà nghe ngóng thêm trước khi quyết định tiêm mũi 4 hay không.
Tương tự, ông P.T.Đ. (72 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng quyết định chưa tiêm. Theo ông, bệnh đã miễn dịch trong cộng đồng, nếu lỡ có mắc bệnh COVID-19 dường như đã nhẹ hơn trước đây, nhiều người mắc COVID-19 như cảm cúm. Gần đây ông cũng không thấy người quen nào của ông bị bệnh nên ông không muốn tiêm mũi 4.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến trưa 25-6, toàn TP.HCM mới có 275.440 người được tiêm mũi 4. Trong khi theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM, riêng nhóm từ 50 tuổi trở lên dự kiến số lượng là 1.873.428 người, do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cập nhật đến ngày 13-5. Đây là nhóm có chỉ định tiêm mũi 4.
Như vậy mới chỉ có một số ít người đi tiêm mũi 4, còn rất nhiều người thuộc nhóm được tiêm mũi 4 nhưng chưa hoặc không muốn tiêm.
Mới đây khi đoàn của Sở Y tế thành phố đến phường 7, quận 8 để kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh của phường, bà Cấn Thị Thư Vi, trưởng Trạm y tế phường 7, cho biết trong phường 7, quận 8 có 8.795 người trên 50 tuổi thuộc đối tượng được tiêm mũi 4, nhưng mới chỉ có 260 người đi tiêm, hơn 8.500 người còn lại chưa muốn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo trạm y tế phường cho biết nhiều người dân không muốn tiêm mũi 4 vì những lý do như sợ phản ứng sau khi tiêm, sợ tác dụng phụ của vắc xin, thấy bệnh COVID-19 nhẹ hơn trước đây hoặc thấy dịch đã giảm bớt. Sắp tới phường sẽ tăng cường tuyên truyền lợi ích của việc tiêm mũi 4 đến người dân.
Người dân tiêm vắc xin mũi 3 tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Còn tồn hơn 20 triệu liều vắc xin
Tính đến ngày 23-6, theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam đã nhập về trên 250 triệu liều vắc xin và đã sử dụng/phân bổ xấp xỉ 230 triệu liều, tại các kho lưu trữ đang còn trên 20 triệu liều vắc xin (chủ yếu là Pfizer và Moderna).
Số vắc xin này đều còn hạn sử dụng từ tháng 7 đến tháng 10-2022. Một chuyên gia cho biết hiện Việt Nam đã dùng sắp hết số vắc xin đặt mua, số còn lại đều là vắc xin được viện trợ.
Tuy nhiên việc đẩy nhanh tiêm chủng những ngày qua dẫn đến những ý kiến băn khoăn: Có cần phải tiêm bổ sung hay không vì dịch đã vãn? Chưa kể có ý kiến băn khoăn khi chưa công bố được tình trạng miễn dịch với COVID-19 hiện nay ở người đã tiêm, miễn dịch này đã suy giảm hay chưa và đã cần thiết tiêm bổ sung hay chưa thì... chưa nên tiêm.
Đại diện chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia chia sẻ với Tuổi Trẻ hiện hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tiêm mũi 3, các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương lân cận chúng ta (Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines) đều tiêm mũi 4 cho đối tượng nguy cơ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
"Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ về tiêm mũi 4 và đang nỗ lực tiêm nhắc mũi 3 và mũi 4, tiến độ tiêm những ngày gần đây đã tốt hơn, có ngày đã tiêm trên 1 triệu mũi. Điều mong muốn nhất của chúng tôi là người dân ủng hộ. Một số tỉnh thành như Thái Nguyên, Thanh Hóa... nỗ lực tiêm cả buổi tối, nhưng người dân có đồng thuận thì hiệu quả mới tốt", vị này nói.
Đại diện chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng chia sẻ WHO đang phối hợp với Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ tiến hành đánh giá mức độ đáp ứng miễn dịch hiện nay ở người dân, mức độ suy giảm theo thời gian sau tiêm.
Vị đại diện này nói thêm hiện còn 12 tỉnh thành tiêm mũi 3 dưới 50% là rất chậm bởi cả nước tỉ lệ này đã đạt 65% mũi 4 mới tiêm. Tuy nhiên, vắc xin hiện đang bảo quản tại các kho là vắc xin sử dụng trong tiêm mũi 3 và mũi 4, do vừa qua tiêm mũi 3 rất chậm mới còn vắc xin, không phải vì thừa vắc xin mà đẩy mạnh tiêm chủng.
"Việc tiêm bổ sung là khuyến cáo chính thức của WHO. Việt Nam đã thành công mũi cơ bản và nay triển khai mũi nhắc lại. Với số lượng vắc xin hiện còn, nếu ước lượng sử dụng cho cả mũi 4 và các nhóm có chỉ định thì cần phải cung ứng thêm, trong số này còn 15 - 17 triệu liều vắc xin riêng mũi 3 và mũi 3 hiện chưa tiêm xong, không phải thừa vắc xin", vị này nhắc lại.
Người dân tiêm vắc xin mũi 3 tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM đã tiêm 21,2 triệu mũi vắc xin
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến trưa 25-6, tổng số mũi vắc xin đã tiêm trong toàn TP.HCM là trên 21.286.000 mũi (bao gồm 8.479.330 mũi 1, 7.538.220 mũi 2, 684.880 mũi bổ sung, 4.308.140 mũi nhắc lần 1, 275.440 mũi nhắc lần 2).
Trong đó, người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm được 19.363.180 mũi (bao gồm 7.399.390 mũi 1, 6.695.330 mũi 2, 684.880 mũi bổ sung, 4.308.140 mũi nhắc lần 1, 275.440 mũi nhắc lần 2).
Trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm được 1.445.920 mũi (bao gồm 742.140 mũi 1 và 703.780 mũi 2). Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm được gần 476.900 mũi (bao gồm trên 337.790 mũi 1 và trên 139.100 mũi 2).
Tiêm chậm vì sao?
Tại cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh thành phía Nam cuối tuần trước, các chuyên gia tiêm chủng và địa phương cho rằng sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức thấp, nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết... là nguyên nhân chính dẫn đến tiêm chậm.
Ngoài ra thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân không đồng ý tiêm mũi nhắc lại. Có nhà máy ở Đồng Nai có đến hơn 30.000 người lao động (thuộc nhóm có chỉ định tiêm mũi 4), nhưng qua vận động, tổ chức 5 - 6 bàn tiêm trực tiếp tại nhà máy chỉ có 480 người tiêm mũi 3.
Bộ Y tế đang triển khai nhiều biện pháp tích cực, trong đó có cả điều chuyển vắc xin đến các tỉnh tiến độ tiêm nhanh hơn để sớm phủ mũi 3.
Nhiều nước hối thúc mũi 4, nhưng tỉ lệ tiêm thấp
Thái Lan muốn đạt mục tiêu 60% người dân đã tiêm ít nhất 1 liều bổ sung - Ảnh: Reuters
Nhiều nước thúc đẩy tiêm tăng cường vắc xin ngừa COVID-19, tổ chức cả những điểm tiêm không cần đăng ký trước.
Giữa tháng 6-2022, Bộ Y tế Thái Lan thông qua việc tiêm liều tăng cường (mũi 4) vắc xin ngừa COVID-19 mỗi 4 tháng cho những người đã tiêm liều thứ 3.
Báo Bangkok Post dẫn lời Cục kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan cho rằng quyết định dựa vào dữ liệu cho thấy miễn dịch suy giảm sau khi tiêm ngừa 3 - 4 tháng. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm mũi 3 và 4 tại Thái Lan vẫn thấp hơn mức kỳ vọng, mới 42,3% tiêm liều thứ 3 và các liều bổ sung.
Để thực hiện mục tiêu tiêm bổ sung cho ít nhất 16 triệu người, Thái Lan đã bắt đầu chuyển khoảng 16,8 triệu liều vắc xin của Sinovac, AstraZeneca và Pfizer đến các bệnh viện, cơ sở y tế cấp tỉnh và sau đó là cấp huyện để triển khai tiêm ngừa không cần đăng ký trước, hoặc tiêm tại các nhà máy.
Tương tự, Singapore mới đây cũng hối thúc nhóm người cao tuổi tiêm liều tăng cường trước nguy cơ các biến thể mới xuất hiện. "Có sự khác biệt giữa không tiêm, tiêm 1, 2, 3 liều. Vì vậy đừng chần chừ nữa, hãy đi tiêm", Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nói trên mạng TikTok. Đến nay khoảng 77% dân số Singapore đã tiêm liều tăng cường. Người dân có thể đến các trung tâm để tiêm ngừa mà không cần đăng ký trước.
Brunei cũng bắt đầu tiêm mũi 4 cho người có nguy cơ triệu chứng nặng từ 15-6. Liều này không bắt buộc và phải tiêm cách liều tăng cường thứ nhất 5 tháng.
Giới chức Philippines tuần qua cũng yêu cầu chính phủ mở rộng tiêm liều 4 để phủ sóng miễn dịch toàn dân.
TRẦN PHƯƠNG
Cần Thơ tổ chức tuần lễ tiêm chủng, Bạc Liêu "đi từng ngõ, gõ từng nhà"
Tính đến nay Cần Thơ đã tiêm chủng được trên 3 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Riêng kết quả tiêm chủng mũi 3 còn khá thấp, chỉ đạt 43,5%, mũi 4 mới có 31.480 người đã tiêm. Với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 chỉ đạt 72,5%, mũi 2 chỉ mới đạt 10%.
Tại tỉnh Bạc Liêu, theo báo cáo của Sở Y tế, tính tới ngày 26-6, tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3 đối với người trên 18 tuổi mới đạt 49,6%, mũi 4 chỉ khoảng 9%.
Còn An Giang được phân bổ trên 5,2 triệu liều vắc xin, hiện còn 104.556 liều đang tồn ở các điểm tiêm, trong số này đã có nhiều loại vắc xin hết hạn sử dụng. Đặc biệt An Giang có 151.874 người đã rời địa phương và không đồng ý tiêm mũi 3, 4.
Để đạt mục tiêu tiêm chủng mũi 3, 4 theo yêu cầu đề ra, Cần Thơ tăng cường truyền thông. Đặc biệt đảm bảo 100% nhân viên y tế; cán bộ, đảng viên, nhân viên các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu chế xuất và khu công nghiệp, giáo viên... tiêm mũi 4.
Ông Nguyễn Thực Hiện, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo các địa phương tổ chức "Tuần lễ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19", tổ chức các đội tiêm đến tận ấp, khu vực.
Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng chỉ đạo "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng. Địa phương, đơn vị nào chậm trễ, để dịch bệnh bùng phát thì bí thư - trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố đó phải chịu trách nhiệm.
T.LŨY - C.QUỐC - B.ĐẤU
TTO - UBND TP.HCM giao Sở Thông tin và truyền thông khẩn trương phối hợp công ty viễn thông chủ động nhắn tin cho từng người dân đến các điểm tiêm đã được ngành y tế công khai để được tiêm nhắc lại nếu đủ điều kiện.
Xem thêm: mth.57153038072602202-91-divoc-nix-cav-auht-iv-iahp-gnohk-gnuhc-meit-gnat/nv.ertiout