CTCP Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn (APT) vừa công bố thông tin về việc nhận được thông báo thụ lý vụ án số 37/2022/TB-TL VA ký ngày 19/5/2022 từ Toà án Nhân dân quận Bình Tân, Tp.HCM theo đơn kiện của Sacombank yêu cầu thanh toán nợ.
Vốn điều lệ 88 tỷ, đã lỗ luỹ kế hơn 1.000 tỷ: APT bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Ghi nhận tại BCTC năm 2021, kiểm toán cũng tiếp tục có ý kiến ngoại trừ liên quan các vấn đề về khả năng hoạt động liên tục, những năm trước đó kiểm toán đã liên tục ngoại trừ vấn đề này.
Tại thời điểm 31/12/2021, Công ty đang lỗ luỹ kế 1.077 tỷ đồng, làm âm nguồn vốn chủ sở hữu gần 988 tỷ đồng; số lỗ luỹ kế lớn gấp 12,25 lần vốn điều lệ Công ty (88 tỷ đồng); các khoản nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 1.059 tỷ đồng; tổng số nợ phải trả là 1.150,5 tỷ đồng, lớn gấp 13 lần vốn điều lệ...
Với những luận điểm trên, kiểm toán nhấn mạnh cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Đáng chú ý, kiểm toán cũng nhấn mạnh việc Công ty đã đánh giá lại khoản nợ vay bằng vàng tại Ngân hàng Sacombank và thực hiện trích lập chi phí lãi vay trong năm 2021 cho toàn bộ khoản vay này theo lãi suất ký kết trên các hợp đồng vay và chưa tính đến lãi quá hạn.
Được biết, APT là một công ty thuỷ sản có hoàn cảnh khá "đặc biệt". APT cổ phần hóa năm 2007 với khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, gần như luôn đối mặt với án phá sản.
Hiện công ty có 2 cổ đông chính là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - sở hữu 30% và CTCP Đầu tư SFC - sở hữu 41,1%.
Đánh giá lại khoản nợ 5.833 lượng vàng SJC và trích lập, ban lãnh đạo vẫn tin tưởng vào tương lai với kế hoạch phát hành huy động sắp tới
Trả lời về lý do vẫn lập BCTC trên cơ sở hoạt động liên tục, phía APT cho biết Ban Tổng Giám đốc vẫn tin tưởng rằng với sự hỗ trợ của chủ sở hữu, sự chấp thuận của ngân hàng trong việc tái cơ cấu vay và kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu của Công ty trong thời gian tới, tình hình tài chính sẽ được cải thiện.
Liên quan đến khoản nợ vay bằng vàng, APT cũng thông tin cuối năm 2021 đã đánh giá lại khoản nợ 5.833 lượng vàng SJC tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (trước đây là Ngân hàng TMCP Phương Nam) theo giá niêm yết của ngân hàng cho vay. Ngoài ra, Công ty cũng đã thực hiện trích lập chi phí lãi vay trong năm 2021 cho toàn bộ khoản vay bằng vàng và tiền tại Ngân hàng với tổng số tiền là 49,673 tỷ đồng. Số lãi này được trích theo lãi suất ký kết trên các hợp đồng vay và chưa tính đến lãi quá hạn.
Bên cạnh khoản lãi vay hàng chục tỷ đồng (tương đương số lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh), từ năm 2018 APT phải liên tục ghi nhận chi phí lỗ tỷ giá do đánh giá lại khoản nợ vay bằng vàng phải trả theo tỷ giá vàng hàng năm, chi phí tài chính theo đó độn lên bằng lần.
Năm 2018, khoản lỗ chênh lệch liên quan đến nợ vay bằng vàng là 37 tỷ đồng, thì sang năm 2020 tăng lên 75 tỷ, và cuối năm 2021 sau khi đánh giá lại số chi phí lỗ tỷ giá tiếp tục tăng lên mức 81 tỷ đồng.
Trên thị trường, 2 năm trở lại trước những bất ổn về kinh tế xã hội, giá vàng cũng tăng mạnh và liên tục phá đỉnh. Điều này gây bất lợi cho những đơn vị có nợ vay bằng vàng như APT.
Báo cáo tài chính của APT cho thấy tính đến cuối năm 2021, số dư nợ gốc của khoản vay vàng là 361,6 tỷ đồng và lãi vay phải trả là 473,7 tỷ đồng.
Vào thời điểm APT thực hiện khoản vay, giá vàng SJC vào khoảng 17,5 triệu đồng/lượng trong khi tại thời điểm 31/12/2021 là 62 triệu đồng/lượng theo số liệu công ty ghi nhận. Hiện tại giá vàng SJC đang ở mức khoảng 68 triệu đồng/lượng.
Những nỗ lực của ban lãnh đạo
Không chỉ cơ cấu chỉ số tài chính, hơn 10 năm qua, ban lãnh đạo APT cũng nỗ lực từng bước gượng dậy Công ty. Điểm đáng chú ý, nợ cũ chưa trả được nên không thể vay nợ mới, Công ty theo đó đã tự thân vận động để khôi phục lại thị trường.
Trong chia sẻ với báo giới mới nhất, lãnh đạo APT cho biết Công ty đang xuất khẩu gần 20 mã hàng làm từ tôm, cá nước ngọt như cá điêu hồng, cá trê, cá lóc (cả khô lẫn đông lạnh), bánh bột lọc, khổ qua dồn chả cá, chả cá thác lác…
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc APT, cũng nhấn mạnh Công ty đã nghiên cứu phát triển sản phẩm từ nguyên liệu nuôi trồng nước ngọt từ 6-7 năm nay để bù đắp cho nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt ngày càng khan hiếm, giá mỗi lúc một tăng.
Đặc biệt 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ban lãnh đạo được biết đã ngồi lại tính toán tái cấu trúc, sắp xếp lại bộ máy, hệ thống vận hành cho phù hợp với điều kiện mới. Một trong những điểm khác biệt của APT là xây dựng được thương hiệu và xuất khẩu một số mặt hàng bằng thương hiệu riêng. Trong đó, sản phẩm nước mắm truyền thống thương hiệu APT đã có mặt trên thị trường 40 năm nay, xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều năm, được cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc ưa chuộng.
"Hiện giờ, công ty còn 30% vốn Nhà nước, một cổ đông lớn bên ngoài sở hữu 40% vốn. Chúng tôi rất mừng vì đã đưa được công ty từ bờ vực phá sản lên sàn UPCOM, có nhà đầu tư mua. Vậy nghĩa là công ty đã sống được", ông Trương Tiến Dũng lạc quan trong lần trò chuyện năm qua.
Dù vậy, những nỗ lực có vẻ chưa đủ với khó khăn từ bên trong của Công ty. Doanh thu Công ty có cải thiện qua từng năm, song áp lực chi phí khiến lợi nhuận thu về luôn ở mức âm. Đặc biệt, chi phí nợ vay tăng đều khiến ABT liên tục thua lỗ. Kết thúc năm 2021, ABT tiếp tục lỗ 139 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ luỹ kế hơn 1.000 tỷ đồng – gấp hơn 12 lần vốn chủ hiện tại.
Theo Tri Túc
Trí Thức Trẻ