Hàng trăm chiếc xe ô tô xếp hàng dài ở mỗi trạm xăng đã trở thành cảnh tượng quen thuộc tại Nigieria trong những ngày gần đây, bất chấp thực tế rằng Nigeria là thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC với trữ lượng dầu thô lên tới 37 tỷ thùng.
"Tôi phải xếp hàng 8 giờ đồng hồ để có xăng và sau khi sử dụng hết xăng tôi lại phải xếp hàng chờ đợi trong một khoảng thời gian rất lâu nữa để có xăng. Điều này thật tệ hại", anh Adeniran Abiodun - một lái xe taxi cho hay.
Đây là cú sốc thiếu xăng thứ 3 mà Nigeria phải hứng chịu trong năm 2022. Trong khi có trữ lượng dầu lớn, Nigeria phải nhập khẩu hầu như toàn bộ lượng xăng tiêu thụ nội địa vì thiếu các nhà máy lọc dầu.
Với việc giá xăng tăng cao trên phạm vi toàn cầu, kết hợp với tình trạng các quốc gia đua nhau nhập khẩu nhiên liệu dự trữ, nguồn cung cấp xăng ở Nigeria đã nhanh chóng cạn kiệt.
Giá xăng nhập khẩu tại Nigeria tăng hơn 100% trong năm nay và bởi Chính phủ nước này áp đặt mức giá trần bán lẻ, các công ty xăng dầu bị thua lỗ và không muốn tiếp tục nhập khẩu xăng.
Bà Hauwa Mustapha - nhà kinh tế học Nigeria cho hay: "Tại sao chính phủ trả trợ cấp xăng dầu và sau đó lại than phiền về gánh nặng tài chính? Tôi cho rằng vấn đề chính nằm ở năng lực tài chính của Nigeria".
Bên cạnh Nigeria, nhiều nền kinh tế đang phát triển, phụ thuộc phần lớn vào xăng dầu nhập khẩu cũng trở thành nạn nhân của tình trạng giá nhiên liệu tăng vọt trong những tháng gần đây, trong đó có thể kể đến như Ấn Độ và Sri Lanka.
Sri Lanka thậm chí đã rơi vào tình trạng cạn kiệt nhiên liệu do thiếu nguồn tín dụng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm. Cùng với việc giá nhiên liệu tiếp tục đứng ở mức cao và nhiều quốc gia đang tăng cường tích trữ năng lượng cho mùa đông, tình trạng thiếu xăng được dự báo sẽ còn tiếp diễn trên phạm vi toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.93754705172602202-aig-couq-ueihn-o-gnor-nal-gnax-ueiht-gnart-hnit/et-hnik/nv.vtv