Suốt phiên xử mở tại TAND tỉnh Hà Tĩnh hôm 20/6, Kim Anh, 44 tuổi, trú phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, liên tục cúi đầu bày tỏ sự hối hận vì đã lừa xin việc, mượn tiền tỷ của nhiều người để trả nợ và tiêu xài song không có khả năng hoàn trả. Phía dưới hội trường, nhiều người thở dài, tiếc cho cô giáo từng đạt danh hiệu dạy giỏi đã mất hết tương lai vì tham vọng mù quáng.
Kim Anh là giáo viên trường Tiểu học Kỳ Thư ở xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh. Từ năm 2009 đến tháng 8/2019 do đầu tư làm ăn thua lỗ, cần tiền trả nợ, Kim Anh "nổ" có khả năng xin cho người khác vào làm việc tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Tin lời, một số người đã đưa gần 3,8 tỷ đồng để lo lót công việc cho con em, họ hàng của họ. Nhận tiền, Kim Anh đem tiêu xài riêng, không xin việc được cho bất kỳ trường hợp nào, bản án của TAND tỉnh Hà Tĩnh nêu.
"Chạy việc" bất thành, bị đối tác đòi trả nợ, Kim Anh đặt vấn đề với họ hàng, bạn bè, nói dối đang cần vay tiền để đảo khế ngân hàng, giải quyết "chuyện quan trọng", trong thời gian ngắn sẽ trả cả gốc lẫn lãi. Nhiều người cho Kim Anh vay hơn 3,3 tỷ đồng. Vẫn "bổn cũ soạn lại", bị cáo tiêu hết tiền, chây ỳ khi bị đòi nợ, không hoàn trả.
Nhà chức trách xác định Kim Anh đã thực hiện 57 lần lừa đảo, chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng của 26 người ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thuận. Trong đó 13 lần lừa "chạy việc", 44 lần vay tiền "lo việc riêng". Nạn nhân bị lừa nhiều nhất là 890 triệu đồng, ít nhất 20 triệu đồng. Khi sự việc bị lộ, Kim Anh đã trả lại một phần cho 11 người, với tổng tiền gần 600 triệu đồng, số còn lại không có khả năng hoàn trả.
Tại tòa, Kim Anh trình bày trước kia gia đình hoàn cảnh, thiếu thốn đủ bề, nhưng vì tham vọng làm giàu đã đi vay vốn để làm ăn. Sau đó, tiền gốc lẫn lãi tăng nhanh khiến cô phải "nắm tay bắt lỗ tai", tiếp tục đi vay và không còn khả năng trả nợ. Việc này đã để lại nỗi đau cho gia đình và khiến nhiều người thân, bạn bè rơi vào bi kịch khi ôm số nợ lớn.
Kim Anh có 20 năm công tác trong ngành giáo dục, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở". Cô đã ly hôn, sau khi bị bắt các con sống với người thân.
Khom người chống tay vào bàn xét xử, nữ bị cáo ngậm ngùi nói những tính toán sai lầm đã khiến nối tiếp sai lầm, gia đình khuynh gia bại sản, họ hàng oán trách, con cái đối mặt với tương lai bất định. "Suốt thời gian dài tôi luôn sống trong cảm giác lo sợ, ám ảnh khi liên tục bị đòi nợ", Kim Anh nói, cho hay khoản vay hàng tỷ đồng không thể ủy thác cho người thân lo, vì họ cũng không có khả năng trả.
Tòa xác định Kim Anh vay tiền với mục đích vụ lợi, thời điểm đó không trao đổi, bàn bạc với chồng cũ hay người thân. Hôm xét xử, họ hàng bị cáo không đến, chỉ có vài chục bị hại, trong đó có những cụ già hơn 70 tuổi là nông dân kham khổ đến dự đòi quyền lợi, với hy vọng mong manh được trả lại khoản tiền hàng trăm triệu đồng tích góp nhiều năm để xin việc cho con, cháu.
Một người phụ nữ 56 tuổi ở thị xã Kỳ Anh kể, có con gái tốt nghiệp đại học ở Hà Nội ra song chưa có việc làm, gia đình rất lo lắng, chạy vạy nhiều nơi. Năm 2017, trong một lần đi chợ, nghe Kim Anh (hàng xóm) nói đang có đợt thi, xét tuyển công chức, nếu bà có nguyện vọng xin cho con vào vị trí văn phòng sẽ lo lót, đảm bảo sẽ trúng tuyển.
Như "bắt được vàng", bà chi 150 triệu đồng theo báo giá. Kim Anh còn hứa, sau hai tháng không xin được việc sẽ hoàn lại tiền. "Song đó là lời hứa suông, cả năm trời mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ, tôi dù nóng ruột nhưng không dám hỏi. Đầu năm 2018, thấy nhiều người tụ tập trước nhà cô ấy đòi nợ, tôi tìm hiểu và ngỡ ngàng khi biết mình là nạn nhân", người phụ nữ nói.
Một số bị hại khác dù oán hận Kim Anh nhưng vẫn bày tỏ lòng trắc ẩn. "Bất đắc dĩ mới tố cáo, cô ấy đi tù nhưng tôi cũng không sung sướng gì. Tin lời hứa suông rồi chi hàng trăm triệu để mong con có công việc nhưng vô ích. Mất tiền nên vợ chồng lục đục suốt ngày cãi nhau, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu", một nạn nhân hờn trách.
Tại phần trình bày sau cùng, Kim Anh xin lỗi, nói vì mình mà nhiều người tan cửa nát nhà, bi kịch nối tiếp bi kịch. Dù biết ai cũng giận và oán trách nhưng "từ đáy lòng vẫn mong nhận được sự thông cảm, được giảm án năm nào hay năm đó". Sau này nếu có cơ hội ra tù, bị cáo sớm sẽ tu chí, cố hết sức khắc phục hậu quả.
HĐXX nhận định, hành vi của Kim Anh gây nguy hiểm cho xã hội, lợi dụng lòng tin của người khác để vụ lợi cá nhân, tuyên 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bồi thường hơn 6 tỷ đồng cho bị hại. Đây cũng là bài học cho nhiều người, khi tin vào những chiêu lừa "chạy việc" và hứa hẹn vay tiền không căn cứ.
Ngoài vụ án này, nhiều bị hại còn tố cáo Kim Anh có liên quan số tiền gần 6 tỷ đồng vay của họ trước lúc bị bắt. Tuy nhiên, tòa xác định đây là quan hệ dân sự, vay mượn thông thường, không cấu thành tội phạm, không xem xét trong vụ án này, các bên liên quan tự giải quyết với nhau hoặc có thể khởi kiện dân sự.
Khi cảnh sát dẫn ra xe thùng, Kim Anh lần nữa ngoái về phía sau để xem có người thân nào đến tiễn mình hay không nhưng đáp lại chỉ là những ánh nhìn thiếu thiện cảm của những người từng tin tưởng giao tiền.
Xem thêm: lmth.3740844-aul-id-nal-75-neiv-oaig-un-auc-iod-iod-gnov-maht/ten.sserpxenv