Tại Hội nghị thảo luận về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 27/6, gần 20 hiệp hội, ngành hàng đã có đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Những khó khăn đó tập trung ở 3 nhóm vấn đề, gồm: nguồn nhân lực, giá nguyên vật liệu và chi phí logistics.
"KHÁT" NHÂN LỰC HẬU COVID-19
Về nguồn nhân lực, theo hầu hết các hiệp hội, ngành hàng, tình trạng thiếu hụt nhân lực sau dịch COVID-19 rất phổ biến.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, do tính chất đặc thù nên lĩnh vực xây dựng sử dụng nhiều lao động thời vụ, nông nhàn. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công nhân xây dựng đã đi làm những công việc khác, đơn giá nhân công tăng 20-30% nhưng doanh nghiệp xây dựng vẫn loay hoay, không tìm được lao động.
Đơn giá nhân công tăng 20-30% nhưng doanh nghiệp xây dựng vẫn loay hoay, không tìm được lao động.Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam
Còn đối với ngành hàng không, một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất trong đại dịch, một bộ phận lao động kỹ thuật, quản lý có trình độ cao đã nghỉ việc gây ra sự thiếu hụt, TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam.
Nhất là khi thị trường hàng không đang trên đà phục hồi càng gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết.
Tương tự, ở những ngành sản xuất cần nhiều lao động chất lượng cao như điện tử, chế biến, chế tạo…, đại diện Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam, bà Phạm Thị Tình phản ánh, sau thời gian dài nghỉ việc, tay nghề của lao động đi xuống, doanh nghiệp phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại. Dù giá nhân công trong lĩnh vực này tăng nhưng vẫn không đủ sức "giữ chân" lao động.
Từng giảm tới 55-60% lượng lao động ngành du lịch, đến nay nhiều khách sạn, đặc biệt là khách sạn 5 sao thận trọng, chưa mở lại. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đề nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực ở những điều kiện cơ bản nhất, nhờ vậy doanh nghiệp sẽ có nền tảng để phát triển tiếp.
Do đó, các hiệp hội kiến nghị, cần thúc đẩy chính sách đào tạo nghề và phát huy vai trò trường nghề để đáp ứng nguồn cung lao động. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (trường nghề) có thể cùng nhau hợp tác để tăng hiệu quả đào tạo để tạo nên sản phẩm là người lao động lành nghề.
GIÁ NGUYÊN, NHIÊN VẬT LIỆU TĂNG CAO
Ngoài nguồn nhân lực, một khó khăn bao trùm lên cả nền kinh tế là việc giá nguyên, nhiên vật liệu đã tăng rất cao kể từ đầu năm đến nay, trong đó điển hình là mặt hàng xăng dầu.
Theo đại diện Hiệp hội Hàng không, ông Bùi Doãn Nề, tác động từ sự tranh chấp và xung đột quốc tế làm giá nhiên liệu tăng cao. Với ngành hàng không, nhiều đường bay phải điều chỉnh tránh khu vực xung đột, làm tăng giờ bay dẫn đến tăng chi phí. Đồng thời, sự cạnh tranh trên các đường bay quốc tế trở nên khốc liệt hơn trong khi tiềm lực các doanh nghiệp hàng không Việt Nam còn hạn chế.
Ông Nề đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không Việt Nam, Chính phủ cần sớm giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về 0%.
Cũng như, xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hàng không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục về mức thời điểm trước dịch cho đến khi thị trường hàng không quốc tế phục hồi (dự kiến kịch bản tích cực là cuối tháng 6 hoặc hết năm 2023), đại diện Hiệp hội Hàng không Việt Nam nêu kiến nghị.
Chính phủ cần sớm giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về 0%, cũng như, xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hàng không.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, giá cả nguyên vật liệu đồng loạt tăng gây áp lực khiến giá thành tăng khoảng từ 18-30% so với cuối năm 2020.
Theo ông Trương Văn Cẩn, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, giá bông, xăng, dầu đều tăng. Trong khi tỷ giá ngoại tệ như nhân dân tệ, đồng won và yên đều giảm trên 15% thì VNĐ chỉ giảm 1,8%. Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Đại diện lãnh đạo các hiệp hội thống nhất cho rằng, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ, bình ổn giá để các doanh nghiệp không bị mất lợi thế cạnh tranh.
CHI PHÍ LOGISTICS GÂY ÁP LỰC
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, tổng chi phí vận chuyển 1 container 40 feet hàng thủy sản đông lạnh sang Bờ Đông nước Mỹ (ví dụ như bang Florida) trong giai đoạn đỉnh dịch và tắc nghẽn cảng là 400 triệu đồng.
Tại thời điểm tháng 6 hiện nay, chi phí cũng ở mức 390 triệu đồng/container, có giảm nhưng vẫn là mức cao gấp 4-5 lần bình thường.
Năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho hay.
Có thể thấy, chi phí logistics đã và đang là "gánh nặng" trên vai các doanh nghiệp xuất khẩu và tình trạng này còn có thể nặng nề hơn trong năm nay. Do vậy, "cần quan tâm và cải thiện để kéo giảm chi phí này xuống, nếu không kéo giảm được thì chúng ta không cạnh tranh được với các nước.
Chi phí vận chuyển 1 container hàng thuỷ sản sang Florida, Mỹ khi đỉnh dịch và tắc nghẽn cảng là 400 triệu đồng, đến nay vẫn 390 triệu đồng/container, có giảm nhưng vẫn là mức cao gấp 4-5 lần bình thường.Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam
Để giải bài toán trên, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh cho rằng, Bộ KH&ĐT cần quan tâm tái quy hoạch, quy hoạch mới về logistics, trong đó cho các doanh nghiệp chủ hàng đầu tư vào tỉnh/vùng phù hợp. Giải pháp dài hạn chính là quy hoạch ngành hàng, chuỗi giá trị và quy hoạch vùng. Cùng với đó, hỗ trợ chuyển đổi số mạnh cho ngành dịch vụ logistics cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí.
Logistics quốc tế liên quan chặt chẽ đến lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư FDI. Ông Minh đề xuất Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để có kế hoạch làm việc với các hãng tàu để bình ổn giá cước và phụ phí vận tải quốc tế.
Ngoài những khó khăn trên, các hiệp hội, ngành hàng cũng nêu vướng mắc trong tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng, cần có cơ chế thúc đẩy kinh tế chia sẻ như kết nối nguồn vốn của doanh nghiệp, huy động sử dụng các nguồn lực.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đề nghị trong vòng 2 ngày tới, các hiệp hội có văn bản đề xuất chính thức, gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới. Đối với các nội dung dài hạn, Bộ KH&ĐT tiếp thu và sẽ lựa chọn đề án, nhiệm vụ phù hợp để đưa vào.
Theo Nguyễn Thắm
Bizlive
Xem thêm: nhc.30063518182602202-uhp-hnihc-iot-ihgn-neik-ioh-peih-02-nag-91-divoc-uah-ohk-pag/nv.zibefac