Khác với các đồng nghiệp, anh Kipp Nguyễn có cái nhìn khá bao dung về những đặc tính mà nhiều lãnh đạo không thích ở Gen Z như: luôn tự tin thể hiện quan điểm, cống hiến nhưng phải có ‘điều kiện’ hay thường xuyên nhảy việc.
"Do thời cuộc và hoàn cảnh sống khá vất vả, các thế hệ trước Gen Z kiểm soát cái tôi cá nhân và cảm xúc tốt hơn, trong khi các bạn trẻ ngày nay được tiếp xúc với rất nhiều nền văn hóa, luôn muốn thể hiện quan điểm của bản thân. Theo tôi, tự cao là một đức tính tốt! Tôi tự nhận thấy mình nên có cái đức tính này nhiều hơn, để nói được suy nghĩ của mình – trao đổi thẳng thắn với mọi người.
Một cuộc tranh luận phù hợp ở nhiều thế hệ khác nhau sẽ cho ra nhiều khía cạnh khác nhau của một vấn đề là rất tốt.
Còn việc ‘cả thèm chóng chán’ không phải là vấn đề của thế hệ. Nếu một công việc nhàm chán thì thế hệ nào cũng nhanh nản; nhưng có lẽ vì ông bà bố mẹ mình hơi nặng gánh ‘cơm áo gạo tiền’, nên họ không dễ bỏ đi được; còn với Gen Z bây giờ, chuyện ‘cơm áo gạo tiền’ nhẹ nhàng hơn, nên họ chọn bỏ đi ngay khi vừa cảm thấy chán.
Tuy nhiên, Gen Z có ngọn lửa đam mê lớn, vậy nên nếu họ yêu thích việc gì thì sẽ theo đến cùng và ‘cháy’ hết mình vì công việc đó. Còn các thế hệ trước, nhiều khi họ làm việc vì trách nhiệm chứ tôi không thấy cái ‘lửa’ trong họ.
Gen Z có thể làm ở các công ty chỉ một thời gian ngắn hơn nhưng ‘cháy’ hết mình hơn", anh Kipp Nguyễn so sánh sơ bộ trong phiên thảo luận ‘Z bắt sóng’ do Anphabe tổ chức nhân Ngày hội Nghề nghiệp sinh viên Việt Nam 2022.
Ngoài ra, theo anh, việc Gen Z luôn làm việc rất vất vả - bất kể ngày đêm, thì chuyện họ đòi hỏi quyền lợi xứng đáng cũng hợp lý.
Mặt khác, các bạn Gen Z luôn đòi hỏi mọi người phải lắng nghe và hiểu các bạn nhưng các bạn cũng phải làm điều ngược lại với các thế hệ đi trước. Trùng hợp là những ‘đòi hỏi’ này nhiều khi vượt giới hạn, không chỉ về lương thưởng.
"Từng có một nhân sự khá giỏi đòi hỏi như này: ‘Tôi muốn gửi xe trong tầng hầm của công ty’. Bộ phận HR đã giải thích: ‘Chỗ gửi xe ở tầng hầm có giới hạn, chỉ có bấy nhiêu chỗ và đã được cấp hết cho những người vào trước. Tầng hầm không còn suất gửi xe cho người mới nữa’. Nhưng bạn đó không quan tâm, vẫn khăng khăng: ‘Tôi không cần biết, có thể đẩy 1 người khác ra để tôi vào".
Ở trường hợp này, theo tôi, nếu người ta đã giải thích, thì bạn phải biết đâu là giới hạn để cân bằng cả 2 bên", sếp nhân sự của Lazada Việt Nam bày tỏ.
Trước đây, khi nhận về team 2 bạn nữ Gen Z, anh cũng cảm thấy khá áp lực vì sẽ có những khoảng cách nhất định giữa anh và các bạn; nhưng khi anh tìm được cách thích nghi ngược lại thì mọi chuyện đã ổn.
Quan điểm của anh: một công ty có giữ được chân nhân sự Gen Z – thế hệ được cho là khá ‘ẩm ương’ hay không, phụ thuộc vào văn hóa của từng doanh nghiệp và sự tinh tế của sếp.
"Ví dụ: văn hóa của công ty trước đây và bây giờ của tôi khá khác biệt. Công ty trước thì sếp có phòng riêng – sếp to và nhỏ gì đều ngồi tách biệt với nhân viên; còn công ty hiện tại, cả sếp cùng nhân viên ngang hàng - ngồi cùng 1 phòng với nhau nên trao đổi rất dễ dàng. ‘Mưa dầm thấm lâu’, mọi người đã quen trao đổi với nhau ngay khi có việc cần thiết và rất thoải mái khi làm chuyện đó.
Ngoài ra, các nhân viên nữ - đặc biệt là Gen Z khá nhạy cảm và có những việc không tiện trao đổi với sếp nam. Và mình phải tinh tế nếu muốn gợi chuyện. Ví dụ: vào 1 ngày đẹp trời, tự dưng thấy nhân viên Gen Z không cười nói hoặc ‘chửi bới’ mọi người như bình thường nữa, nếu không thể ‘nhìn mặt đoán chương trình’, tôi thường mua 1 ly trà sữa rồi lẳng lặng để trên bàn.
Rồi sau đó bạn nhân viên cũng sẽ vác trà sữa tới bàn của tôi và hỏi ‘là anh mua cho em hả’, tự dưng câu chuyện sẽ được bật ra.
Tóm lại, các bạn Gen Z bây giờ thích một môi trường làm việc thoải mái và cởi mở, làm sao để các bạn có thể đến nói với tôi ‘anh Kipp, sáng nay mở mắt ra tự dưng em nghĩ mình có thực sự muốn làm công việc này không’. Những lúc đó, tôi rất ‘hèn’ kiểu ‘em đang đi làm rồi mà’! Chúng ta phải cho các bạn cảm giác thoải mái và không sợ sệt gì cả khi ở công ty, thậm chí có thể đến nói đùa với sếp về chuyện nghỉ việc.
Bây giờ, trong Gen Z hay có trend: một người hát 1 câu vào group chat, rồi mọi người phải tự hát nối vào; nếu mình có thể hát nối với các bạn được thì sẽ rất tuyệt vời. Nếu công ty có môi trường làm việc thoải mái – vui vẻ thì các bạn sẽ không ra đi", anh Kipp Nguyễn chia sẻ một vài ‘bí quyết’ quản lý nhân sự của mình.
http://tintuc.vdong.vn/06/1404423.htmQuỳnh Như
Theo Nhịp Sống Kinh Tế