vĐồng tin tức tài chính 365

Miền Tây tổng lực dập dịch sốt xuất huyết

2022-06-29 06:52

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) tăng cao và diễn biến phức tạp, các tỉnh ĐBSCL đã thực hiện nhiều biện pháp để kéo giảm số ca mắc cũng như giảm ca tăng nặng.

Miền Tây tổng lực dập dịch sốt xuất huyết ảnh 1

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, kiểm tra công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự. Ảnh: VIỆT TIẾN

“Diệt lăng quăng phòng chống bệnh SXH”

Ngày 28-6, đồng loạt các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và người dân ra quân thực hiện chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng chống bệnh SXH” (đợt 1).

Chiến dịch nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc thay đổi hành vi vệ sinh môi trường và các biện pháp diệt lăng quăng phòng chống bệnh SXH bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Theo đó mỗi khóm, ấp thành lập ít nhất hai tổ tiến hành giám sát, hướng dẫn, nhắc nhở người dân trên địa bàn thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách kiểm tra và xử lý các dụng cụ chứa nước không được bảo vệ hoặc không được hủy bỏ, gây nguy cơ tiềm tàng, thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của lăng quăng tại hộ gia đình, nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

Ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, cho biết so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL thì tình hình dịch SXH trên địa bàn tỉnh tạm ổn, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, nhằm chủ động phòng dịch SXH hiện tỉnh vẫn duy trì các điểm giám sát diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng theo dõi, cập nhật số liệu hằng ngày, nơi nào có dấu hiệu xuất hiện ổ dịch thì các đơn vị ngay lập tức tổ chức phun xử lý ngăn chặn ngay từ đầu.

Hiện thuốc điều trị, dịch truyền tỉnh vẫn còn dự trữ nhưng ít, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn tiến phức tạp thì khả năng thuốc sẽ thiếu vào khoảng tháng 10, tháng 11.

Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cũng cho biết sở vừa ban hành kế hoạch kiểm tra công tác phòng chống và thu dung điều trị SXH dengue tại các bệnh viện công lập và tư nhân, trung tâm y tế huyện, thị xã, TP. Ngày 1-7, các huyện, thị xã, TP sẽ tổ chức ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng (đợt 3) đồng loạt.

Tại TP Cần Thơ, một số quận, huyện có phường, xã được xác định trọng điểm xuất hiện dịch là Ninh Kiều, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ. Nửa đầu tháng 6 vừa qua, TP đã tổ chức hai đợt chiến dịch cao điểm diệt lăng quăng, phun thuốc ở 18 xã, phường trọng điểm và phun trên diện rộng ở phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt). Cạnh đó, Sở Y tế và CDC cũng tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra, giám sát các ổ dịch.

Là địa phương có ca mắc SXH đứng thứ ba của tỉnh Đồng Tháp, TP Cao Lãnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong do bệnh SXH.

Một trong đó là tổ chức triển khai thực hiện tốt chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng chống bệnh SXH”, phun hóa chất tại các hộ gia đình trong khu vực xảy ra ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất trên diện rộng.

Chỉ đạo các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn TP tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân khi phát hiện hoặc nghi ngờ mắc bệnh SXH kịp thời đến bệnh viện điều trị nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH.

Đảm bảo công tác điều trị, hạn chế chuyển tuyến trên

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết ông cùng đoàn công tác vừa trực tiếp đến giám sát công tác phòng chống bệnh SXH tại hai địa phương có số ca mắc cao nhất tỉnh là TP Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự.

Qua kiểm tra cho thấy số ca mắc và nhập viện trong tuần 24-25 tiếp tục tăng. Tại các địa phương số dụng cụ chứa nước có lăng quăng tuy giảm nhưng các khu vực xung quanh vẫn còn vật dụng có lăng quăng, điều này dự báo tình hình dịch bệnh trong thời gian tới sẽ còn diễn tiến phức tạp.

Về công tác điều trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu cũng yêu cầu bệnh viện củng cố đội ngũ y bác sĩ, hình thành đơn nguyên điều trị bệnh SXH; đảm bảo cơ số thuốc điều trị; theo dõi thông tin với các ca chuyển viện để kịp thời đánh giá mức độ dịch.

