Ông Nguyễn Văn Đua - nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Điểm lại vai trò quan trọng của khu chế xuất (KCX) đầu tiên của TP.HCM và đất nước, ông Đua cho rằng khi không gian đô thị TP.HCM mở rộng, các nhà máy ở KCX Tân Thuận với công nghệ đã trở nên lạc hậu, trong khi trình độ công nghệ của các khu công nghiệp ở những địa phương khác đã phát triển cao.
Vấn đề đặt ra là KCX Tân Thuận nên tiếp tục duy trì sản xuất công nghiệp xuất khẩu, trọng tâm là thu hút doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao hay cần định hình lại một cách cơ bản, để 300ha đất ở giữa một quận nội thành có xung lực mới, tạo sự bứt phá mới cho sự phát triển của TP.
Trả lời câu hỏi này, ông Đua cho rằng hiện có hai nhân tố rất quan trọng tác động để tạo nên diện mạo mới, vai trò mới của KCX Tân Thuận là khu đô thị Thủ Thiêm và khu quy hoạch đô thị cảng Hiệp Phước.
Nếu KCX được thay đổi về chất để cùng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Thủ Thiêm, với tư cách một trung tâm dịch vụ chất lượng cao thu hút các nhân lực chất lượng cao đến làm việc, sáng tạo ở Thủ Thiêm và sinh sống ở Tân Thuận sẽ tạo diện mạo mới, vai trò mới và đóng góp mới cho Tân Thuận.
Từ đó, ông Đua đề xuất nghiên cứu điều chỉnh chức năng KCX Tân Thuận sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao để làm "hậu cần" cho trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm.
Khi đó, những nhà máy, trong đó có nhiều nhà máy thâm dụng lao động ở KCX sẽ được chuyển dịch nhường chỗ cho các trường học, bệnh viện, nhà hát, trung tâm thương mại, khách sạn… có chất lượng đạt trình độ châu Á và thế giới.
"Việc chọn hướng phát triển nêu trên không có gì mâu thuẫn, gây trở ngại với mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ quận 7 đưa ra. Trái lại, "quả đấm" của sự chuyển dịch sang dịch vụ của KCX sẽ tạo sự đột phá mới, nâng tầm chất lượng dịch vụ của quận 7" - ông Đua nhận định.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ý kiến về việc đánh giá lại công năng KCX Tân Thuận - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Việc định hướng phát triển KCX Tân Thuận như thế nào trong tương lai cũng là một trong những vấn đề TP.HCM muốn thảo luận. Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng: "Phải đánh giá lại công năng KCX Tân Thuận".
Theo ông Mãi, có ý kiến cho rằng cần tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch sang các ngành nghề ứng dụng công nghệ cao, trung tâm đổi mới, sáng tạo.
"Tôi cho rằng đây có thể trở thành nơi thu hút những nhà khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây là điều cần nghĩ tới" - ông Mãi nói.
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - kiến nghị TP.HCM xem xét mô hình KCX Tân Thuận theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ để nơi đây là nơi sản xuất những sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Từng bước giảm cơ sở sản xuất thâm dụng lao động và khuyến khích có thêm những dịch vụ cao cấp.
PGS.TS Trương Thị Hiền, nguyên giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng cũng cần có kế hoạch, lộ trình để chúng ta chuyển đổi dần ngành sản xuất công nghiệp trong KCX Tân Thuận sang các ngành công nghệ cao. Hạn chế tối đa sử dụng công nhân lắp ráp, gia công.
"Về lâu dài cần tính đến phương án chuyển đổi toàn bộ KCX thành cơ sở nghiên cứu thí nghiệm, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo. Như vậy sẽ hạn chế được sự phát triển số lượng công nhân trên toàn địa bàn, hạn chế xe container, tiến tới giải quyết các vấn nạn ô nhiễm môi trường, kẹt xe" - bà Hiền nêu ý kiến.
TT - Theo phó tổng giám đốc Công ty liên doanh xây dựng và kinh doanh Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (TP.HCM) Nguyễn Văn Bé, trên phần đất 39ha dành cho doanh nghiệp công nghệ cao (trong tổng diện tích 300ha) của KCX Tân Thuận đã bắt đầu thu hút đầu tư.