Ngày 28/6, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng
Một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận tại Đại hội là Đề án tái cơ cấu toàn diện Vietnam Airlines, trong đó có phương án tái cơ cấu công ty con Pacific Airlines.
Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp và số lỗ ròng của Pacific Airlines, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết đến tháng 6-2022, tình hình tài chính Pacific Airlines rất nghiêm trọng. Theo đó, Pacific Airlines đang bị thiếu hụt dòng tiền và đe dọa lớn đến khả năng thanh toán, có thể phải chấm dứt hoạt động.
Theo ông Hiền, Vietnam Airlines đang trong quá trình tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng cho Pacific Airlines, thực hiện các giải pháp tài chính, xem xét định giá công ty. Tuy nhiên việc lựa chọn nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách theo quy định hiện hành đặc biệt là việc chuyển nhượng vốn với các doanh nghiệp có cổ phần chi phối bởi Nhà nước.
"Vietnam Airlines đã làm việc với các cơ quan liên quan và nhà đầu tư tiềm năng nhưng lựa chọn nhà đầu tư thế nào, có thể bán riêng lẻ hay đấu thầu công khai rộng rãi? Nhưng đi vào cụ thể theo từng văn bản pháp luật đều bị vướng vì Pacific Airlines là doanh nghiệp rất đặc biệt khi có lỗ lũy kế và thua lỗ nên khi bán doanh nghiệp có khoản đầu tư bị lỗ thì vướng về cách thức chuyển nhượng trên thị trường.
Hiện Vietnam Airlines báo cáo các cấp có thẩm quyền để xin cơ chế vận dụng quy định Nhà nước nhằm thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trên tinh thần công khai minh bạch, tuân thủ pháp luật nhưng đảm bảo hài hòa Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán", Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng 35% cổ phần của VNA tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air cũng đã hoàn tất giai đoạn 1.
>>> Thương vụ xuất ngoại giúp Vietnam Airlines thoát án huỷ niêm yết bắt buộc
Giải trình thêm về “tương lai” của Pacific Airlines, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết Pacific Airlines là một hãng hàng không nên cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như các hãng hàng không khác.
Hiện nay Vietnam Airlines có đề án tái cơ cấu lại cổ đông của Pacific Airlines. Đây là hướng đi cần thiết để đảm bảo hoạt động của hãng nhưng cần những thủ tục pháp lý để thực hiện. Vấn đề này đã được đưa vào đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines để báo cáo cơ quan có thẩm quyền thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Trả lời câu hỏi liệu nhà đầu tư vào Pacific Airlines có lo ngại nếu Vietnam Airlines vẫn nắm cổ phần chi phối tại Pacific Airlines, ông Lê Hồng Hà khẳng định Vietnam Airlines sẵn sàng mở cơ hội với nhà đầu tư vào Pacific Airlines khi trong phương án tái cơ cấu hãng này, Vietnam Airlines đặt tỉ lệ nắm mức 30% hoặc 0% vốn của Pacific Airlines.
30% người lao động vẫn đang nghỉ việc dài hạn
Giải đáp các câu hỏi của các nhà đầu tư liên quan đến vấn đề thu nhập của người lao động Vietnam Airlines, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay thu nhập của cán bộ công nhân viên hãng hàng không quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn do Covid-19. Năm 2019, Vietnam Airlines đã báo cáo Chính phủ và đề xuất cơ chế đặc thù về tiền lương đối, bổ sung vào Nghị định 20/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, sang năm 2020, nếu áp dụng đúng theo Nghị định 20 quỹ tiền lương của Vietnam Airlines chỉ bằng 25% so với năm 2019 - trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Vietnam Airlines đã báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền xem xét phương án phù hợp theo Nghị định 87/2021/NĐ-CP sửa đổi.
"Năm 2020, thu nhập của cán bộ công nhân viên của Vietnam Airlines chỉ bằng 60% so với năm 2019. Năm 2022, khi thị trường đang phục hồi, Vietnam Airlines cũng cố gắng đảm bảo thu nhập của cán bộ công nhân viên bằng 60% so với năm 2019", ông Đặng Ngọc Hòa nói.
Đáng chú ý, Vietnam Airlines đang báo cáo cấp có thẩm quyền việc tách riêng tiền lương của phi công. Lý giải việc này, ông Hòa cho biết, theo quy định quỹ tiền lương không thay đổi, trong khi phi công là lao động đặc thù, kỹ thuật cao nên nếu tăng lương phi công thì quỹ lương chung không có nguồn bổ sung. Vì vậy, phải tách lương của phi công thì mới có thể tăng được thu nhập cho các cán bộ, công nhân viên và người lao động khác.
Cũng theo ông Hoà, Vietnam Airlines xác định rất rõ lực lượng lao động nào cần giữ, lực lượng nào cần tạm thời nghỉ việc không lương hoặc nghỉ việc có thời hạn.
“Hiện nay, 30% người lao động của Vietnam Airlines đang nghỉ việc dài hạn, hợp đồng lao động phải tạm dừng", ông Đặng Ngọc Hòa nói và cho biết đối với lực lượng lao động còn lại được chi trả lương theo khả năng, đóng góp và áp dụng biện pháp giảm lương cố định, tăng lương hiệu quả công việc.
Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết, phương châm của đơn vị "người lao động là tài sản quý giá nhất", vì vậy đơn vị vẫn đang cố gắng để tăng thu nhập cho người lao động bằng nhiều giải pháp, bao gồm cả giải pháp tự thân và đề nghị người lao động phải hết sức cố gắng, tận dụng các nguồn lực để tăng doanh thu, cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ để hành khách lựa chọn mua vé đi máy bay, từ đó có cân đối thu - chi và tăng được thu nhập.
Theo Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường khách nội địa 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,6% so sánh cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietnam Airlines, khách nội địa vượt 7,7% so với năm 2019; thị trường quốc tế cũng đang từng bước phục hồi. Tháng 6/2022, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế đưa ra dự báo thị trường châu Á - Thái Bình Dương sẽ hồi phục vào 2024.
"Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để hãng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới", ông Hòa cho biết thêm.