“Hiện thuốc điều trị, dịch truyền tỉnh vẫn còn dự trữ đủ dùng. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn ít, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn tiến phức tạp thì khả năng thuốc sẽ thiếu vào khoảng tháng 10, tháng 11. Trong khi đó, công tác đấu thầu còn chậm vì nhiều lý do như nhà cung cấp chậm cung cấp hồ sơ, báo giá, đơn vị thẩm định cũng chần chừ, nói chung tất cả cơ quan đều có khuynh hướng chậm hơn trước” - ông Đoàn Tấn Bửu thông tin.

Tại tỉnh An Giang, dự báo số ca mắc SXH trong tỉnh thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng. Sở Y tế tỉnh An Giang sẽ trực tiếp giám sát việc xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng; quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXH tại khu vực nội trú và ngoại trú. Việc tiếp nhận tái khám ca bệnh SXH, bố trí việc theo dõi, điều trị các ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo, diễn tiến nặng tại khu vực nội trú, nhất là trong các nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần.

Tại Cà Mau, ông Đặng Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết từ đầu năm đến nay, địa phương đã ghi nhận 305 ca mắc SXH, giảm hơn 45% so với cùng kỳ. Tuy số ca mắc SXH giảm nhưng dịch bệnh có thể bùng phát mạnh vào thời gian tới, vậy nên các ngành chức năng trong tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện tháng phòng chống dịch bệnh SXH với những biện pháp cụ thể như tập trung dập các ổ dịch ở các địa phương có ca bệnh; tuyên truyền, vận động người dân diệt muỗi, lăng quăng, nuôi cá bảy màu…

Còn tại TP Cần Thơ, ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, cho biết tính từ đầu năm đến nay, toàn TP có 1.300 ca bệnh SXH, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào tử vong.

Cũng theo ông Trúc, hiện nay vật tư y tế như thuốc, hóa chất vẫn đảm bảo; dịch truyền phục vụ công tác điều trị không thiếu. Ngoài ra, CDC phối hợp với BV Nhi đồng tổ chức lớp tập huấn điều trị cho cán bộ y tế trong các bệnh viện công và bệnh viện tư về công tác điều trị; CDC tập huấn cho cán bộ y tế tại chín trung tâm y tế và 83 trạm y tế xã, phường về công tác giám sát và xử lý ổ dịch.•

Miền Tây tổng lực dập dịch sốt xuất huyết ảnh 2

Bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển viện có nguy cơ sốc, tái sốc, rối loạn tri giác, co giật, xử trí trên xe cấp cứu sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: HOÀNG LAN

Bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển viện có nguy cơ sốc

Trao đổi với báo chí sau buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế ngày 28-6, BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP, cho biết tình hình thiếu thuốc điều trị SXH cũng xảy ra ở các tỉnh khác nên các bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tại BV Nhi đồng TP, 80% ca nặng là ở tỉnh khác.

Theo BS Tiến, bệnh nhân SXH chuyển viện có nguy cơ sốc, tái sốc, rối loạn tri giác, co giật, xử trí trên xe cấp cứu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đã có những trường hợp dự định chuyển từ tỉnh khác đến các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 nhưng phải tấp vào BV Nhi đồng TP vì nếu vào nội thành, quãng đường di chuyển xa, bệnh nhân có khả năng gặp nguy hiểm.

BS Tiến đề nghị tăng cường hỗ trợ chuyên môn trang bị các thuốc dịch truyền, vận mạch điều trị sốc SXH kéo dài, tập huấn chuyển viện an toàn cho nhân viên y tế tuyến tỉnh. Tuy nhiên, BS Tiến lo ngại bên cạnh hệ thống chuyển viện công còn có dịch vụ chuyển viện 115 tư nhân, trong đó đội ngũ vận chuyển thiếu kinh nghiệm nên tăng nguy cơ rủi ro cho bệnh nhân. BS Tiến đề nghị Sở Y tế các tỉnh và TP.HCM cần có quy định hệ thống vận chuyển người bệnh ở cơ sở y tế tư nhân tuân thủ quy định làm sao chuyển viện an toàn nhất, tránh vì lợi nhuận mà gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. HOÀNG LAN

Xem thêm: lmth.606686tsop-teyuh-taux-tos-hcid-pad-cul-gnot-yat-neim/nv.olp

“Miền Tây tổng lực dập dịch sốt xuất huyết”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools