Theo Zing, nhiều công ty công nghệ đối diện nguy cơ bị yêu cầu giao dữ liệu liên quan đến việc phá thai sau khi Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược phán quyết trong vụ kiện Roe v Wade, xóa bỏ cơ sở pháp lý ở cấp liên bang bảo vệ quyền phá thai đã tồn tại trong hơn 50 năm.
Theo Reuters, đại diện một số doanh nghiệp công nghệ bày tỏ lo lắng về khả năng bị cảnh sát yêu cầu nộp bằng chứng về lịch sử tìm kiếm, vị trí và những thông tin liên quan đến kế hoạch phá thai của người dùng. Các công tố viên cũng có thể gửi trát tòa với yêu cầu tương tự.
Tùy theo luật pháp tiểu bang, các công ty công nghệ thu thập nhiều dữ liệu như Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta (công ty mẹ của Facebook) hay Amazon có thể trở thành nhân chứng bất đắc dĩ nếu cảnh sát yêu cầu nộp dữ liệu liên quan đến phá thai nhằm điều tra một người dùng cụ thể.
Trong những năm qua, các nền tảng công nghệ đã thu thập nhiều thông tin nhạy cảm liên quan đến việc mang thai của người dùng. Năm 2015, những người phản đối phá thai đã nhắm vào quảng cáo có chữ "Pregnancy Help" (giúp đỡ mang thai) và "You Have Choices" (bạn có lựa chọn), sử dụng công nghệ định vị để tìm kiếm những người từng đến phòng khám thai sản.
Tháng 5/2019, các công tố viên bang Mississippi đã buộc tội giết người với một phụ nữ khi phát hiện bà từng tìm kiếm thuốc phá thai trên smartphone trong kỳ tam cá nguyệt thứ 3 (giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ).
Trong khi các nghi phạm có thể vô tình giao điện thoại chứa thông tin gây bất lợi cho họ, tổ điều tra có thể chuyển sang các công ty công nghệ nếu không thu được bằng chứng rõ ràng.
Theo Tuổi Trẻ, nước Mỹ chia rẽ dữ dội sau phán quyết của tòa án tối cao về quyền phá thai.
Các cuộc biểu tình tiếp diễn tại nước Mỹ ngày 25/6 (giờ địa phương), để phản đối phán quyết của Tòa án tối cao về quyền phá thai.
Theo Hãng tin AFP, hàng ngàn người tụ tập tại Tòa án tối cao Mỹ tại Washington D.C với các biểu ngữ chỉ trích phán quyết trước đó 1 ngày là "chiến tranh chống phụ nữ". Biểu tình cũng diễn ra ở một số nơi khác như thành phố Los Angeles.
Ngày 24/6, Tòa án tối cao Mỹ phán quyết quyền phá thai - vốn được bảo vệ từ năm 1973 trong vụ kiện Roe và Casey - không phải là quyền hiến định. Phán quyết này mở đường cho các tiểu bang quyết định về vấn đề cấm phá thai.
Đào Vũ (T/h)