Vietnam Airlines vừa có giải trình liên quan tới việc HOSE đưa cổ phiếu HVN của hãng hàng không này vào diện kiểm soát. Nguyên nhân, theo HVN, do hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, làm hoạt động vận tải hàng không nội địa và quốc tế bị gián đoạn. Kết quả, năm tài chính 2020, 2021 và quý 1/2022, HVN lỗ , âm vốn chủ sở hữu.
Về giải pháp cải thiện kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bổ sung vốn, Vietnam Airlines cho biết, đã đưa vào Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, năm 2022, mục tiêu là không lỗ, giai đoạn 2023-2025 sẽ cải thiện hoạt động và từng bước phục hồi, phát triển.
Các giải pháp giảm lỗ kéo dài từ này tới năm 2023, tiến tới có lãi ở các năm sau đó. Kết hợp với đó, hãng sẽ tái cơ cấu tài sản, danh mục đầu tư để gia tăng dòng tiền, như bán hoặc cho thuê các máy bay cũ , thoái vốn một số lĩnh vực (thực hiện trong giai đoạn 2022-2024); Tiếp tục phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu (dự kiến thực hiện giai đoạn 2023-2024). Tuy nhiên, các giải pháp này sẽ được triển khai sau khi được cổ đông nhà nước và Đại hội cổ đông thông qua.
Riêng với việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, để thực hiện được Vietnam Airlines phải được Chính phủ chấp thuận, thậm chí cần được Quốc hội thông qua (tương tự lần tăng vốn năm 2021). Nếu được thông qua tăng vốn qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ liên quan tới việc cổ đông nhà nước phải rót thêm tiền, hoặc nhà nước ủy quyền mua thông qua Tổng Công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - như cách làm năm trước. Trường hợp còn lại, hãng được phép phát hành cổ phiếu ra công chúng, nhưng việc này sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Vietnam Airlines không thông qua thoái vốn.
Trong phiên giao dịch ngày 27/6, cổ phiếu HVN đã tăng trần, lên mức giá 16,3 nghìn đồng/cổ phiếu.
Trước đó, năm 2021, Vietnam Airlines đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ của hãng lên hơn 22.143 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông nhà nước ủy quyền cho SCIC mua số lượng cổ phiếu thuộc quyền mua. Bên cạnh đó, hãng cũng hoàn thành ký hợp đồng tín dụng theo diện tái cấp vốn với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng. Nhờ đó, Vietnam Airlines đã cải thiện dòng tiền, các chỉ số tài chính, có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo tài chính năm 2021 của Vietnam Airlines, năm qua hãng đạt tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 29.752 tỷ đồng (giảm gần 30% so với năm trước đó). Lỗ hợp nhất trước thuế của hãng này vẫn lên tới hơn 12.965 tỷ đồng (tăng hơn 18% so với năm 2020).
Riêng công ty mẹ, năm vừa qua đạt doanh thu hơn 20.100 tỷ đồng (giảm 39,6% so với năm trước đó), lỗ trước thuế 11.833 tỷ đồng (năm 2020 lỗ trước thuế hơn 8.700 tỷ đồng).
Lê Hữu Việt
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.4352538082602202-taos-meik-neid-oav-aud-ib-senilria-manteiv-auc-ueihp-oc-peit-neil-ol/nv.zibefac