Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, tính đến quý 2 năm nay, trên địa bàn thành phố còn khoảng gần 10.000 xe hoạt động, giảm gần một nửa so với năm 2019. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do tình trạng lái xe nghỉ việc, chuyển việc sau 2 năm gặp khó khăn do dịch COVID-19 trong thời gian qua cũng gây khó cho doanh nghiệp trong việc giữ chân các tài xế.
Anh Thiên làm nghề lái xe taxi đã được hơn 10 năm. Anh chia sẻ, thời gian gần đây công việc gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Anh vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn bè, khi vẫn có thể duy trì được công việc, nhiều đồng nghiệp của anh đã phải trả xe và nghỉ việc.
"Nếu phải tăng cước thì mình nghĩ nên tăng một chút thôi để đảm bảo giữ được lượng khách đi taxi truyền thống", anh Nguyễn Thanh Thiên, tài xế taxi, nói.
Tính đến quý 2 năm nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn khoảng gần 10.000 xe hoạt động. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Giống như anh Thiên, lo lắng về tương lai là cảm giác của nhiều tài xế taxi ở thời điểm hiện tại.
"Tỷ lệ lái xe nghỉ việc tương đối cao, các xe giờ không có lãi. Tôi đã trót theo nghề rồi thì cứ làm thôi", một tài xế taxi cho biết.
Đại diện các doanh nghiệp taxi như Mai Linh, G7 cho biết dù đang khó khăn, nhưng vẫn chưa tăng giá cước để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Các doanh nghiệp đưa ra giải pháp tạm thời tiết giảm chi phí để hỗ trợ cho tài xế.
"Công ty phải bỏ tiền ra để làm thị trường, thu hút thêm lượng khách cho anh em, tăng doanh thu để bù lại chi phí", ông Dương Trí Thanh, Phó Tổng Giám đốc G7 Taxi, cho hay.
Ngoài ra, nhiều đơn vị chấp nhận giảm thu nhập, tăng chi phí hỗ trợ người lao động, chưa vội tăng giá cước.
"Ban điều hành sẽ bị giảm thu nhập để bù lỗ cho lái xe. Thứ hai là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ở tỉnh. Công ty chịu phí bảo trì, bảo dưỡng để giữ chân người lao động. Chúng tôi đang theo dõi xem Nhà nước có những chính sách như thế nào. Nếu như chúng tôi vẫn chưa thấy có chính sách nào thì sẽ phải tính toán đến việc điều chỉnh giá cước", ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết.
Cũng theo các doanh nghiệp, họ mong muốn nhà nước xem xét miễn giảm một số loại thuế phí như: phí đăng kiểm, phí đường bộ... cũng như có cơ chế ưu đãi hoặc giảm hay miễn thuế giá trị gia tăng.
VTV.vn - Xăng tăng giá, nhu cầu đi lại giảm, nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời khiến các tài xế taxi, xe công nghệ bỏ việc ngày càng nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.62831649082602202-ex-iat-nahc-uin-ixat-peihgn-hnaod-od-tad-uad-gnax/et-hnik/nv.vtv